Gió Đại Phong vẫn thổi

Hai cô gái của đội Võ Thị Sáu năm xưa ngồi ôn lại thời trống giong cờ mở
Hai cô gái của đội Võ Thị Sáu năm xưa ngồi ôn lại thời trống giong cờ mở
TP - Ngọn gió ấy 50 năm qua vẫn thổi trên mảnh đất xứ Đoài, cuốn bay nghèo đói, lạc hậu, ích kỷ, hẹp hòi, thổi bùng tinh thần lao động.

> Đón nhận tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Hai cô gái của đội Võ Thị Sáu năm xưa ngồi ôn lại thời trống giong cờ mở
Hai cô gái của đội Võ Thị Sáu năm xưa ngồi ôn lại thời trống giong cờ mở.
 

Tôi về xã Tòng Bạt, huyện Ba Vì, Hà Nội để tận thấy ngọn gió kỳ lạ mang tên Đại Phong.

Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm

Dân Tòng Bạt sáng 16-9 kéo về UBND xã đông như hội, dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về phát động phong trào thi đua Gió Đại Phong.

Ông Trần Thế Sao (70 tuổi) nhớ về tuổi 20 của mình: “Xã tôi bị giặc Pháp tàn phá nặng nề, nhà cửa, ruộng đồng khô cháy, đồng chua nước mặn, dân thiếu đói quanh năm. Năm 1960 bắt đầu phong trào xây dựng nông nghiệp, nông thôn mới, xây dựng thủy lợi. Chúng tôi vào phân đội đắp đập Suối Hai và hồ Tây Ninh, làm nhiều vụ tăng năng suất”.

Chàng thanh niên nhỏ con Trần Thế Sao ngày ấy gánh được 7 khối đất một ngày. Đó thực sự là một kỳ tích và Trần Thế Sao được gọi là người khoẻ nhất Sơn Tây.

Tôi hỏi: “Vì sao lúc đó bác có thể gánh một ngày 7 khối đất?”. Chàng Sao ngày nào, bây giờ cười móm mém bảo: “Hồi ấy phong trào thi đua dâng lên, mình hăng lắm, gánh không biết mệt, mình như vận động viên dùng doping vậy”.

Hồi ấy, ngọn gió của phong trào thi đua trong nông nghiệp mang tên Gió Đại Phong thổi về Tòng Bạt, khiến cho những chàng trai cô gái nơi đây lòng phơi phới ra sức lao động trên những công trường. 10 cô gái xuất sắc nhất được chọn vào đội Võ Thị Sáu, 10 chàng trai xuất sắc nhất được chọn vào đội Gagarin.

Cả hai đội bắt tay nhau thi đua với 8 cô gái Phú Châu trên công trường đắp hồ thủy lợi Suối Hai, cùng 312 đoàn viên và 112 thanh niên và toàn dân Tòng Bạt trống dong cờ mở hăng hái lao động, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm.

Thành viên đội Gagarin và Võ Thị Sáu ăn cơm ngay trên cánh đồng, gánh đất nặng trên vai mà đi cứ nhẹ như bay. Chẳng mấy chốc, hồ thủy lợi Tây Ninh được xây xong, những dòng nước mát lành bắt đầu tưới tắm cho đồng chua nước mặn.

Ông Dương Văn Viện, Bí thư Đoàn thanh niên những năm ấy, hồi tưởng: “Cùng với đắp đập thủy lợi hồ Suối Hai và hồ Tây Ninh, đoàn thanh niên lại cờ giong trống mở tiến quân vào xã Ba Trại, lên xã Minh Quang để khai hoang trồng hàng trăm mẫu sắn, đồng thời biến cánh đồng chiêm khê, mùa thối năm xưa thành cánh đồng 2 vụ, 3 vụ ăn chắc.

Thế rồi, HTX của quê tôi được công nhận là HTX Đại Phong, lá cờ đầu của tỉnh Sơn Tây. 10 gái, 10 trai đội Võ Thị Sáu, Gagarin được đổi tên thành “10 trai, 10 gái Đại Phong” và viết thư gửi lên báo đài thi đua với thanh niên toàn miền Bắc”.

Trong không khí ấy, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm xã Tòng Bạt.

Chị Hà và ông Viện nói chuyện về gió Đại Phong
Chị Hà và ông Viện nói chuyện về gió Đại Phong.
 

Bài học từ cuộc vật tay với Đại tướng

Nghe tin Đại tướng về, thanh niên xã kéo đến rất đông ở sân nhà ông Thế ở xóm 6 thôn Thái Bạt.

Ông Viện kể: “Tôi còn nhớ như in lời Đại tướng nói chuyện với thanh niên và 10 trai, 10 gái Đại Phong. Đại tướng mặc rất giản dị với sơ mi trắng cộc tay, tươi cười mở đầu câu chuyện: “Cách đây chừng 30 năm, lúc đó, cách mạng chưa thành công, tôi còn là một thanh niên 17 tuổi trẻ khỏe cũng làm ruộng như các đồng chí. Nhưng tôi không có ruộng, phải đi làm thuê cho nhà giàu để kiếm miếng cơm manh áo, mà còn bị nó nhiếc móc đánh chó chửi mèo. Có nhiều bữa cơm phải trộn nước mắt các đồng chí ạ”.

