Giao trách nhiệm cho người trẻ

Giao trách nhiệm cho người trẻ
Một lớp cán bộ, giảng viên trẻ đại học đã trở về với trình độ tiến sĩ, thạc sĩ. Một lớp khác đang tiếp tục thu nạp cho mình những kiến thức mới ở các nước phát triển. Có thể nói cánh cửa đào tạo, tu nghiệp dành cho người trẻ tại các trường ĐH, CĐ đang rộng mở.

Khảo sát một vòng các trường ĐH cho thấy trong khoảng năm năm trở lại đây, số cán bộ, giảng viên trẻ được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài tăng khá nhanh.

Những trường ĐH lớn có ít nhất vài chục đến vài trăm cán bộ, giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi) đang tu nghiệp, học tập khắp nơi trên thế giới. Nhiều trường ngoài công lập cũng đầu tư mạnh cho đội ngũ trẻ.  

Không đủ người đi học

Thực tế này đang diễn ra tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) và được PGS.TS Trần Linh Thước - phó hiệu trưởng nhà trường - thừa nhận. Bằng nhiều đầu mối khác nhau: học bổng nhà nước, mối quan hệ của trường, quen biết của các giáo sư lâu năm… mỗi năm có từ vài chục đến cả trăm học bổng sau đại học tại nước ngoài.

Từ nguồn là các SV giỏi được giữ lại hằng năm, hiện nay ĐH KHTN có đến trên 200 cán bộ trẻ đang được gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại nhiều nước. Trong đó, đa số du học sinh sau đại học đều có tuổi đời dưới 30, nếu so với năm 2001 trở về trước cả trường chỉ có 23 giảng viên được gửi đi đào tạo nước ngoài và đều trên 35 tuổi. 

Cũng vậy, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM hiện có đến 111 giảng viên trẻ đang du học tại 16 nước, vùng lãnh thổ, chưa tính 47 giảng viên khác đang học cao học, nghiên cứu sinh trong nước.  “Nếu đáp ứng đầy đủ các loại học bổng, chắc chắn nhà trường không tìm đủ người đi học”, TS Trịnh Trường Giang - hiệu trưởng nhà trường - cho biết.

"Tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên học tập ở nước ngoài bằng nhiều nguồn lực khác nhau. Nhà nước dành ngân sách thỏa đáng để lựa chọn sinh viên giỏi, cán bộ trẻ có năng lực đưa đi đào tạo ở các nước phát triển. Quản lý, giúp đỡ thanh niên học tập ở nước ngoài. Chú trọng công tác tư vấn, lựa chọn ngành học, bố trí, sử dụng có hiệu quả số thanh niên du học về nước..."

(Trích nghị quyết số 25-NQ/T.W Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa X, ngày 25-7-2008) 

Tại các trường ĐH ngoài công lập, cơ hội dù không nhiều nhưng đã có những lớp giảng viên đầu tiên được gửi đi đào tạo tại nước ngoài.

Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM đã gửi 14 giảng viên đi học nước ngoài, trong số 23 giảng viên học sau ĐH toàn trường.

ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM cũng có 2/38 giảng viên sau ĐH đang học tại Mỹ và Nhật cùng hai ứng viên sắp đi học bằng học bổng nhà nước.

PGS.TS Trịnh Phôi - hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM - thông tin: “Nguồn học bổng, kinh phí với chúng tôi hơi khó khăn dù trường có những ứng viên hoàn toàn đáp ứng được các điều kiện dự tuyển”.

Ra đi để trở về

Sau những năm miệt mài học tập tại nước ngoài, việc trở về phục vụ đất nước gần như trở thành mẫu số chung của phần lớn giảng viên trẻ. Từ lớp SV giỏi đầu tiên được giữ lại, Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM đã có những lãnh đạo trẻ trình độ sau ĐH: trưởng khoa quản trị kinh doanh - quốc tế, trưởng khoa quan hệ quốc tế, phó khoa ngoại ngữ…

Trong khi đó, lãnh đạo trẻ đã có mặt ở hầu hết các khoa của ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM. GS.TS Bùi Khánh Thế - phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM - chia sẻ: “Số cán bộ sau khi được đào tạo ra ngoài làm rất ít, phần lớn đều về và gắn bó với trường. Họ chính là lực lượng cho sự phát triển lâu dài của trường”.

Nhận được nhiều lời mời ngay từ trước khi lên đường du học, thêm những cơ hội làm việc khi trở về nhưng TS Trương Thanh Long, khoa công nghệ thực phẩm (ĐH Nông lâm TP.HCM), vẫn quyết định ở lại trường.

Anh là một trong số những tiến sĩ hiếm hoi tốt nghiệp tại Úc chuyên ngành chế biến thực phẩm từ thịt. Anh tâm sự: “Tôi muốn tiếp tục công việc nghiên cứu để có thể tìm cho mình và đóng góp những điều mới trong ngành chế biến thực phẩm”.

Phần lớn giảng viên trẻ trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đang công tác tại nhiều trường ĐH hiện nay đều trở về sau thời gian đào tạo ở nước ngoài. ĐH Nông lâm TP.HCM trên 50 người, ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM 21 người, ĐH KHTN cũng trên dưới 50 giảng viên… và con số này tại các trường khác cũng không ít.

Theo PGS.TS Trần Linh Thước: “Không chỉ tạo cơ hội để người trẻ trở về mà cần giao cho họ những cương vị lãnh đạo về chuyên môn. Chính điều đó giúp họ nhìn thấy cơ hội thăng tiến trong tương lai và tìm được sự gắn bó lâu dài”. 

Theo Quốc Linh
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG