Giáo viên được hưởng lợi ra sao trong Dự thảo xếp lương mới?

Giáo viên sẽ được hưởng lợi ra sao trong Dự thảo xếp lương mới?
Giáo viên sẽ được hưởng lợi ra sao trong Dự thảo xếp lương mới?
TPO - Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên trung học phổ thông công lập. Một trong những điểm mới lần này là lương giáo viên mầm non được tính bằng 2,1 thay vì 1,86 như trước.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo lần này là quy định về việc giáo viên mầm non, tiểu học, THCS được hưởng lương theo 4 hạng chức danh nghề nghiệp thay vì hiện nay 3 hạng. Trong đó, giáo viên hạng I, II, III được áp dụng đối với những giáo viên đã đạt chuẩn trình độ được đào tạo theo quy định tại Điều 72 Luật giáo dục 2019, hạng IV áp dụng đối với giáo viên chưa đạt chuẩn.

Cụ thể, điều 72, Luật giáo dục 2019 quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT từ ngày 1/7/2020 phải có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên đối với mầm non; bằng cử nhân giáo viên đối với bậc tiểu học, THCS, THPT

Cụ thể, chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98); Chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38); Chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).

Dự thảo Thông tư là căn cứ xác định vị trí việc làm, cơ cấu giáo viên và thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức giáo viên THPT trong các trường công lập. Các trường rà soát Đề án vị trí việc làm của đơn vị, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tương ứng, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông; tạo điều kiện để giáo viên trung học phổ thông được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Có nhiều ý kiến băn khoăn về mức lương của giáo viên sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến THPT công lập dự kiến áp dụng trong năm 2020.

Lương giáo viên mầm non khởi điểm 2,10

Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) cho biết, hiện nay, lương của nhà giáo vẫn áp dụng theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Dự thảo các thông tư mới căn cứ vào trình độ đào tạo của giáo viên theo quy định của Luật Giáo dục 2019 để áp dụng bảng lương theo Nghị định số 204.

Cụ thể, áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số từ 1,86 đến 4,06) đối với giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV có trình độ trung cấp; Áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0 (hệ số từ 2,10 đến 4,89) đối với giáo viên mầm non hạng III, giáo viên tiểu học và THCS hạng IV có trình độ CĐ. Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II; tiểu học, THCS, THPT hạng III có trình độ đại học được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98). Chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I; giáo viên tiểu học, THCS, THPT hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38). Chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học, THCS, THPT hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78).

Như vậy, điểm mới của Dự thảo lần này là lương giáo viên mầm non được tính theo bằng CĐ với hệ số lương khởi điểm 2,10, xếp bằng lương giáo viên tiểu học, THCS theo bằng ĐH, với hệ số lương khởi điểm 2,34 thay vì 1,86 như trước đây. Điều này khắc phục bất cập mà đội ngũ trăn trở bấy lâu nay, khi giáo viên mầm non, tiểu học mới được tuyển dụng, hết thời gian tập sự có bằng CĐ, ĐH nhưng chỉ được xếp lương trung cấp (hệ số lương khởi điểm 1,86); giáo viên THCS có bằng ĐH chỉ được xếp lương CĐ (hệ số lương khởi điểm 2,10).

Ông Hoàng Đức Minh cũng nói, lương và phụ cấp của giáo viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, chế độ chính sách về lương và phụ cấp, trong đó có cả phụ cấp thâm niên mà giáo viên đang được hưởng hiện nay vẫn được giữ nguyên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới. Trong đó, Nghị quyết số 27 ghi rõ: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thay hệ thống bảng lương hiện hành, bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng".

Nhiều ý kiến hiệu trưởng, giáo viên mầm non đồng tình với dự thảo lần này, bởi trước đó giáo viên mầm non được cho là công việc đặc thù, vừa dạy vừa “dỗ” trẻ nhưng mức lương chưa thoả đáng. Giáo viên mầm non có thời gian làm việc khoảng 10 giờ/ngày nhưng trước đây chỉ được tính mức lương khởi điểm 1,86 là bất hợp lý.

MỚI - NÓNG