Giàu đột biến, từ đâu?

TP - Những năm qua, với sự phát triển mạnh về kinh tế nên xã hội xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú, đại gia. Tuy nhiên, bên cạnh những người làm giàu một cách chính đáng thì cũng có những con người giàu lên một cách bất ngờ.

Thậm chí dư luận từng có đổn thổi về việc một doanh nghiệp “ngập đầu với gánh nặng nợ nần”, nhưng chỉ sau một dự án đã “thoát nợ và giàu lên gấp bội” (?)

Lời đồn có lẽ cũng chỉ là lời đồn. Nhưng nó cũng không hẳn là không có căn cứ, nhất là trong bối cảnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, thu hồi đất đai, dự án BOT, BT...còn nhiều khe hở. Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh khi thảo luận tại Quốc hội đã phải thốt lên rằng “có tình trạng doanh nghiệp chỉ cần làm được một dự án là giàu ngay”. Ông Anh đề nghị cần phải tăng cường thu thuế thu nhập doanh nghiệp vào đây, nếu không, nhà nước thất thoát nguồn thu nội địa lớn.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, khi đầu tư không phải là siêu lợi nhuận nữa thì người ta cũng sẽ không đổ xô đi “chạy” dự án, đi xin công trình . “Hơn nữa, dự án đầu tư kỹ thuật lớn cần ràng buộc điều kiện năng lực, không thể để ai cũng đi làm đường cao tốc, ai cũng xây nhà chung cư, rồi dẫn đến cháy nổ như vừa qua. Cần giảm lợi nhuận bằng việc thu thuế để giảm chạy chọt dự án”, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước phân tích.

Thực tế những điều ông Hoàng Anh nói cũng là những điều mà dư luận đã phản ánh lâu nay. Đơn cử như trong hình thức đầu tư BT, BOT, bên cạnh mặt những mặt tích cực thì cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tham nhũng.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Quốc hội mới đây đã chỉ ra rằng, trong lĩnh vực BT, việc thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách. “Qua kiểm toán tại 30 dự án BT từ trước đến nay, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 27% tổng giá trị dự án được kiểm toán”, Tổng Kiểm toán Nhà nước báo cáo trước Quốc hội...

Ngoài BT, BOT, trong quy hoạch, thu hồi đất, cũng không khó để nhận ra những bất hợp lý. Đó là việc chi trả bồi thường đất cho dân, có nơi chỉ vài triệu, thậm chí vài tô phở / 1m2. Nhưng đất đai sau khi được thu hồi phân lô, bán nền lại có giá gấp hàng chục, hàng trăm lần so với trước.

Cũng vì lẽ đó mà Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đặt câu hỏi: “Những khu đất vàng, kim cương, sau khi di dời dân thì lãi ròng ai hưởng. Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng chúng ta quy hoạch, đáng lẽ phục vụ công cộng thi lại phân lô để bán, như thế có phù hợp, có đúng quy định không”, ông Nghĩa nói và đề nghị Chính phủ cần phải quan tâm đến việc giải quyết khiếu nại của dân.

Trước tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật để bịt kín các kẽ hở, không để xảy ra tình trạng “trúng một dự án là thoát nợ và giàu lên” như dư luận từng đổn thổi.

MỚI - NÓNG