Đại tướng đi thẳng đến dãy ghế đầu, nơi các chàng trai, cô gái Đại Phong đang ngại ngùng ken vào nhau, lần lượt bắt tay thăm hỏi. Ông nhìn những kiện tướng phân bón, kiện tướng thủy lợi, xuýt xoa: “Chà, các cậu khỏe thật đấy, kém gì Hạng Vũ ngày xưa. Nhưng cho tớ hỏi, có cậu nào nhận vật tay với tớ tối nay không?”. Lời thách đấu của vị đại tướng khiến trai gái Đại Phong ngơ ngác một lúc. Nguyễn Văn Ký, kiện tướng gánh một tạ hai, con chim đầu đàn của trai gái Đại Phong, bước tới bàn Đại tướng, giơ cánh tay rám nắng, cuồn cuộn cơ bắp quyết thắng đối thủ tóc đã hoa râm.

Kiện tướng mặt đỏ tía tai, dùng hết gân sức. Nhưng bất ngờ, cánh tay người đàn ông tóc hoa râm ép tay chàng trai xuống mặt bàn, day day mấy cái rồi mới buông ra trong tiếng cười sảng khoái. Những ngại ngùng tan biến. 9 trai Đại Phong lần lượt lên vật tay đều bị Đại tướng hạ gục.

Đại tướng hỏi: “Có cô nào nhận thi đấu không?”. Các cô gái cười rúc rích: “Chúng cháu chỉ thi cấy thôi”. “Thi cấy à, tôi nhận lời. Điều kiện là nhanh nhưng phải đúng kỹ thuật, chăng dây thẳng hàng nhé”.

Đại tướng cười bảo: “Thanh niên phải có sức khỏe, có tâm hồn, có ý chí và mưu trí và phải có điểm tựa. Các cậu khỏe nhưng vật tay thua tớ vì các cậu không có điểm tựa”.

Một đại tướng chức cao quyền trọng, nhưng không hề đưa ra những lời huấn thị cao xa mà tâm tình trò chuyện khiến cho trai gái Đại Phong cảm giác như một người anh trong gia đình mình. Lời của Đại tướng dặn bây giờ ông Viện, ông Sao vẫn còn nhớ: “Cần có nhiều trai gái Đại Phong hơn nữa. HTX có hơn 500 hộ, 1.000 lao động, nếu xây dựng được 100 con người tiên tiến làm hăng, làm giỏi, có tư tưởng tập thể làm nòng cốt thì chắc chắn HTX vững mạnh” .

Chuyến về Tòng Bạt của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thổi bùng hơn nữa ngọn lửa hăng say lao động xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt của Tòng Bạt sáng bừng lên, nhà nhà, người người thi đua, tất cả vì tập thể, không ai tính toán thiệt hơn.

Sau đó, nhiều trai Đại Phong xung phong lên đường nhập ngũ và hy sinh. Đội 10 trai Đại Phong giờ chỉ còn 3, 10 gái Đại Phong giờ còn lại 4 người.

Nông thôn mới chờ gió Đại Phong

Trước mặt tôi là cánh đồng Thái Bạt thẳng cánh cò bay, năng suất hơn 7 tấn/ha. Từ chỗ chiêm khê mùa thối, Tòng Bạt trở thành vựa lúa của cả Sơn Tây. Có được điều đó cũng nhờ ngọn gió Đại Phong năm ấy. Đến nay, những công trình được xây dựng từ thời trống giong cờ mở vẫn còn nuôi dưỡng cánh đồng nơi đây. Hồ thủy lợi Suối Hai, hồ Tây Ninh vẫn điều tiết nước tưới tiêu cho cả vùng Ba Vì.

Đã 50 năm trôi qua, dân Tòng Bạt vẫn nhớ ơn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và thờ ông ở trong đền. Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng, cùng người thân trong gia đình vẫn thường về Tòng Bạt như về quê hương của mình.

Và người dân Tòng Bạt tự bao giờ đã xem người thân của Đại tướng như người nhà. Sợi dây gắn bó hết sức tự nhiên ấy ngày càng bền chặt. Bà Hà bỏ tiền túi ra xây tặng xã Tòng Bạt một tủ sách cho nông dân với tâm niệm muốn phát triển nông thôn, cần phải có tri thức.

Đó cũng chính là suy tư của ông Chu Đức Tình, Chủ nhiệm HTX Liên Tòng: “Bây giờ, xây dựng nông thôn mới không chỉ là gánh được nhiều đất, làm được nhiều phân xanh mà phải đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào nông nghiệp. Vì thế, Tòng Bạt rất cần những người có tri thức về làm việc”.

Từ chỗ chỉ toàn nông dân chân lấm tay bùn, đến nay Tòng Bạt có 300 người tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Nhưng 300 trí thức ấy chưa có ai về làm việc tại xã. Làm sao để cuốn những trí thức ấy về với cánh đồng để rồi từ đây lại nhân lên mùa vàng của thời hội nhập? Nông thôn mới lại đang chờ những cơn gió Đại Phong chăng?

Đại Phong là tên một HTX làm ăn giỏi ở Quảng Bình, được Bác Hồ viết bài tuyên dương trên báo Nhân Dân (11-1-1961). Đến giữa tháng 8-1961, toàn miền Bắc có gần 7.000 HTX đăng ký thi đua với Đại Phong. Trong đó, nổi lên điển hình xây dựng người nông dân mới ở xã Tòng Bạt (thuộc tỉnh Sơn Tây cũ).

Ngày 17-8, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về đây phát động và chỉ đạo phong trào. Giai đoạn 1961-1965, nhiều HTX trong cả nước và ở nước ngoài tới học tập mô hình ở Tòng Bạt.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.