Đến trưa 26/12, hiện tượng nhật thực một phần mới diễn ra nhưng các bạn trẻ trong CLB Thiên văn Đà Nẵng đã có mặt rất sớm để chuẩn bị các trang thiết bị phục vụ những bạn trẻ và người dân yêu thích thiên văn ngắm nhật thực.
Dù thời điểm xảy ra nhật thực, Đà Nẵng nắng rất gay gắt nhưng các bạn trẻ vẫn không quản ngại thời tiết, che ô, đội mũ... để chờ ngắm nhật thực. Vì số lượng người tham gia khá đông cùng với số lượng các thiết bị hạn chế nên các bạn trẻ đều phải xếp hàng chờ đến lượt
Quan sát nhật thực không được nhìn mắt thường nhìn vào Mặt Trời hay sử dụng các loại kính râm, kính chống nắng thông thường bởi thời điểm xảy ra nhật thực, nắng rất gay gắt và tia cực tím rất lớn, kính râm chỉ có thể giảm lượng ánh sáng chứ không thể cản được tia cực tím. Việc ngắm nhật thực phải sử dụng các thiết bị mắt kính chuyên dụng hoặc kính thiên văn.
Tại Đà Nẵng, khoảng 10h45, mới bắt đầu xuất hiện nhật thực một phần. Đến thời điểm 12 giờ 30, hiện tượng nhật thực đạt cực đại, khoảng 50%.
Theo Ngô Quang Trường (sinh viên ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng), thành viên CLB Thiên văn học Đà Nẵng, nhật thực hình khuyên là một dạng của nhật thực toàn phần khi Mặt Trăng sẽ nằm trên một đường thẳng với Mặt trời và Trái đất, nhưng do Mặt trăng nằm gần Trái đất hơn so với bình thường nên có kích thước nhỏ hơn Mặt Trời trên bầu trời. Mặt Trăng sẽ đi vào giữa Trái Đất và Mặt Trời, tạo ra nhật thực hình khuyên có thể quan sát ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Hiện tượng nhật thực một phần gần đây nhất diễn ra vào tháng 3/2016. Sau 4 năm, hiện tượng này mới tiếp tục diễn ra và là hiện tượng nhật thực cuối cùng của thập kỉ này. Tùy thuộc vào khu vực địa lý, thời gian nhật thực bắt đầu từ 10h34 kéo dài đến 14h và thời gian cực đại sẽ rơi vào khoảng 12h12 đến 12h41.
Sự kiện ngắm nhật thực một phần do CLB Thiên văn Đà Nẵng tổ chức, khoảng 30 ống kính chuyên dụng, 4 kính Thiên văn cùng 3 phương pháp xem gián tiếp được chuẩn bị để người dân và du khách có thể chiêm ngưỡng nhật thực.