Giữ môi trường tốt để lao động yên tâm làm việc

Nhiều doanh nghiệp lì xì khẩu trang, nước rửa tay cho công nhân
Nhiều doanh nghiệp lì xì khẩu trang, nước rửa tay cho công nhân
TP - Ngày đầu tiên làm việc trở lại sau Tết, các doanh nghiệp đồng loạt phun hóa chất tiêu độc khử trùng các nhà xưởng, văn phòng trước khi lao động trở lại làm việc. Doanh nghiệp yêu cầu người lao động thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm.

Ngày 17/2, Công ty TNHH Samsung Electronisc Việt Nam (KCN Yên Bình, thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) đón hàng chục nghìn lao động trở lại làm việc.  

Lãnh đạo công đoàn công ty cho biết, để đảm bảo an toàn cho lao động, công ty đã áp dụng công nghệ để yêu cầu toàn bộ người lao động thực hiện khai báo y tế nội bộ. Ngay trước cổng, công ty bố trí nhân viên y tế đo thân nhiệt, phát khẩu trang cho lao động.

 “Đối với công nhân quê ở Hải Dương, Quảng Ninh, công ty tạm dừng toàn bộ xe đưa đón công nhân từ các vùng dịch. Trong ngày đầu năm làm việc, thông thường công ty tổ chức chương trình gặp mặt đầu xuân, văn nghệ để chào đón năm mới, nhưng năm nay công ty không tổ chức chương trình tập trung đông người nào”, vị này cho hay.

Ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hosiden Việt Nam cho biết, trong ngày làm việc đầu tiên, công ty này có khoảng hơn 6.000 công nhân quay trở lại làm việc (đạt khoảng 95 % số công nhân).

Theo ông Nguyễn Văn Tân, do dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào dịp sát Tết, nên ngày 17/2 công ty vẫn chưa yêu cầu công nhân bắt tay vào làm việc. “Công việc đầu tiên, công ty yêu cầu người lao động phải khai báo y tế và phun hóa chất khử trùng tất các nhà xưởng. Tại nơi ở của lao động, công ty cũng cử nhân viên xuống hỗ trợ. Đầu năm mới, thay vì tặng người lao động các thẻ mua hàng miễn phí như mọi năm, công ty lì xì cho lao động mỗi người một hộp khẩu trang và nước rửa tay để đảm bảo phòng chống dịch”, ông Tân chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hải Dương cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tỉnh này có khoảng 30.000 lao động đăng ký không về quê. Tuy nhiên, vẫn có một số lượng lớn công nhân ngoại tỉnh quay trở về địa phương. Ngày 16/2, trước ngày làm việc đầu năm, LĐLĐ tỉnh đã đề nghị doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có phương án đảm bảo an toàn cho người lao động.

Theo đó, LĐLĐ đề nghị các doanh nghiệp trong KCN sử dụng tối đa phương tiện vận tải hiện có của doanh nghiệp đưa đón công nhân đi làm, hạn chế việc công nhân sử dụng phương tiện cá nhân, đồng thời nghiên cứu, điều chỉnh giờ làm việc của các dây chuyền sản xuất theo hướng giãn cách giờ vào làm việc đầu giờ sáng và giờ tan ca cuối giờ chiều.

Đối với các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, nơi vừa xảy ra hàng loạt ca nhiễm COVID-19, ông Anh cho biết, tỉnh này đã siết chặt việc ra vào các khu công nghiệp. Toàn bộ công nhân có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú tại huyện Cẩm Giàng sẽ phải có giấy xác nhận ra vào khu công nghiệp. Còn công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Giàng hoặc thường trú ở các huyện, thị xã, thành phố ngoài huyện Cẩm Giàng sẽ tự cách ly tại nhà, tạm thời chưa quay trở lợi làm việc trong vùng dịch.

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế này cho biết, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này có lịch nghỉ Tết đặc thù hơn so với các địa phương.

Đến thời điểm này, các doanh nghiệp vẫn đang tổ chức cho công nhân vệ sinh môi trường, phun khử trùng, tiêu độc nhà xưởng và kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị, máy móc kỹ thuật để chờ ngày hoạt động trở lại.

Theo ông Tuấn, trong dịp Tết Nguyên đán, trên địa bàn Quảng Ninh có khoảng 10 nghìn lao động ở lại địa phương ăn Tết. Trong những ngày qua, các cấp chính quyền Quảng Ninh đã xây dựng phương án tổ chức đón xuân, bố trí cán bộ chăm lo cho lao động ở lại đón Tết.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.