Giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng

TP - “Công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là phòng, chống việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Mai Trực, nói.

Thanh “bảo kiếm”  của Ðảng

Ngày 27/1, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiến hành thảo luận tại hội trường về các dự thảo văn kiện Đại hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Mai Trực cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, chủ động, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm.

Theo ông Mai Trực, UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên; giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên; tập trung nhiều vào những điểm nóng, những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm.

Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương dẫn chứng, các cơ quan có thẩm quyền đã quyết định kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và gần 70.000 đảng viên vi phạm, có cả những cán bộ giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống.

Ông Mai Trực khẳng định, công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ qua đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên, giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng; đóng góp tích cực vào việc kiểm soát quyền lực, trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn được giao, nhất là phòng, chống việc lạm quyền, lợi dụng quyền lực để trục lợi.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Mai Trực, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo và đích thân thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy viên cùng cấp, người đứng đầu, người có chức vụ, quyền hạn còn hạn chế. “Việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu; có nhiều khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, đảng viên chậm được phát hiện, xử lý kéo dài. Chất lượng công tác giám sát thường xuyên còn nhiều hạn chế, có những vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên diễn ra trong thời gian dài nhưng chậm được phát hiện”, ông Trực nói.

Theo ông Mai Trực, cần tiếp tục khẳng định kiểm tra, giám sát là những chức năng, phương thức lãnh đạo của Đảng, một bộ phận quan trọng trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ của toàn Đảng, trước hết là của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói “là thanh bảo kiếm của Đảng”, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp.

Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”

Tham luận tại Đại hội, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. “Tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, đùm bọc lẫn nhau đã thấm sâu vào tình cảm và hành động của mỗi người dân đất Việt trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam”, ông Mẫn bày tỏ, đồng thời viện dẫn, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ vừa qua, truyền thống yêu nước nồng nàn, tình nghĩa đồng bào sâu lặng, sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc một lần nữa được thể hiện đậm nét.

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hoạt động của MTTQ Việt Nam, theo ông Mẫn, một trong những giải pháp cần thực hiện là trong mọi hoạt động, hệ thống chính trị phải quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, khơi dậy sức sáng tạo, sự ủng hộ của nhân dân. Đồng thời tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Cùng với đó, cần quán triệt phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Phát biểu tham luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu, thiếu trách nhiệm, thậm chí làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Hôm nay, Đại hội nghe báo cáo nhân sự BCH Trung ương khoá XIII
Ngày 28/1, Đại hội làm việc tại Hội trường, tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội XIII và nghe báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII. 

THÀNH NAM

MỚI - NÓNG