Giới học giả Trung Quốc: Ông Trump có thể 'chơi rắn' ở biển Đông

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm qua trò chuyện hơn một giờ tại Nhà Trắng. Tỷ phú Trump nói rằng, ông chưa từng gặp Tổng thống Obama trước đó. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm qua trò chuyện hơn một giờ tại Nhà Trắng. Tỷ phú Trump nói rằng, ông chưa từng gặp Tổng thống Obama trước đó. Ảnh: AP
TP - Nửa đầu năm 2017 có thể là “giai đoạn nguy hiểm” trong quan hệ Mỹ - Trung khi tân tổng thống Mỹ “chơi rắn” ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trên biển Đông, nhiều học giả Trung Quốc nhận định.

Trả lời báo Hong Kong South China Morning Post, ông Zhang Zhexin, một chuyên gia về Mỹ tại ĐH Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) cho rằng, 3 mối quan tâm chính của giới nghiên cứu Trung Quốc là an ninh, kinh tế và cạnh tranh nhân tài.

Mỹ sẽ tăng cường tập trận trên biển?

Về an ninh, ông Zhang cho rằng, nửa đầu năm sau có thể là “giai đoạn nguy hiểm” trong quan hệ Mỹ - Trung. Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể “chơi rắn” ở châu Á - Thái Bình Dương trong nửa đầu năm 2017 để thể hiện hình ảnh một tổng thống Mỹ đầy sức mạnh. Mỹ có thể sẽ tập trận nhiều hơn trên biển Đông hoặc Hoa Đông. Vì các kênh liên lạc giữa Bắc Kinh và đội của ông Trump chưa thông suốt nên Trung Quốc cũng sẽ chọn cách “chơi rắn”, nên khả năng xảy ra va chạm quân sự tăng cao, ông Zhang nhận định. Sẽ phải mất một thời gian để qua giai đoạn nguy hiểm này trước khi Trung Quốc có thể đi đến một kiểu lòng tin chiến lược với tân tổng thống Mỹ.

Theo ông Lian Degui, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, ông Trump là người ngoại đạo về ngoại giao, nhưng ông ấy sẽ có các cố vấn. Nhưng vẫn chưa biết ai sẽ là cố vấn của ông ấy nên khó để đánh giá. Nếu ông Trump quyết tâm làm theo ý mình và phớt lờ tất cả lời khuyên thì chiến lược tái cân bằng của Mỹ sẽ thay đổi. Nhưng rất có thể ông Trump sẽ chỉ bỏ cái tên “Xoay trục sang châu Á”, ông Lian nói. Đến nay, mới có một vài manh mối nhỏ về chính sách ngoại giao của chính quyền sắp tới. Ví dụ, ông Trump có thể yêu cầu Nhật Bản và Hàn Quốc chi trả nhiều hơn cho vấn đề an ninh.

Ông Lian cho rằng, tân tổng thống Mỹ có vẻ sẽ không quan tâm việc can dự vào vấn đề biển Đông nhiều hơn đương kim tổng thống Barack Obama vì nếu làm như vậy sẽ tốn thêm tiền mà một chính phủ Mỹ theo đường lối hướng nội sẽ không sẵn sàng chi trả.

Theo ông Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, Donald Trump sẽ quan tâm đến kinh tế và thương mại hơn an ninh. Trả lời câu hỏi của báo Mỹ Washington Post về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, Donald Trump nói ông không muốn nói cho người khác biết điều ông ấy muốn làm. “Tôi hiểu điều đó có nghĩa là ông ấy không muốn can thiệp vào vấn đề này”, ông Liu nói.

Theo ông Liu, bản chất doanh nhân của tỷ phú Trump nói lên rằng, ông ấy sẽ không cho phép nước nào lấy mất lợi thế của Mỹ. Trong vấn đề an ninh, điều này có nghĩa là Mỹ sẽ không gánh nhiều trách nhiệm như trước đây, nên Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ phải tự lo an ninh của mình.

Cơ hội dùng kinh tế để mặc cả

Về kinh tế, học giả Lian Degui cho rằng, rất khó để dự đoán việc Donald Trump thắng cử sẽ ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ - Trung như thế nào, vì không ai biết chính sách Trung Quốc của ông ấy là gì; ông ấy sẽ tập trung vào kinh tế trong nước. “Donald Trump nói sẽ gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, nhưng ông ấy có thực sự làm hay không? Tôi  nghi ngờ điều đó”, ông Lian nói.

