Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Vì nhiều lý do, trong đó có việc giữ thành tích, danh tiếng cho trường mà nhiều giáo viên, nhà trường "ép" học sinh có học lực trung bình, kém phải chuyển trường hoặc không được dự thi lớp 10 THPT khiến nhiều phụ huynh bức xúc, học sinh tổn thương.

Bảng điểm trên phần mềm bỗng dưng "biến mất", giáo viên "ép" và "dọa" học sinh không được thi vào lớp 10 công lập

Chia sẻ với báo chí, phụ huynh D. có con học lớp 9A4 trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, ngày 22/4, anh D. là một trong 9 phụ huynh có con học tại lớp này được cô giáo mời họp riêng.

Lúc đầu, cô tư vấn là các em chỉ nên vào các trường trung cấp nghề (trước đó đã có đại diện của trường trung cấp này đến gặp phụ huynh và làm công tác marketing, phát tờ rơi về tuyển sinh của trường…). Cô giáo cho rằng học lực của các con không thể tiến bộ, không thể thi đỗ lớp 10 công lập, phụ huynh không nên cho con đăng ký dự thi. Nếu vẫn đăng ký dự thi thì nhà trường sẽ không "nâng đỡ" và "trả lại điểm thi thực” của các con.

"Cô nói các con không nên dự thi. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi đều không đồng ý và vẫn chọn nguyện vọng mà chúng tôi cho là phù hợp với lực học của con. Chúng tôi vẫn quyết định nộp đơn đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập cho con", phụ huynh D. phản ánh.

Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương ảnh 1
Trường THCS Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Vị phụ huynh này cũng chia sẻ: "Cách nói của cô là giống như một sự đe dọa. Cô dùng từ “nhà trường sẽ phải test "sức khỏe" các con. Các con đủ "sức khỏe" mới "lao được ra biển lớn", các con có đủ "sức khỏe" các con mới thi được”. Cô giáo còn nói rằng các cô sẽ "nhập điểm", nếu các con không đủ điều kiện các con sẽ phải ở lại, các con sẽ phải đúp, các con sẽ không được thi nữa. Nghĩa là nếu cứ cố tình cho các con thi thì các con sẽ đúp".

Không dừng lại ở đó, sau buổi trao đổi với phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm còn tiếp tục gọi điện để thuyết phục. Thậm chí trong giờ lên lớp, cô giáo này còn thường xuyên giơ bảng điểm và nêu tên một số học sinh điểm thấp rằng: “Tốt nhất cho các cô cậu là đừng có thi” khiến các bạn xấu hổ, tổn thương.

Những ngày qua, phụ huynh N.H.N luôn trong tâm trạng lo lắng như “ngồi trên đống lửa” trước những biến đổi tâm lý của con gái: "Cháu nó rất buồn, nhiều khi nó cứ khóc suốt, học sa sút. Mong muốn lớn nhất là việc của các con là thi thì các cô cũng nên cho con thử sức để các con chứng minh bản thân, không có sự áp lực nhiều quá để nó thành vết hằn đối với các con".

Các phụ huynh còn phản ánh, sau cuộc nói chuyện riêng của giáo viên chủ nhiệm, bảng điểm của con trên ứng dụng eNetViet không còn hiển thị. Điều này khiến họ lo lắng việc các con có đủ điều kiện dự thi vào trường công lập hay không: "Chúng tôi mở Bảng điểm eNetViet của con để nộp hồ sơ cho một số trường dân lập thì trắng xoá. Trước đây còn có điểm học kỳ I, còn có một số điểm của học kỳ II, nhưng bây giờ trắng xóa. Đấy chính là một sự bất thường và mình cảm giác là con mình đang gặp nguy hiểm".

Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương ảnh 2

Phụ huynh hoang mang khi bảng điểm lớp 9 của con trên hệ thống sổ điểm điện tử bị "xóa trắng". (Ảnh: T.Mai)

Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang nói gì?

Ngày 25/4, trao đổi với báo chí, cô Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang, khẳng định: "Tuyệt đối không bao giờ ủng hộ việc các thầy cô giáo ép học sinh và phụ huynh không cho con đi thi. Nhà trường chỉ đạo các giáo viên tư vấn cho tất cả học sinh, các con cần đăng ký nguyện vọng phù hợp với lực học của mình để đăng ký dự thi phù hợp, tránh thấp hơn hoặc cao hơn quá so với lực học của các con. Nhiệm vụ của các thầy cô chỉ là tư vấn, còn quyền quyết định là của học sinh và phụ huynh".

