Giới phân tích: Triều Tiên vẫn trông cậy Trung Quốc về an ninh kinh tế và chính trị

Giới phân tích: Triều Tiên vẫn trông cậy Trung Quốc về an ninh kinh tế và chính trị
TPO - Theo các chuyên gia, sẽ không thể tiến tới phi hạt nhân hóa nếu không có việc Trung Quốc trao cho Triều Tiên những “đặc ân” để từ bỏ vũ khí. Trung Quốc vẫn là một người nhân tố không thể thiếu trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều lịch sử hôm 27/4 vừa qua do Bắc Kinh có thể cung cấp sự đảm bảo về kinh tế và chính trị cho Bình Nhưỡng.

Sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí với mục tiêu “hoàn toàn phi hạt nhân hóa” Bán đảo Triều Tiên và thiết lập hòa bình vĩnh viễn, nhiều người hy vọng kế hoạch hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6, và tiếp theo là một hội nghị thượng đỉnh 3 bên Hàn-Triều-Mỹ.

Triều Tiên hồi tuần trước đã tuyên bố sẽ ngừng thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo đồng thời đóng bãi thử hạt nhân – điều đã được đánh giá là “rất có ý nghĩa và quan trọng”. Tuy nhiên, Giáo sư Kim Joon-hyung thuộc Đại học quốc tế Handong cho rằng, Bình Nhưỡng chuẩn bị ra sao và tốc độ như thế nào sẽ phụ thuộc vào những gì được đưa ra để đối lấy những nhượng bộ. Ông nói: “Nếu được giá. Triều Tiên có thể thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa”.

Mặc dù các vũ khí hạt nhân (và tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ) của Triều Tiên sẽ cho nước này đòn bẩy lớn hơn trong thương lượng, song các nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump lại nổi tiếng là “rắn mặt” trong đàm phán.

Theo ông Moon Chung-in, cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc về vấn đề thống nhất, đối ngoại và an ninh quốc gia, cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ vẫn là chìa khóa cho vấn đề phi hạt nhân hóa, song điều quan trọng là phải có các bên khác tham gia thỏa thuận và ông Trump sẽ rất vui khi Trung Quốc trả tiền cho điều đó. Ông Moon Chung-in hiểu rằng, Tổng thống Trump sẽ nói rằng “tôi đã làm điều đó mà không tốn một xu”.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Chuyên gia Andrei Lankov thuộc khoa nghiên cứu về Triều Tiên của Đại họ Kookmin ở Seoul nhấn mạnh, việc nước này sẵn sàng áp đặt trừng phạt kinh tế chống Triều Tiên có thể là nhân tố quan trọng khiến ông Kim quyết định thay đổi chiến lược.

Theo Giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson, ông Tôn Vận, trong bối cảnh Bình Nhưỡng và Washington đang tiến tới đàm phán, Trung Quốc có thể dỡ bỏ một số trừng phạt để tìm cách hàn gắn quan hệ và lấy lại ảnh hưởng của nước này đối với Triều Tiên.

Ông Cho Seong-ryoul – nguyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện chiến lược an ninh quốc gia ở Seoul, cho rằng điều mà Triều Tiên mong muốn nhất là sự đảm bảo cho chế độ và hệ thống chính trị của nước này, nếu không Bình Nhưỡng sẽ không hoàn toàn từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Bắc Kinh có thể giúp điều này. Từ lâu Bắc Kinh đã phản đối việc sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời tuyên bố sẽ không để chế độ của ông Kim bị sụp đổ.

Tuyên bố Panmunjom hôm 27/4 sẽ theo đuổi một tài liệu ràng buộc nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vốn mới chỉ tạm ngừng sau khi ký hiệp định đình chiến năm 1953, cũng như chấm dứt sự thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên. Chuyên gia Thái Kiến về quan hệ Trung – Triều của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải nhấn mạnh, việc giữ Bắc Kinh tham gia vào vấn đề này rất quan trọng. Ông nói: “Hiệp ước hòa bình được dự kiến thay hiệp định đình chiến sẽ mất tính hợp pháp nếu không có sự ủng hộ của Bắc Kinh”.

John Delury, giáo sư về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Yonsei của Seoul, cho rằng các cuộc thương lượng giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ có thể thành công hơn trong việc đạt tiến bộ so với các cuộc đàm phán sáu bên do Trung Quốc đứng đầu trước đó. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng cần tham gia về mặt ngoại giao càng nhiều càng tốt.

Ông nêu rõ, Bắc Kinh đã bị loại khỏi cuộc chơi khi trục Kim-Moon-Trump đang lèo lái tiến trình. Điều này đã khiến Trung Quốc lo lắng. Tuy nhiên, những lo lắng đã được xoa dịu khi ông Kim chọn Bắc Kinh để thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 3 vừa qua. Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn là một thành phần trong cuộc thương lượng. Thêm vào đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là có kế hoạch thăm Bình Nhưỡng, có thể trong tháng 6 tới.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.