Tôi luôn thương nhớ những làng quê Việt và gần đây thực sự hạnh phúc khi tình cờ được ghé thăm quê của dịch giả Giáp Văn Chung. Nhiều năm nay, anh Chung sống và làm việc ở Hungary, nhưng căn nhà của tổ tiên anh vẫn còn đó ở một làng quê nhỏ tại tỉnh Bắc Giang, lặng lẽ dưới những tán lá xum xuê của vườn cây trĩu quả. Vườn nhà anh thật nhiều hoa - những quả, những hoa mà tôi thương nhớ trong suốt những năm dài xa xứ.?Gặp những thành viên trong gia đình anh, đón nhận bao tình cảm ấm áp của họ, được nếm thử vị thơm ngọt của cây trái trong vườn nhà anh, tôi tự nhủ anh Giáp Văn Chung là người may mắn.
Nhưng khi đi cùng anh và những nhà văn khác ra cánh đồng làng anh, thắp hương tại mộ của bà anh, mộ cha mẹ anh, và mộ em anh, tôi bàng hoàng nhận ra rằng dịch giả Giáp Văn Chung không may mắn như tôi nghĩ: những trận bom Mỹ dội xuống làng anh trong những năm chiến tranh đã cướp đi nhiều thành viên của gia đình anh. Anh đã kể cho tôi nghe về những trận bom đó khi đứng bên những ngôi mộ phủ đầy cỏ xanh, khói của những nén nhang làm tôi cay mắt. Giọng của anh buồn nhưng không hề có sự căm hận ở trong đó. Có lẽ đã từ lâu rồi, nỗi mất mát đã lắng sâu vào tâm khảm anh, để anh giúp vực những người khác dậy từ nỗi đau.
Trong rất nhiều năm qua, dịch giả Giáp Văn Chung đã giúp nhiều thế hệ độc giả người Việt tiếp cận với vẻ đẹp rực rỡ của văn học Hungary, bằng việc chuyển ngữ những tác phẩm văn học kinh điển. Với những đóng góp của mình, vào năm 2011, anh đã được chính phủ Hungary trao tặng giải thưởng Pro Cultura Hungarica (Vì nền văn hóa Hungary). Sáu năm sau, vào tháng 9 năm 2017, dịch giả Giáp Văn Chung lại được tổng thống Hungary vinh danh với Huân chương Magyar Arany Érdemkereszt (Huân chương Công trạng Chữ thập vàng). Các tác phẩm dịch của Giáp Văn Chung đã được nhiều tầng lớp độc giả tại Việt Nam đón nhận. Một trong những sự đón nhận đó là giải thưởng sách hay năm 2017 của Viện Giáo Dục IRED, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu, dành cho tiểu thuyết Bảo tàng ngây thơ (dày gần 500 trang) của tác giả Orhan Pamuk mà anh đã dày công chuyển ngữ.
Khi tôi gặng hỏi về chặng đường dịch thuật của anh, dịch giả Giáp Văn Chung chia sẻ anh bắt đầu dịch một số bài thơ và truyện ngắn Hungary từ khi còn là sinh viên (những năm 70 của thế kỷ trước). Nhưng lúc đó anh chỉ dịch vì tình yêu văn học và ngôn ngữ, chứ không in ở đâu. Mãi tới khoảng năm 2006-2007 anh mới đầu tư nhiều hơn cho công việc dịch, ban đầu là để đăng trên tờ báo cộng đồng (Nhịp cầu thế giới). Vào năm 2007, anh bắt tay vào dịch quyển sách đầu tiên: tiểu thuyết Những ngọn nến cháy tàn của Márai Sándor, một nhà văn rất nổi tiếng của Hungary. Từ đó tới nay anh đã dịch và xuất bản được khoảng 15 quyển sách. Anh chọn tác phẩm của các tác giả kinh điển, các tác phẩm “nặng ký”, có giá trị lâu bền, chứ không chạy theo các sách “hot” hay bestseller nhất thời.
Giáp Văn Chung cho biết anh bắt tay vào dịch văn học Hungary trước hết vì tình yêu văn chương. Anh là người mê đọc sách từ nhỏ. Những năm sinh viên, tuy theo học ngành kỹ thuật, nhưng anh luôn tìm đọc các tác phẩm văn học Hungary, để rồi bị các tác phẩm đó chinh phục. Chưa từng biết đến văn học của quốc gia này, anh ngỡ ngàng khi nhận thấy sự đa dạng, phong phú, chiều sâu tư tưởng và tầm vóc lớn lao của nó. Từ đó anh mong muốn phải giới thiệu văn học Hungary với bạn đọc Việt Nam.
Tuy nhiên công việc dịch thuật văn học không hề dễ dàng. Tiếng Hungary là một ngôn ngữ rất khó, việc chuyển ngữ các tác phẩm cận hiện đại, hiện đại và cả hậu hiện đại đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, đam mê, công sức. Để thực hiện được ước mơ của mình, dịch giả Giáp Văn Chung đặt mục tiêu lần lượt giới thiệu các tác giả lớn, cận hiện đại của Hungary, mỗi tác giả ít nhất hai, ba tác phẩm, để độc giả có thể biết về các tác giả tiêu biểu đó, và qua họ có thể hình dung tổng quát về diện mạo của văn học Hungary.?