Về việc nhóm phụ huynh lớp 9A4 phản ánh cách làm của giáo viên chủ nhiệm, cô Oanh nói chưa gặp phụ huynh nhưng có thể cách nói của một giáo viên nào đó khiến phụ huynh hiểu sai, vì không phải ai cũng đủ "tinh tế, khéo léo".

Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương ảnh 3

Cô Phạm Xuân Oanh, Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang. (Ảnh: TPO)

"Tôi có trao đổi bước đầu với giáo viên thì giáo viên nói không có sự ép buộc mà chỉ tư vấn", cô Oanh cho biết và hứa sẽ gặp trực tiếp những phụ huynh "chưa thấy thỏa đáng với cách tư vấn của cô" để tháo gỡ tâm lý cho các phụ huynh và học sinh.

Cô Oanh cũng khẳng định nhà trường không chịu áp lực về phân luồng sau THCS hay tiêu chí thi đua dựa vào kết quả thi lớp 10 và chỉ coi đây là "một trong những hoạt động chuyên môn của nhà trường". "Bất cứ giáo viên nào làm không đúng thì sẽ có biện pháp xử lý với giáo viên tùy theo mức độ vi phạm, đồng thời sẽ chấn chỉnh, bồi dưỡng kỹ năng tư vấn để không tái diễn tình trạng này", cô Hiệu trưởng trường THCS Kim Giang nói.

Về bảng điểm "trắng xóa" sau lời "đe dọa" của giáo viên mà phụ huynh phản ánh, vào đầu giờ chiều ngày 25/4, toàn bộ điểm năm học lớp 9 của học sinh đã hiển thị trở lại trên sổ điểm điện tử với mức điểm đủ để xét tốt nghiệp THCS.

Lùm xùm "ép học sinh không thi vào 10" xảy ra từ những năm trước, Bộ GD&ĐT từng hứa "xử lý nghiêm"

Cũng thời điểm này năm ngoái, dư luận đã "dậy sóng" khi một số phụ huynh có con học tại Quận Cầu Giấy (Hà Nội) phản ánh học sinh có học lực "kém" bị ép cam kết không thi vào lớp 10 hoặc phải chuyển trường cho con.

Ngay lập tức, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm nếu có. Trong thông báo này, Bộ GD&ĐT cũng công khai số điện thoại đường dây nóng và email kêu gọi người dân lên tiếng phản ánh và hứa sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng ép học sinh có học lực không tốt không được dự thi vào lớp 10.

Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương ảnh 4

(Ảnh minh hoạ từ Internet)

Sau một thời gian, đại diện Bộ GD&ĐT dẫn báo cáo của địa phương nói "không có" việc cấm học sinh thi vào lớp 10 như dư luận phản ánh. Bộ GD&ĐT cũng không hề công bố kết quả tiếp nhận phản ánh của người dân về thực trạng này thông qua số điện thoại đường dây nóng và email ra sao.

Tình trạng ép học sinh không thi vào lớp 10 hầu như năm nào cũng lùm xùm, khiến phụ huynh Hà Nội bức xúc. Năm nào cơ quan chức năng cũng hứa sẽ "tìm hiểu, xử lý nghiêm, chấn chỉnh" nhưng rồi năm nào cũng lặp lại.

Thi vào lớp 10 là quyền lợi, không thể vì bất kỳ lý do gì để ép học sinh có học lực trung bình hoặc yếu bỏ thi. Thậm chí đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, là biểu hiện của bệnh thành tích cần sớm loại bỏ trong môi trường giáo dục.

Giáo viên nói học sinh không đủ năng lực vào lớp 10 khiến phụ huynh bức xúc, sĩ tử tổn thương ảnh 8
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

Tuyển sinh 2024: Thi thử vào lớp 10, bao nhiêu là đủ và thi vào lúc nào là phù hợp?

HHT - Chỉ còn vài tháng nữa là kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 sẽ chính thức diễn ra, kéo theo đó là cuộc “chạy đua” thi thử để kiểm tra và đánh giá năng lực, cũng như rèn luyện áp lực cho thí sinh trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thi thử bao nhiêu là đủ và thi thử vào thời gian nào là phù hợp ?