Giáp Tết, xe dù, cò vé tàu ngang nhiên hoạt động

Giáp Tết, xe dù, cò vé tàu ngang nhiên hoạt động
TP- Giáp Tết Nguyên đán Mậu Tý, ở Hà Nội, xe 'dù' thì lộng hành, còn 'cò' vé ngang nhiên hoạt động...

10 giờ 30 phút, có mặt tại bến xe khách Nước Ngầm, chúng tôi thấy 2 chiếc xe mang biển số 38H – 87..., 37N – 34... vừa rời khỏi bến, cửa khách lên xuống mở toang và hai lơ xe đang đánh đu người ra khỏi xe để xin đi trước.

Chiếc 37H như đoán được ý đồ của “đối thủ”, cũng tăng ga để giành khách. Tình trạng các xe đua tốc độ để giành khách là chuyện xảy ra ở hầu hết các tuyến đường có bến xe khách thời điểm này.

Tại ngã ba Pháp Vân những ngày này lúc nào cũng thường trực hơn 30 người đón xe, chính vì thế các xe khách, nhất là những xe mang biển số Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa… ngang nhiên đỗ ngay trước biển cấm ở đường hàng chục phút để bắt khách.

Tại bến xe Mỹ Đình, lúc 12 giờ ngày 28/1/2008, hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau xuất bến. Thế nhưng gần như không xe nào rời bến chịu chạy thẳng.

Chiếc xe biển 20K về Thái Nguyên chạy với tốc độ chưa đầy 20km/giờ để vớt khách dọc đường. Rời khỏi bến Mỹ Đình, các xe đều vòng ngược theo đường Phạm Hùng trên dưới 1km để đón khách rồi mới chịu chạy đúng hướng.

“Tình trạng bến cóc bến dù xuất hiện ngoài bến xe là nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi.

Để đảm bảo trật tự an toàn cho bà con về tết trong ngày 25/1, BQL bến xe Mỹ Đình đã có cuộc họp với Công an thành phố, Công an các quận, huyện…phải đôn đốc thanh tra, xử phạt thật nghiêm các hình thức chèo kéo, bắt khách, đỗ xe không đúng nơi quy định” - Giám đốc Bến xe khách Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tiến cho biết.

Đoạn đường từ bến xe Mỹ Đình đến Nam Thăng Long, hễ chỗ nào có khách đứng là ở đó thành “điểm đến” của các xe “dù”. Hầu như không xe nào đóng cửa trên đoạn đường này.

Chiếc xe biển 30H cửa mở toang, lơ xe đứng chặn ở cửa, thi thoảng thò đầu ra chào mời khách đi xe.

Các bến xe buýt dọc đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, trong thời gian này cũng trở thành bến đón khách của các xe “dù”. Tại điểm dừng đối diện với cổng bến xe khách phía Nam Hà Nội, các xe khách ngang nhiên mượn chỗ xe buýt để “hốt” khách.

Bến xe buýt đối diện bến xe khách Mỹ Đình trên đường Phạm Hùng lúc nào cũng đông người đứng chờ. Tuy nhiên, không phải toàn bộ người đứng đợi ở đây đều đi xe buýt.

Gần một nửa trong đó là đợi xe khách. Từ lâu, bến xe buýt này đã trở thành nơi “trọ chung” của điểm đón khách của xe dù.  Không ít lần xe khách đã “chen chân” với xe buýt tại điểm này.

Cạnh bến xe buýt này ngổn ngang những ba lô, túi hàng của người đợi xe khách. Thậm chí, một quán nước chè còn mọc lên để phục vụ cho khách chờ xe.

Dừng xe trước Ga Hà Nội, chưa kịp xuống xe, chúng tôi đã bị 3 người phụ nữ vây quanh hỏi “mua vé tàu tết không em?”. Người phụ nữ trạc 35 tuổi kéo tôi vào một góc để “thương lượng”. Chị này cho biết muốn mua vé đi đâu và bao nhiêu vé cũng có thể đáp ứng được.

Trên tay mỗi cò vé đều lăm lăm một cuốn sổ để sẵn sàng ghi số lượng vé, điểm đến, điểm đi… Vé chặng Hà Nội – Quy Nhơn được chị này khẳng định chỉ lấy chênh lệch 20 nghìn so với vé nhà nước.

“Lên tàu chị mới lấy hết tiền, bây giờ chỉ cần đặt cọc thôi. Nếu muốn mua vé khứ hồi, chị sẽ lo luôn được hết”, người phụ nữ khẳng định!

Để thuyết phục tôi, chị này chìa cuốn sổ ghi chi chít số và chữ. Chúng tôi thấy nhiều cuộc mua bán được ghi chép trong đó… Tôi tỏ vẻ lưỡng lự “để vào ga xem thế nào đã”, chị ta nhanh nhảu: “Ga làm gì có nữa mà vào hả em. Mua đây cho tiện chả hơn à, vào ga lại mất thêm 3.000 đồng gửi xe”.

Đi được chưa đầy 5m , tôi lại bị hai người nữa “vây” hỏi mua vé tàu. Người phụ nữ cao lớn nói khi tôi hỏi vé Hà Nội- Sài Gòn: “chênh lệch 200 nghìn đồng so với giá vé nhà nước”. Vé Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai thì chênh lệch 100 nghìn đồng. Tôi tỏ vẻ nghi ngờ vé giả chị này khẳng định: “Vé cầm tay, giá niêm yết của nhà nước hẳn hoi làm sao mà giả được. Bọn chị đã bỏ tiền ra ôm rồi, làm sao dám lừa bọn em!”.

MỚI - NÓNG