Qua 10 năm miệt mài làm việc, hiện dịch giả Giáp Văn Chung giới thiệu được 5 tác phẩm của Márai Sándor, một tác giả quan trọng hàng đầu của văn học đương đại Hungary. Đó là các tác phẩm: Những ngọn nến cháy tàn, Bốn mùa, Trời và đất, Casanova ở Bolzano, và Lời bộc bạch của một thị dân. Anh cũng đã giới thiệu hai tác phẩm quan trọng nhất của Kertész Imre, người đã sống sót từ trại tập trung của Đức quốc xã, nhà văn duy nhất của Hungary đoạt giả Nobel văn chương (2002). Đó là các quyển sách viết về nạn diệt chủng mà người Hungary gốc Do Thái phải gánh chịu: “Không số phận” và “Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời”. Những quyển sách nói trên, cũng như nhiều tác phẩm quan trọng khác của các nhà văn Hungary cận hiện đại đã được in ấn và giới thiệu với độc giả Việt Nam và nhận được sự đón nhận của nhiều tầng lớp độc giả.
Bảo tàng ngây thơ, tác phẩm được vinh danh với Giải sách hay năm 2017 hạng mục sách dịch là tác phẩm đầu tiên ngoài nền văn học Hungary mà Giáp Văn Chung chuyển ngữ. Tác giả Orhan Pamuk người Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn thành tiểu thuyết này sau khi được trao giải Nobel Văn chương 2006 - một tiểu thuyết được đánh giá là kiệt tác mở đầu cho chặng đường thế kỷ 21 của văn học thế giới. Vì không có dịch giả người Việt có thể dịch trực tiếp tác phẩm kinh điển này từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Nguyễn Văn Chung vừa dịch từ tiếng Hungary, vừa tham khảo bản tiếng Anh. Anh đã mất hơn một năm rưỡi, miệt mài làm việc vào sáng sớm, tối khuya và cuối tuần. Và với nỗ lực của mình, anh đã đưa đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đến với Việt Nam. Độc giả Huy Nguyễn đã nhận xét: “Đọc Bảo tàng ngây thơ giống như làm một cuộc tản bộ trong hương hoa đoạn và vị gió biển, dọc eo biển Bosphorus và qua những ngôi nhà mục gỗ, qua những khoảng không rực nắng của Istanbul và vào tâm hồn mốc rêu của một gã si tình, Kemal”.
Trên khắp thế giới, vẫn có những trí thức người Việt luôn hướng về quê nhà. Rất nhiều người không thể trở về để đón Tết Nguyên Đán Mậu Tuất năm nay, nhưng thành quả của công việc họ làm chính là những bông hoa ngát hương dâng tặng Tổ quốc vào mùa xuân mới. Hương thơm những tác phẩm dịch của Giáp Văn Chung không chỉ góp thêm hương sắc của cánh đồng hoa Việt Nam trên khắp năm châu, mà còn giúp bắc cầu cho sự giao lưu văn học và văn hóa.
Giáp Văn Chung chọn tác phẩm của các tác giả kinh điển, các tác phẩm “nặng ký”, có giá trị lâu bền, chứ không chạy theo các sách “hot” hay bestseller nhất thời.
Người chắp cánh cho văn chương Việt
Dịch giả Giáp Văn Chung với các nhà văn Việt Nam.Dịch giả Giáp Văn Chung cũng là người đang có nhiều đóng góp đắc lực cho việc dịch và quảng bá văn học Việt Nam tại Hungary. Anh đã chuyển ngữ nhiều truyện ngắn của các nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Quang Thân, Bùi Ngọc Tấn, Nguyễn Ngọc Tư... Các bản dịch của anh đã được đăng tải trên các tạp chí văn học. Năm 2011, nhà xuất bản Nhật ký Hungary đã in một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam do nhiều người chuyển ngữ trong đó có các tác phẩm dịch của Giáp Văn Chung. Quyển sách được độc giả Hungary đón nhận khá tốt. Tuy nhiên, theo dịch giả Giáp Văn Chung, việc giới thiệu văn học Việt Nam ở Hungary còn rất hạn chế. Có thể vào thời gian tới, anh sẽ đầu tư thời gian nhiều hơn cho công việc này. Anh mong mỏi có sự thành lập của Hội các nhà dịch thuật văn học Việt Nam ra tiếng nước ngoài (gồm cả các dịch giả Việt Nam và các dịch giả nước ngoài) để các dịch giả dễ dàng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với nhau. Anh cũng hy vọng Việt Nam sẽ có Quỹ hỗ trợ Quảng bá văn học ra nước ngoài, hoạt động hiệu quả và bài bản, hỗ trợ các dịch giả trong việc chọn tác phẩm dịch, mua bản quyền, hỗ trợ kinh phí dịch, in ấn, phát hành...
Đề xuất là như thế, nhưng dịch giả Giáp Văn Chung không đợi sự hỗ trợ của bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào. Mỗi ngày, ngoài công việc chính của mình, anh vẫn thức khuya, dậy sớm để miệt mài bên các trang sách dịch. Anh dự định tiếp tục giới thiệu các tác giả lớn của văn học Hungary đương đại như Krasznahorkai László, Szabó Magda... Nếu sức khoẻ cho phép, anh sẽ giới thiệu một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam với bạn đọc Hungary.