Giáo trình đào tạo của Đề án 112 xa thực tiễn

Giáo trình đào tạo của Đề án 112 xa thực tiễn
TP - Bộ giáo trình viết cho các khóa đào tạo tin học trong khuôn khổ Đề án 112 sau khi thẩm định được đánh giá là “cuốn cao cấp thì quá cao cấp và cuốn thấp cấp thì quá thấp cấp”.

>> Bộ Tài chính đang thẩm tra quyết toán Đề án 112

Giáo trình đào tạo của Đề án 112 xa thực tiễn ảnh 1
Giáo trình giảng dạy theo chương trình đào tạo Đề án 112 tại một cuộc triển lãm - Ảnh: Huy Thịnh

Một đơn vị được giao thẩm định bộ sách đồ sộ dùng cho các khóa đào tạo của Đề án 112 phải mất 2 tháng trời để đọc.

“Đọc xong tôi toát mồ hôi hột vì thấy có sách dường như viết để cho các nhà chuyên môn về CNTT, có sách viết miên man trên trời dưới bể và có sách lại viết về những gì mà ngoài thị trường bán đầy rẫy” - Một chuyên gia tham gia thẩm định nhận xét.

Khách quan mà nói, vẫn theo chuyên gia này, có không ít cuốn viết đạt chất lượng cao như Giáo trình Sử dụng, Quản trị & Lập trình UNIX/LINUX và Giáo trình Nhập môn Ngôn ngữ XML...

Có những cuốn khá thiết thực cho địa phương và cơ sở như Tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống thông tin tổng hợp kinh tế xã hội phục vụ điều hành trên địa bàn huyện.

Nhưng nhìn chung, phần lớn các cuốn đều nặng về lý thuyết, quá cao so với yêu cầu đặt ra đối với học viên. Mỗi cuốn viết cho thời gian học chính thức 40 - 60 tiết. “Tập huấn kéo dài như thế vừa không phù hợp về tâm sinh lý vừa không cần thiết với học viên là công chức để thực thi hệ thống máy tính hiện hành”.

Có những cuốn viết về các phần mềm cơ bản như Word, Excel mà bất cứ ai nhập môn máy tính đều có thể mua sách ngoài chợ và thậm chí tự học.

“Viết những sách như thế là thừa, lãng phí vô cùng - Chuyên gia nhận xét - Nếu thực sự cầu thị, Ban Điều hành 112 chỉ cần yêu cầu địa phương tự tổ chức đào tạo những vấn đề cơ bản đó và họ hoàn toàn đủ sức mua sách ngoài chợ để có thể chọn những cuốn tốt nhất”.

Thậm chí có những cuốn như Quản lý Văn bản & Hồ sơ Công việc ấn hành vào năm 2005 để hướng dẫn cho phần mềm dùng chung quản lý hồ sơ công việc mang mã số 112.HS.002.P1.

Cuốn này được đánh giá là in ra mà không ai đọc, được dạy rất ít và nhất là, không biết tác dụng của nó thế nào. Đơn giản là vì, đến thời điểm năm 2005, cả ba phần mềm dùng chung đều bộc lộ sự kém hiệu quả, hầu như không dùng chung được. “Vậy thì viết về cái thấy mười mươi không dùng được nữa để làm gì”.

Thích ai thì mời viết sách

Điều đáng chú ý là toàn bộ kế hoạch viết sách mang tính giáo dục và đào tạo cho Đề án 112, ngành giáo dục & đào tạo lại không được tham khảo ý kiến, một quan chức ở Bộ Giáo dục & Đào tạo tiết lộ.

Quanh đi quẩn lại người ta thấy chủ yếu là người của hai viện CNTT thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. Không rõ các nhà khoa học đó có ngồi ở trên tháp ngà hay không mà viết những cuốn mà “tôi đảm bảo không ai học nổi 10 tiết”, một giảng viên CNTT Đại học Bách khoa Hà Nội nói.

Chẳng hạn cuốn Giáo trình công nghệ thông tin và quản lý do ông Ngô Trung Việt thuộc Viện CNTT (Viện KH&CN Việt Nam) viết dày 330 trang. Ngoài bìa, giáo trình ghi rõ “dành cho cán bộ lãnh đạo”. Một cuốn như thế, một chuyên gia nhận xét, chẳng lãnh đạo nào đọc nổi.

Có những cuốn như Công nghệ thông tin tin học hóa quản lý – Hướng tới một xã hội thông tin và tri thức dày 82 trang được đánh giá là nội dung không có gì mới nhưng tiền chi cho người viết rất “nặng ký”.

Các nhà khoa học thông thái còn “dày công” viết cuốn Trang thông tin điện tử phục vụ điều hành để hướng dẫn quản trị, cài đặt và hướng dẫn sử dụng lại một phần mềm dùng chung khác. Cuốn sách dày 200 trang này, một nhà sư phạm cho rằng, chỉ học vài tiết là đủ. “Giảng kỹ quá, nhiều học viên buồn ngủ”.

Một người có trách nhiệm từng khảo sát các khóa đào tạo cho lãnh đạo. Ông hầu như không thấy lãnh đạo nào đi học trừ một số trường hợp chủ tịch hoặc chánh văn phòng tỉnh đến dự lễ khai mạc rồi về.

Điều thất vọng nhất đối với những người viết sách là họ hầu như không bám sát diễn tiến của Đề án 112 để điều chỉnh nội dung viết và, thậm chí, để không viết nữa. Dường như không có sự chỉ đạo và giám sát nào trong quá trình các tác giả viết sách.

Thậm chí, dường như các hợp đồng viết sách là giữa Ban Điều hành 112 với các cá nhân chứ không phải là với đơn vị của họ.

Trả lời báo Tiền phong về việc Viện KH&CN Việt Nam nói chung và Viện CNTT, đơn vị trực thuộc, có tham gia chính thức và công việc gì của đề án 112 không, GS Đặng Vũ Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KH&CN Việt Nam, khẳng định rằng không.

“Viện KH&CN Việt Nam đã trao đổi ý kiến với Viện CNTT về việc này. Viện CNTT cho biết Viện không nhận được đề nghị của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào về việc cử cán bộ làm tư vấn cho Chương trình 112”.

Thế nhưng trên thực tế, rất nhiều cuốn sách mà Ban Điều hành 112 đặt hàng thấy đứng tên các nhà khoa học ở Viện CNTT. Thậm chí, một số người ở đó còn giữ vị trí quan trọng trong bộ máy điều hành của Ban Điều hành 112.

Theo quy định mới của Chính phủ, đúng là cá nhân nhà khoa học có quyền ký hợp đồng làm khoa học với các đơn vị. Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu đấy đúng là hợp đồng cá nhân, tại sao các cuốn sách lại thấy đề là “Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Viện Công nghệ Thông tin” như cuốn Giáo trình phân tích, thiết kế, xây dựng, quản lý các hệ thống thông tin chẳng hạn.

Giáo trình này được thực hiện bởi tập thể nhiều nhà khoa học của Viện CNTT và được đánh giá là quá xa vời đối với những gì mà các công chức cần trong khuôn khổ Đề án 112.

Câu hỏi đặt ra là cuốn sách viết nhân danh tên đơn vị nhưng thiếu thực tiễn như vậy, cá nhân hay tập thể Viện CNTT phải chịu trách nhiệm? Tiền nhuận bút có được đưa về quỹ của Viện hay không hay trực tiếp chia cho những người viết?

GS Đặng Vũ Minh có yêu cầu TS Vũ Đức Thi - Viện trưởng Viện CNTT - tiếp phóng viên Tiền phong để làm rõ vấn đề.Tuy nhiên, khi chúng tôi gọi điện cho TS Thi, giọng ông tỏ vẻ bực dọc, nói bận và bảo xuống văn phòng mà đăng ký.

Hôm sau, chúng tôi gọi điện đến văn phòng của Viện CNTT thì người đầu dây bên kia xưng là trưởng phòng cho biết bà chưa hề nhận được giấy giới thiệu kèm bộ câu hỏi nào chúng tôi đã chuyển trực tiếp cho TS Thi.

MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.