Còn theo ông Zhang Zhexin, khi Donald Trump dẫn dắt nước Mỹ, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đối mặt áp lực nhiều hơn từ Washington, nhưng cũng sẽ tìm thấy những cơ hội. Trước tiên, Trung Quốc có thể gắn các vấn đề kinh tế với các vấn đề an ninh để mặc cả với Mỹ. Thứ hai, nếu Mỹ không theo các thỏa thuận thương mại khu vực, Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội mới để thúc đẩy những thỏa thuận thương mại của riêng mình, các thỏa thuận song phương cũng như chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ trên thế giới sẽ bị chất vấn, tạo thêm cơ hội để Trung Quốc làm sâu sắc quan hệ kinh tế với các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Liu Weidong cho rằng, tỷ phú Donald Trump hùng biện tranh cử tốt hơn cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, nhưng ông ấy thực hiện những lời hứa lúc tranh cử đến mức độ nào thì chưa thể biết chắc. Nhưng ông ấy rất có khả năng sẽ cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại, ông Liu nói.

Theo học giả Liu Weidong, trong những ngày đầu lên nắm quyền, có thể Donald Trump sẽ gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. Nhưng rất khó có khả năng ông ấy sẽ áp 45% thuế lên hàng Trung Quốc xuất sang Mỹ. Nếu tân tổng thống Mỹ thực sự làm như vậy, đó sẽ là thảm họa với Trung Quốc, ông Liu nhận định.

Donald Trump đề cập đến Trung Quốc nhiều hơn bà Clinton, cho thấy ông ấy sẽ chú ý nhiều đến Trung Quốc, ông Liu nói. Ông Trump thậm chí còn nói muốn hợp tác với Trung Quốc, điều mà bà Clinton chưa từng đề cập. Vì thế, điều  này sẽ mang lại cơ hội cho Trung Quốc.

Đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Liu cho rằng, quan điểm của Donald Trump đã rõ, rằng Mỹ mất nhiều lợi ích trong TPP. Nhưng ngay cả khi ông Trump “tiêu diệt” TPP cũng không có nghĩa là Mỹ sẽ rút khỏi châu Á; Mỹ sẽ từ bỏ một thỏa thuận thương mại cụ thể nhưng sẽ không từ bỏ những lợi ích kinh tế ở châu Á, ông Liu nhận định.

Về cạnh tranh nhân tài, ông Zhang cho rằng, tân tổng thống Mỹ sẽ hạn chế nhập cư. Nếu Donald Trump làm chỉ một nửa những điều ông ấy đã cam kết về kiểm soát nhập cư, Mỹ sẽ trở nên ít cởi mở hơn. Đó là cơ hội rất tốt để Trung Quốc mở cửa và cải cách, ông Zhang nói.

Tân tổng thống sẽ dỡ bỏ phần lớn di sản của ông Obama

Trong cuộc gặp với Tổng thống Barack Obama trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng hôm qua, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói rất vinh hạnh được gặp ông Obama. Tổng thống Obama nói rằng, ưu tiên của ông là thúc đẩy việc chuyển giao quyền lực. Dù hai bên trò chuyện thân mật, ông Trump cam kết sẽ dỡ bỏ phần lớn di sản của Tổng thống Obama, bao gồm chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc Obamacare. Hôm qua, ông Trump cũng gặp Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto nói ông lạc quan rằng, Mexico sẽ có mối quan hệ tích cực với Mỹ dưới thời ông Trump. Còn người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, ông Putin và ông Trump “rất giống nhau” về cách họ nhìn thế giới.

Hôm qua, khoảng 4.000 người Mỹ, chủ yếu là thanh niên, biểu tình ở thành phố Portland, bang Oregon để phản đối ông Trump trở thành tổng thống. Một số người biểu tình đập vỡ cửa kính cửa hàng, xe hơi, đốt pháo, đốt thùng rác, ném đá cảnh sát. Cảnh sát đã tạm giữ 26 người. Biểu tình phản đối ông Trump cũng diễn ra ở một số thành phố khác, nhưng với quy mô nhỏ hơn nhiều.         

Thái An (theo BBC, ABC News)

Theo Theo SCMP
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.