Tại hội nghị ngành ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: TTXVN
TP - Sáng 23/8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp “Nâng cao hiệu quả công tác ngoại giao phục vụ phát triển”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tập trung vào 5 nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, định hình những ưu tiên và xác lập tư duy chiến lược cho ngoại giao trong thời kỳ mới. Thứ hai, chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong việc xây dựng thể chế của các định chế hợp tác quốc tế và khu vực. Thứ ba, chủ động đề xuất, hỗ trợ triển khai, phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp theo phương châm “tham mưu, triển khai, đồng hành và liên kết sâu rộng”.

Thứ tư, phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương về nhiệm vụ đối ngoại và quản lý đối ngoại. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nghiên cứu giao cho từng đại sứ quán, thương vụ các nhiệm vụ đối ngoại và kinh tế đối ngoại cụ thể, đồng thời rà soát các cơ chế, chế độ tài chính nhằm bảo đảm đời sống, điều kiện công tác tốt nhất cho các cơ quan đại diện, cán bộ ngoại giao; có cơ chế đánh giá kết quả các hoạt động đối ngoại dựa trên sự phản hồi của người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành. Thứ năm, các cơ quan đại diện ở nước ngoài phải đại diện một cách chân thực nhất hình ảnh của Việt Nam, lợi ích của Việt Nam ở nước sở tại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành ngoại giao cần học theo tư tưởng, tấm gương và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, tiếp tục kiên trì giữ vững nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao đã đề cao tư duy mới về ngoại giao phục vụ phát triển với cách tiếp cận liên ngành, đa ngành, đa phương, đóng góp vào việc thay đổi tư duy, nhận thức về đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững đất nước, bắt nhịp với thời đại.

Một số thử thách lớn hơn trước

Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Đình Quý nói rằng, công tác đối ngoại triển khai nghị quyết Đại hội XII sẽ gặp phải một số thử thách lớn hơn trước. Thứ nhất, thời gian 5 năm tới là giai đoạn then chốt của sự nghiệp đổi mới để đưa Việt Nam bước vào hàng ngũ nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa với các mô hình tăng trưởng mới và bền vững hơn. Công tác đối ngoại phải phục vụ nhiệm vụ then chốt này.

Thứ hai, công tác đối ngoại đã trở thành tuyến đầu trong việc bảo vệ an ninh và chủ quyền đất nước và bảo vệ đất nước từ xa. Để làm được điều này, công tác đối ngoại phải đóng góp trực tiếp vào việc đưa các mối quan hệ của Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu để củng cố xu thế hữu nghị và hợp tác của các đối tác đó với Việt Nam, đồng thời chủ động và tích cực tham gia tạo dựng luật chơi trong các tổ chức đa phương, nhất là ASEAN và Liên Hợp Quốc để có thể tận dụng chính các luật chơi đó bảo vệ có hiệu quả quyền lợi quốc gia - dân tộc của chúng ta. Thứ ba là công tác đối ngoại ngày càng trở nên đa dạng và toàn diện, đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, tất cả các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân.   

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác đối ngoại của ngành ngoại giao thời gian qua đã góp phần to lớn và quan trọng giữ gìn môi trường hòa bình, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển, củng cố nền tảng lợi ích chiến lược lâu dài của ta với các đối tác, tạo thế và lực chưa từng có cho Việt Nam.

MỚI - NÓNG