Giữ 'vùng xanh' mua sắm

0:00 / 0:00
0:00
Chợ Bình Thới (Q.11) bán lưu động, hàng hóa đóng gói combo khi mở cửa trở lại. Ảnh: U.P
Chợ Bình Thới (Q.11) bán lưu động, hàng hóa đóng gói combo khi mở cửa trở lại. Ảnh: U.P
TP - Loạt chợ truyền thống, siêu thị ở TPHCM đã hoạt động trở lại giúp người dân “dễ thở” hơn khi mua sắm lương thực, thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, để không lặp lại câu chuyện “mở rồi lại đóng” như trước, nhiều đơn vị đã thay đổi cách thức bán hàng, tăng cường biện pháp phòng dịch.

Bán hàng kiểu mới

Chợ Bình Thới (Q.11, TPHCM) mở cửa trở lại từ đầu tháng 8 sau nhiều lần “mở rồi lại đóng”, đơn vị này đã thay đổi cách thức bán hàng khác hẳn. Chợ mở ngoài trời, chỉ cho 15 tiểu thương kinh doanh thực phẩm thiết yếu như cá thịt, rau củ, trái cây; mỗi tuần đều xét nghiệm COVID-19 cho tiểu thương. Đặc biệt, chợ vận động tiểu thương triển khai bán hàng “combo” (trọn gói).

Giữ 'vùng xanh' mua sắm ảnh 1

“Siêu thị mini di động” lần đầu tiên xuất hiện tại TPHCM. Ảnh: U.P

Theo đó, tiểu thương sẽ phân hàng theo ký và đóng bọc sẵn. Khách mua chỉ cần ra dấu số lượng, tiểu thương báo giá rồi đưa hàng. Cách này vừa mua bán nhanh gọn, vừa hạn chế tiếp xúc. “Để bán hàng theo combo, mình mất thêm thời gian lựa hàng, đóng gói sẵn nhưng được lợi là ít tiếp xúc, hạn chế được nguy cơ dịch bệnh. Tiểu thương bán hàng ngoài việc phải đeo khẩu trang, mang găng tay còn trang bị cả tấm ngăn giọt bắn để bảo vệ cho bản thân và khách hàng” - chị Mai (tiểu thương hàng rau) chia sẻ.

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới cho biết: “Chợ bán từ 7 giờ - 9 giờ 30 mỗi ngày, tất cả đều đóng gói. Trước đây khách đến chợ đông nên chợ quản lý bằng mã kiểm soát, nay khách có phiếu mua thực phẩm do địa phương cấp, đến mua và đi rất nhanh chóng. Ngoài ra, Ban quản lý còn tổ chức 3 đội bán hàng lưu động. Chúng tôi cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ chợ, hạn chế tối đa trường hợp phải đóng cửa”.

Trưa cuối tuần ngày 8/8, tại Trung tâm Thể dục thể thao TP Thủ Đức, người dân ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy “siêu thị mini di động” với đầy đủ rau, thịt cá, trái cây, gạo, mì trứng, thực phẩm chế biến và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được sắp xếp vừa vặn trong một chiếc xe khách. “Tôi đã từng mua rau trên xe buýt, nhưng muốn mua gạo, mì thì vẫn phải đến cửa hàng hoặc siêu thị. Bây giờ tiện hơn, không phải chờ đợi lâu mà vẫn mua được nhiều món khác”, chị Lý (khách mua hàng) cho hay.

Đây là mô hình siêu thị mini di động đầu tiên ở TPHCM do Grove Fresh phối hợp cùng Sở Công Thương TPHCM thực hiện, nhằm tăng nguồn cung thực phẩm cho người dân trong thời điểm dịch bệnh. Đại diện Grove Fresh cho biết: “ Sau khi nhận được ý tưởng từ Sở Công Thương TPHCM, chúng tôi bắt tay ngay vào thực hiện cải tạo xe và lắp đặt quầy kệ tạo nên “siêu thị di động kiểu mới” với đầy đủ hàng hóa vừa tiện nghi như một siêu thị. Mô hình cơ động này sẽ giúp đưa thực phẩm và hàng thiết yếu đến các khu dân cư đang khan hiếm nguồn thực phẩm”.

Giữ “vùng xanh”

Từ “kinh nghiệm xương máu” từ những lần “mở rồi lại đóng”, những chợ còn hoạt động trên địa bàn thành phố nâng cao cảnh giác, nâng chế độ phòng dịch lên mức cao nhất.

Chợ Nguyễn Tri Phương (Q.10, TPHCM) cũng vừa hoạt động trở lại từ ngày 4/8. Ghi nhận tại chợ, dù chỉ khoảng 20 quầy hàng kinh doanh nhưng các mặt hàng từ rau xanh, bún miến, thịt cá… đều đầy đủ. Tuy nhiên, lượng khách đến mua hàng khá ít. Đây là một trong số ít các chợ tại TPHCM bền bỉ và linh hoạt lên phương án phòng dịch, mở lại khi đủ điều kiện an toàn. Tất cả tiểu thương và người phụ sạp đều phải xét nghiệm COVID-19 và có kết quả âm tính. Đại diện Ban quản lý chợ cho hay, so với lần mở bán lại trước đó, số lượng tiểu thương lần này giảm rất nhiều. “Để kiểm soát chặt chẽ, chợ tiến hành làm thẻ đeo cho tiểu thương, trang bị màn chắn tại các sạp. Cứ khoảng hơn 7 giờ, khi chợ bắt đầu mở cửa, Ban quản lý sẽ điều tiết mỗi lượt 10 khách vào bên trong mua hàng nhằm thực hiện nghiêm giãn cách” - đại diện Ban quản lý chợ Nguyễn Tri Phương nói.

Cùng với chợ truyền thống, các siêu thị, kênh phân phối hiện đại cũng gia tăng nhiều hình thức bán hàng mới. Mới đây nhất, Công ty VinCommerce (chủ hệ thống Vinmart, Vinmart+) đề xuất giải pháp cung cấp hàng thiết yếu theo hình thức combo mua chung. Hệ thống cửa hàng GS 25 cũng vừa bổ sung nhóm thực phẩm tươi sống vào danh mục kinh doanh và đã giới thiệu 5 combo mức giá từ 100.000-400.000 đồng. Hệ thống siêu thị MM Mega Market đã đưa vào kinh doanh 8 mẫu combo trên website của 3 siêu thị ở TPHCM. Chỉ sau 2 tuần triển khai, mỗi ngày hệ thống này nhận hơn 200 đơn đặt hàng.

Hệ thống siêu thị Co.opmart thực hiện phân luồng, hướng dẫn khai báo y tế và điều tiết khách hàng ngay từ cổng vào, tránh tình trạng khách vào siêu thị quá đông, không đảm bảo giãn cách. Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong đợt dịch này, hệ thống bán lẻ một lần nữa kích hoạt chế độ chống dịch và có phần nâng cao mức độ kiểm soát các quy định phòng dịch tại hệ thống do đợt tái dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn những lần trước.

Theo Sở Công Thương TPHCM, tính từ ngày 19/7 đến nay, có 14 chợ đã khôi phục hoạt động, sau khi đóng để thực hiện các công tác phòng, chống dịch (như khử khuẩn, xét nghiệm, truy vết…), nâng tổng số chợ hoạt động toàn thành phố lên 33/237 chợ.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.