Giáo viên Văn trường THPT chuyên Quốc học Huế: Đề Văn vừa sức, song vẫn băn khoăn

0:00 / 0:00
0:00
Thí simh thi tốt nghiệp THPT 2021
Thí simh thi tốt nghiệp THPT 2021
TPO - Đó là nhận xét về đề thi môn Ngữ Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vừa diễn ra sáng nay của Ths. Trần Văn Toản - Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế

Vừa sức

Thứ nhất, các em đã làm quen với đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, đã được trải nghiệm dạng đề này trong các lần thi thử, trong quá trình giảng dạy của thầy cô.

Thứ hai, ở phần đọc hiểu, đề chọn ngữ liệu là một đoạn văn trong cuốn Bí mật của nước của Masaru Emoto với 4 câu hỏi theo các mức độ nhận thức: nhận biết (câu 1,2), thông hiểu (câu 3), vận dụng (câu 4). Ma trận này không còn xa lạ với người dạy và người học.

Nội dung, ý nghĩa đoạn trích trong ngữ liệu đọc hiểu có ý nghĩa sâu sắc khi đi từ câu chuyện nước mà nghĩ về cuộc đời, con người, hành trình cuộc sống; đánh thức khát vọng đóng góp, cống hiến của bạn trẻ.... Điều đó chứng tỏ Ban ra đề đã trăn trở, suy nghĩ làm sao văn không tách rời cuộc sống.

Thứ ba, ở câu 1 (nghị luận xã hội ) của phần làm văn đề yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sự cần thiết phải biết sống cống hiến. Theo tôi, đây là vấn đề nóng. Bởi lẽ, trước tác động của xã hội, ảnh hưởng thời đại, nhiều người, nhất là bạn trẻ đã sống phai nhạt lý tưởng, thụ động, được bao bọc dẫn đến tâm lý hưởng thụ hơn là đóng góp, cống hiến.

Viết về lẽ sống cống hiến là dịp để bạn trẻ nhìn lại mình, tự thức tỉnh mình. Vì thế câu nghị luận xã hội này đang “chạm” vào vai trò, giá trị, ý thức bản thân nên chắc chắn có sự cộng hưởng, gây chú ý.

Thứ tư, cũng như năm trước, ở câu 2 (nghị luận văn học) của phần làm văn đề thi tập trung vào chương trình lớp 12 là phù hợp với mọi đối tượng học sinh.

Hơn nữa, đề thi yêu cầu học sinh cảm nhận một đoạn thơ trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là vừa sức, “dễ chịu”, học sinh nắm tác phẩm và có kỹ năng phân tích, cảm thụ thơ thì không khó để ăn điểm.

Và những băn khoăn

Bên cạnh đó, tiếp xúc đề văn năm nay tôi cũng có những băn khoăn.

Thứ nhất, chọn ngữ liệu là đoạn trích trong Bí mật của nước của Masaru Emoto có ý nghĩa nhưng 4 câu hỏi hỏi đưa ra chưa thật thuyết phục. Hai câu đầu dạng câu hỏi tái hiện như nhau tạo cảm giác nhàm chán. Câu 3 dẫn ra đoạn văn trong ngữ liệu rồi hỏi anh/ chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống của con người. Hỏi hiểu gì về dòng chảy của nước ở đây là khập khiễng. Học sinh sẽ vô cùng lúng túng trước vế đầu này. Thực chất nước và câu chuyện nước chỉ là cái cớ để ẩn dụ về cuộc đời, con người, vì thế không nên yêu cầu các em hiểu gì về dòng chảy của nước. Hơn nữa, những câu văn mà đề trích dẫn chủ yếu nói về cuộc sống cứ tiếp diễn với muôn màu muôn vẻ mà dòng sông chứng kiến. Vì thế để trả lời vế thứ nhất của câu hỏi chắc chắn học sinh sẽ suy diễn theo nhiều hướng khác nhau…

Thứ hai, ở câu 1 phần Làm văn, cũng như các năm trước, năm nay, đề thi vẫn đi theo lối, từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu mà yêu cầu viết đoạn văn bàn về một tư tưởng, đạo lý…Như vậy là có sự lặp lại, không tạo hứng thú đối với các em khá, giỏi. Vì nếu đọc kỹ thì chính câu này có trùng ý với câu hỏi số 4 phần Đọc hiểu.

Thứ ba, ở câu 2 phần Làm văn đề trích dẫn 3 khổ thơ trong bài Sóng rồi yêu cầu học sinh Cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên. Từ đó, nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh. Bản thân tôi thấy băn khoăn về câu lệnh trong đề bởi cách diễn đạt thiếu logic. Nên chăng, Ban ra đề cần thay đổi lại cách diễn đạt: Từ việc cảm nhận đoạn thơ trên, anh/chị hãy rút ra nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.

Một điều nữa mà tôi rất băn khoăn khi tiếp xúc câu 2 phần Làm văn là, chỉ từ việc cảm nhận một đoạn thơ rất ngắn trong bài thơ Sóng mà yêu cầu người viết rút ra nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh là thiếu khoa học. Bởi lẽ, chỉ từ một đoạn thơ sao đủ cơ sở và tầm khái quát để nói về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh? Nên chăng, cần thay cụm từ vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh bằng vẻ đẹp nữ tính trong bài thơ Sóng, hay vẻ đẹp tâm hồn Xuân Quỳnh khi yêu…để phạm vi và mức độ phù hợp hơn.

Ths. Trần Văn Toản - Tổ trưởng tổ Văn, trường THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên Huế

MỚI - NÓNG