Giáo viên nhận xét đề văn hay, có tính phân hóa cao

TPO - Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn sáng nay, đa số thí sinh cho rằng, đề thi cơ bản vừa sức, không đánh đố tuy nhiên có câu khó chính là câu 1 của phần làm văn đề yêu cầu viết đoạn văn trình bày suy nghĩ về sứ mệnh "đánh thức tiềm lực" đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Trong khi đó, giáo viên cũng đánh giá, đề hay, tương đối khó và có tính phân loại cao.

Đúng 9 giờ 35 phút sáng nay, tại các điểm thi, tiếng trống vang lên báo hiệu kết thúc 120 phút thí sinh làm bài môn thi đầu tiên, môn Ngữ văn. Tại điểm thi Trường THPT Chu Văn An dù đã hết giờ làm bài và ra ngoài sân trường nhưng phải đến 10 giờ đúng thí sinh mới được mở cổng trường ra ngoài. 

Gương mặt vui mừng, hớn hở thể hiện rõ trên mặt các sĩ tử. Đa số thí sinh đều cho rằng, đề nằm trong khả năng, không có yếu tố bất ngờ, kiến thức nằm trong chương trình lớp 12 và 11. Các câu hỏi, dạng đề đều đã được giáo viên ôn tập trên lớp. Tuy nhiên, cũng có thí sinh kêu "lệch tủ" vì trước kỳ thi chỉ ôn lại một số tác phẩm trọng tâm nhưng không trúng. Tuy nhiên, theo các thí sinh này, môn Văn chỉ cần đạt điểm tốt nghiệp nên không quá nhiều lo lắng. 

Giáo viên nhận xét đề văn hay, có tính phân hóa cao ảnh 1 Đề thi Ngữ Văn năm nay

Phạm Hoàng Long, học sinh Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ cảm xúc cảm thấy nhẹ nhõm sau khi thi xong môn Văn .Long nói, trước kỳ thi là một hành trình ôn tập rất dài và căng thẳng. Rất may, cấu trúc đề giống như lâu nay được ôn tập. "Câu đầu với thể thơ tự do rất dễ, còn phần nghị luận hơi khó một chút đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức và khả năng viết tốt. Em tự tin mình đã làm đủ ý để đạt điểm", Long nói.

Giáo viên nhận xét đề văn hay, có tính phân hóa cao ảnh 2 Thí sinh và phụ huynh tại điểm thi THPT Chu Văn An (Hà Nội) vui mừng sau khi thi môn Ngữ văn

Nhận xét về đề Văn, cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ văn Trường THPT Hoài Đức B (Hà Nội) cho rằng: đề tuân thủ đúng chương trình Ngữ văn THPT lớp 11 và 12. Dung lượng kiến thức chủ yếu lớp 12 và có liên hệ kiến thức lớp 11 một cách hợp lý. Đề rất rõ ràng, không đánh đố, không có câu từ gây khó hiểu cho thí sinh. Nói chung, đề hay, tương đối khó và có tính phân loại thí sinh cao.

Ở phần câu đọc hiểu là bài thơ của tác giả Nguyễn Duy với những câu hỏi về thể thơ, nội dung văn bản, về hiệu quả của câu hỏi tu từ và quan điểm của tác giả thể hiện ở 2 câu thơ cuối. Các câu hỏi ở phần đọc hiểu có tính chất phân loại thí sinh rõ nét.

Câu 1 và câu 2 khá dễ phù hợp với học sinh có năng lực trung bình, câu 3 và câu 4 học sinh phải khá trở lên mới trả lời tốt.

Riêng phần nghị luận xã hội, đề yêu cầu thí sinh bàn luận về trách nhiệm đánh thức tiềm lực của đất nước của mỗi cá nhân thực sự là một vấn đề hay và có ý nghĩa sâu sắc. Thí sinh có nhiều đất để bày tỏ ý kiến của mình và thông qua đó hiểu rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với đất nước.

Phần nghị luận văn học tương đối khó đối với thí sinh có học lực trung bình. Đề năm nay yêu cầu thí sinh hiểu rõ sự đối lập của của vẻ đẹp hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực ở gia đình hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa - tác giả Nguyễn Minh Châu). Từ đó, thí sinh liên hệ sự đối lập giữa cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong tác phẩm Hai đứa trẻ - Thạch Lam.

 Cô Nga cho rằng, để làm được yêu cầu của đề, điều đầu tiên thí sinh phải nhớ kiến thức của hai tác phẩm và làm nổi bật được sự giống nhau và khác nhau trong cách nhìn hiện thực của hai tác giả. "Dạng đề này ở trên lớp giáo viên thường luyện kỹ cho học sinh nên chắc chắn các em không bị bỡ ngỡ. Tuy nhiên, để giải quyết hết tất cả các khía cạnh thì học sinh khá, giỏi mới lấy được điểm tối đa", cô Nga nói. Với cách ra đề như năm nay, cô Nga dự đoán phổ điểm sẽ rơi vào từ 4 đến 7 điểm, điểm 8 và 9 sẽ không có nhiều như năm ngoái.

MỚI - NÓNG