Sáng 26/6/2014, Tòa án nhân dân tối cao tại TPHCM mở phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Mạnh Hùng (SN 1972, quê Lạng Sơn, tạm trú phường 9, TP.Vũng Tàu). Đây là đối tượng đã nổ súng bắn trọng thương một nhân viên bảo vệ tại công trường xây dựng tòa nhà 33 tầng của Liên doanh dầu khí Việt - Nga (VSP) tại góc đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Thái Học (phường 7, TP.Vũng Tàu) sau khi bị phát hiện cải trang để cướp chiếc xe du lịch Honda Civic BS: 72A-001.66.
Trước đó, chủ nhân chiếc xe này là kỹ sư Lê Văn Chương (SN 1973, quê Hà Tĩnh, thường trú phường 12, TP.Vũng Tàu), chỉ huy trưởng công trường, đã bị hắn sát hại dã man và kéo xác ra bãi tập kết vật liệu.
Theo hồ sơ vụ án, Hùng vốn là nhà thầu phụ, làm việc tại công trường xây dựng của Liên doanh dầu khí Việt - Nga. Do nghiện ngập và sa đà ăn chơi, Hùng nhiều lần không hoàn thành công việc của mình.
Với tư cách là kỹ sư chỉ huy trưởng công trường tòa nhà cao nhất TP.Vũng Tàu, anh Chương phải giao phần việc của Hùng cho người khác làm.
Không có việc làm, không có tiền chơi ma túy, Hùng đâm ra thù tức anh Chương và tìm cách trả thù. Sau khi lên kế hoạch, hắn chuẩn bị sợi dây dù, kìm cắt, băng keo, súng để gây án.
Hiện trường nơi anh Chương bị phi tang xác.
Chiều 5/4/2013, hắn dùng kìm cắt hàng rào đột nhập công trường và tiếp cận khu vực nhà ở của chỉ huy chờ cơ hội ra tay. Đến 2 giờ sáng 6/4, lợi dụng lúc anh Chương thức dậy đi vệ sinh, Hùng vào phòng chờ anh quay lại rồi lạnh lùng choàng dây dù vào cổ, kéo và siết cổ anh Chương cho tới chết.
Gây án xong, Hùng kéo xác nạn nhân ra phía ngoài khu vực để giàn giáo, phủ tấm bạt lại. Hùng lấy chìa khóa ôtô của nạn nhân, đội mũ đóng giả làm anh Chương rồi lái ra cổng chính.
Thông thường, khi thấy xe của chỉ huy trưởng, bảo vệ sẽ tự mở cổng. Do đêm khuya, lực lượng bảo vệ đã cảnh giác không mở cổng mà lại nhìn vào xe.
Bị phát hiện, Hùng rút súng đe dọa và nổ súng bắn vào chân bảo vệ Trần Văn Nhật rồi cướp chìa khóa mở cổng chạy thoát. Tuy nhiên, hắn không mở được cổng chính nên đành vứt lại chiếc xe của nạn nhân tại hiện trường.
Sau khi gây án, hắn nhanh chân chuồn về nhà bạn gái tại xã Thanh Xuân, huyện Châu Thành, Hậu Giang. Đến 21 giờ 30 cùng ngày, hắn đã bị bắt giữ khi đang ung dung ngồi nhâm nhi rượu đế với các “chiến hữu”.
Từng mang nhiều tiền án với hơn 10 năm vào tù ra khám, năm 1989 Hùng bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt một năm tù về tội “cướp tài sản” nhưng cho hưởng án treo. Năm 1991, Hùng tiếp tục bị TAND tỉnh Lạng Sơn tuyên phạt 11 năm tù về các tội “cướp tài sản”, “tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “cưỡng đoạt tài sản”.
Trong thời gian chờ xử phúc thẩm, hắn “chuồn” khỏi trại tạm giam nhưng sau đó bị bắt lại. Tháng 10/1992, tòa phúc thẩm TAND tối cao xử phạt hắn thêm 5 năm tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ”, tổng hợp hình phạt với phiên xử sơ thẩm của TAND tỉnh Lạng Sơn trước đó thành 16 năm tù.
Năm 2003, sau khi thi hành xong bản án, Hùng vào TP.Vũng Tàu sinh sống và được anh trai đưa vào làm việc trong ngành xây dựng. Năm 2007, trong một lần đi chơi cùng đám bạn, Hùng đã thử ma túy và bắt đầu bước vào con đường sa đọa cùng ảo giác của thứ biệt dược chết người này.
Cũng từ đó, hắn làm ăn chểnh mảng, xa dần con đường hoàn lương, tiếp tục gây nên vụ án rúng động trong công trường xây dựng tòa nhà cao nhất thành phố biển Vũng Tàu.
Bị truy tố cùng lúc ba tội danh “giết người”, “cướp tài sản” và “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”, trong phiên xử sơ thẩm ngày 7/3, Phạm Mạnh Hùng đã bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên phạt mức án cao nhất là tử hình.
Chiếc xe tang vật vụ án.
Trong phiên xử phúc thẩm lần này, khi tòa đang tiến hành các thủ tục thì Hùng bất ngờ xin hoãn xử vì hắn chưa nhận được tống đạt bản án trước đó của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Không những thế, hắn còn nhiều lần tranh thủ thè lưỡi ra diễn trò “ngáo ộp” khiến những người chứng kiến đều rất bất bình.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, sau khi tiến hành xác minh, TAND tối cao tại TPHCM đã tuyên hoãn phiên tòa. Quyết định của tòa án đã khiến gia đình bị hại Lê Văn Chương phản ứng kịch liệt. Họ cho rằng đã rất vất vả để có mặt tại TPHCM, thậm chí nhiều người phải mua vé bay từ miền Trung theo giấy triệu tập của tòa. Nỗi đau mất người thân quá lớn, nay lại bị tòa hoãn một cách vô lý nên họ nhất định không rời khán tòa. Sự phản ứng kịch liệt của người nhà nạn nhân khiến khu vực phòng xử TAND tối cao tại TPHCM náo động.
Sau nhiều nỗ lực giải thích và động viên, đến 13 giờ cùng ngày, người thân của gia đình kỹ sư Lê Văn Chương mới chịu ra về. Để chia sẻ nỗi đau cũng như sự khó khăn trong việc đi lại cho gia đình nạn nhân, vụ án sẽ được TAND tối cao tiến hành xét xử phúc thẩm tại TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 8/7.
Theo Đăng Hòa - Dương Cầm