'Giếng nước bất thường' sao giờ mới nóng?

'Giếng nước bất thường' sao giờ mới nóng?
TP - Giếng nước nóng mới xuất hiện ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) trùng hợp với thời điểm ở đó có chấn động mà dân sở tại cảm nhận được. Nếu nguyên nhân được cho là không liên quan đến động đất thì do đâu và vì sao bây giờ mới có?

> Nước giếng nóng bất thường do động đất? 

Như Tiền Phong ngày 11-4-2011 phản ánh, tại làng Múc (xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), xuất hiện một giếng nước nóng hơn các giếng xung quanh trên 10 độ C từ cách đây hơn một tháng, khoảng thời gian ở tỉnh Lào Cai cảm nhận được chấn động mặt đất.

Xuất lộ bẫy nhiệt

Theo TS. Đoàn Văn Tuyến, chuyên gia địa nhiệt ở Viện Địa chất, Viện Khoa học&Công nghệ Việt Nam (VAST), cần xem xét cả hai khả năng nguyên nhân, tự nhiên và nhân tạo. Liên quan nguyên nhân nhân tạo, có thể do rò điện hoặc các vật liệu có khả năng tỏa nhiệt khi có đủ điều kiện hóa lý như đá vôi bị nung chín thấm nước. Về tự nhiên, có thể có nhiều nguyên nhân như nước địa nhiệt xâm nhiễm, cháy túi khí gas metan, khí than… “Phải có chuyên môn và sử dụng thiết bị khảo sát trên thực tế cụ thể mới kết luận được”, TS. Tuyến nói.

Theo TS. Đoàn Văn Tuyến, ở nước ta đã phát hiện hơn 200 điểm lộ nước nóng tự nhiên (nhiệt độ lớn hơn 30 độ C) ở các điều kiện địa chất, khu vực địa lý khác nhau.

Chỗ nóng nhất là ở địa danh Bang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nhiệt độ lên tới 105 độ C.

TS Tuyến cho rằng, nếu không phải lý do nhân tạo, sự xuất hiện nguồn nước nóng này có thể có quá trình hình thành lâu dài từ bên trong lòng đất, và nó chỉ “đột nhiên xuất hiện” khi con người bỗng thấy nước giếng nóng lên. Quá trình ấy liên quan sự vận động địa chất, có nguồn gốc từ lòng đất.

“Bình thường, cứ xuống độ sâu 100m thì nhiệt độ tăng lên từ 2,5 đến 3 độ C. Trong nhân Trái Đất, nhiệt độ lên tới 4.000 độ C. Vì thế, nhiệt trong lòng Trái Đất luôn truyền thoát lên mặt đất bằng cách này hay cách khác”.

Gần mặt đất có những nơi tiềm ẩn các nguồn nhiệt mà ngành địa chất gọi là bẫy nhiệt. Ở những độ sâu khác nhau, khi có điều kiện, nước dẫn xuống bị đun sôi. Nước bốc hơi ngược trở lại về phía mặt đất và bị lưu giữ dưới đất bởi các tầng đất chắn nhiệt. Khi tầng chắn nhiệt bị rạn vỡ tự nhiên hay do khoan đào, hơi nước xuất lộ lên mặt đất. Người ta cũng có thể phát hiện hơi nước nóng khi khoan địa chất hay khoan lấy nước.

Địa phận tỉnh Lào Cai có nhiều điểm lộ nước nóng ở huyện Than Uyên. Gần với huyện Bảo Thắng, có các nguồn nước nóng tự nhiên đã phát hiện ở các huyện Văn Chấn và Trấn Yên thuộc tỉnh Yên Bái. Hiện tượng nước nóng bất thường trong giếng ở huyện Bảo Thắng có thể là biểu hiện xuất lộ một điểm nước nóng được tích lũy trong nguồn địa nhiệt nóng bên dưới. Trong khi chờ nghiên cứu cụ thể, có thể tạm thời nhận định, do vận động (thay đổi) của nước ngầm, nguồn nước nóng tự nhiên ấy có điều kiện xâm nhiễm vào nước giếng.

Hiện tượng địa chất bình thường

PGS.TS. Đinh Văn Toàn - Viện Địa chất cùng đồng nghiệp từng khảo sát trên một tuyến đo ở khu vực này từ những năm 1990. Đợt khảo sát cho thấy ở đây có dị thường địa nhiệt đạt nhiệt độ trên mặt đất 29 độ C so với xung quang chỉ 27 -28 độ C.

Dọc thung lũng Sông Hồng, từ những năm 1980, nhóm điều tra đã phát hiện nhiều điểm xuất lộ nước nóng như ở Thanh Thủy (Phú Thọ) nóng trên 50 độ C, Ba Vì (Sơn Tây) trên 40 độ C. Mấy năm trước, phát hiện ở Phù Cừ (Hưng Yên) trên 40 độ C, Kiến Xương – Tiền Hải (Thái Bình) trên 140 độ C trong các lỗ khoan thăm dò dầu khí...

Theo dữ liệu địa chất, thung lũng sông Hồng có điều kiện địa chất tiềm ẩn các nguồn địa nhiệt tạo ra nước nóng, chứ không có những dấu hiệu và tiền đề hoạt động núi lửa. Vì vậy, nước nóng ở huyện Bảo Thắng là hiện tượng địa chất bình thường, có thể sử dụng thiết bị chuyên môn để khảo sát, xác định vị trí xuất lộ sâu từ trong đá gốc, quy mô vùng lan tỏa, tính chất hóa lý nguồn nước.

Vì sao đến nay mới có hiện tượng nước nóng? PGS Toàn giải thích: Nhiệt từ dưới sâu dịch chuyển lên dạng thể hơi qua các khe nứt trong đới đứt gãy hoạt động, gặp nước ngầm sẽ tạo thành nước nóng. Bây giờ mới có hiện tượng này là do đứt gãy vẫn hoạt động thường xuyên mở rộng thêm vùng dập vỡ. Đến giới hạn, phần dưới hoặc phần bên cạnh chứa nước nóng từ trước thông sang giếng bằng thẩm thấu qua khe nứt mới tạo thành.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG