Cách đây khoảng 10.000 năm, con người đã bắt đầu biết thuần hóa các loài động vật lớn như bò và ngựa để phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp. Điều này không chỉ giúp họ giảm thiểu được sức lao động, mà còn gia tăng số lượng sản phẩm.
Chính điều đó tạo ra sự bất đồng về tài chính giữa những người có và không có sở hữu những loài động vật to lớn. Từ đây, khoảng cách giàu nghèo bắt đầu xuất hiện.
Bởi vì, dựa vào sức kéo của các loài động vật to lớn, nhất là bò, con người có thể dễ dàng mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, việc cày bừa đất đai cũng trở nên dễ dàng hơn, giúp mùa vụ được rút ngắn thời gian làm việc.
Theo Giáo sư Kim Kohler thuộc Đại học Washington, một số nông dân đã phát triển kinh tế nhanh hơn những người khác nhờ vào việc biết lợi dụng sức của các loài động vật to lớn. Đồng thời, họ cũng có thể kiếm được lợi nhuận từ việc cho thuê mướn sức lao động của con vật mà mình sở hữu.
Trả lời phỏng vấn trước báo giới, Kim Kohler chia sẻ: “Những loài động vật có khả năng cày bừa, đặc biệt là bò chính là chìa khóa giúp nông dân mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp. Họ có thể trồng được nhiều cây nông nghiệp hơn, cày bừa được nhiều đất hơn nhờ vào sức kéo của những loài động vật này.”
Được biết, để có thể đưa ra kết luận kể trên, các nhà khoa học đã phải nghiên cứu tới 62 xã hội người nguyên thủy ở châu Âu, Á và Mỹ. Toàn bộ nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học nổi tiếng Nature.