Tổng cục Đường bộ vừa chấp nhận đề xuất của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật) về việc cho phép đặt biển thông báo số điện thoại nóng hỗ trợ ngăn ngừa người nhảy cầu tự tử.
Trước mắt sẽ áp dụng thí điểm tại ba cây cầu lớn của Hà Nội.
Những kẻ phải chết, và những người muốn chết. Chết ấy, có gì khác nhau? Thông thường những kẻ tội đồ chẳng bao giờ muốn chết. Trong khi có không ít người đang tự do sống lại thiết tha tìm cách kết thúc đời mình.
Nhiều quốc gia không áp dụng hình phạt tử hình, và từ chối cung cấp độc dược cho quốc gia khác dùng vào việc hành quyết phạm nhân. Nhưng dù xã hội có văn minh đến đâu, có duy trì án tử hay không, thì tội ác vẫn diễn ra đều đặn hàng ngày.
Vẫn xuất hiện càng nhiều những kẻ ra tay tước đoạt mạng sống của đồng loại một cách đơn giản và tàn bạo. Trong gia đình, trường học, nơi rạp phim, trên đường phố... Và vẫn có nhiều những người nhảy xuống từ những cây cầu.
Nhà văn hiện đại H. Murakami cho nhân vật cô gái 16 tuổi trong tiểu thuyết Biên niên ký chim vặn dây cót ước muốn kỳ dị là rạch da thịt ra để tìm một "cái gì đó giống như cái chết" mà không phải là chết. Những luật gia thì tuyên ngôn "Pháp luật phải giống như cái chết, không khoan dung bất kỳ ai".
A.Schopenhauer- triết gia lừng lẫy người Đức thế kỷ 19 khi bàn về cái chết, cho rằng con người luôn "tưởng rằng mình chỉ sống ở con người mình, chứ không ở những người khác".
Sự khủng hoảng tâm lý trước áp lực đời sống của con người, sự khát khao thực thi công bằng của luật pháp, dù trong văn chương, triết học hay đời thực, cũng chỉ phản ánh sự bất cập và bất lực chưa thể hóa giải. Bởi sự ích kỷ của từng cá nhân cho đến những chính sách điều hành xã hội, điều chỉnh con người do chính con người tạo ra.
Trở lại với đề xuất cắm biển ngăn ngừa tự tử trên cầu của Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý - trung tâm đầu tiên trong cả nước ra đời cách đây 3 năm.
Ai nấy rồi sẽ phải làm quen với những số điện thoại nóng của địa chỉ ấy, khi mọi áp lực ngày càng đè nặng, từ ăn ở, học hành, đi lại, thuốc men, bệnh tật, tội phạm, đến nợ nần, phá sản...?
Nhưng còn phòng chống khủng hoảng về luật và chính sách? Đơn cử ngay như việc để cho gần 500 tử tù ngắc ngoải chờ được tiêm thuốc độc.
Hay như phòng chống tội phạm, lại phải kêu gọi, van vỉ các "quan tham" thức tỉnh, tiết chế tham ô, tham nhũng như một số vị đại biểu Quốc hội vừa thể hiện tại nghị trường. Mà lại không dõng dạc tuyên chiến, rằng "Pháp luật phải giống như cái chết...".