Giáo sư đoạt giải Nobel nói về khủng hoảng kinh tế

Giáo sư đoạt giải Nobel nói về khủng hoảng kinh tế
TPO - Chiều 20/5, Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman chủ trì cuộc họp báo quốc tế tại TPHCM về chủ đề "Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng". 

>> Chủ nhân Nobel Kinh tế 2008 đến Việt Nam

Giáo sư đoạt giải Nobel nói về khủng hoảng kinh tế ảnh 1
Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman tại cuộc họp báo. Ảnh : Pace

Chủ đề trên cũng chính là nội dung cuộc hội thảo quốc tế, diễn ra vào ngày 21/5, tại Khách sạn Sheraton, TPHCM. Dưới đây là phần hỏi và trả lời một số câu hỏi chính tại cuộc họp báo:

Financial Times: Hiện nay, kinh tế của hầu hết các quốc gia phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Mỹ, ông có cho rằng các nước này cần làm gì đó để kích cầu nội địa nhiều hơn không?

Giáo sư đoạt giải Nobel nói về khủng hoảng kinh tế ảnh 2 Người ta đang lo ngại rằng, sự suy thoái kinh tế thế giới hiện nay còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Khi đó, sự căng thẳng giữa gói kích cầu và mậu dịch sẽ trở nên ngày một tồi tệ hơn. Tôi không cho rằng điều này sẽ được giải quyết trong vòng sáu tháng tới, mà phải ít nhất 5 năm nữa mới giải quyết đượcGiáo sư đoạt giải Nobel nói về khủng hoảng kinh tế ảnh 3 -Giáo sư đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, nền kinh tế thế giới không còn vận hành một cách tuần tự đúng qui luật như trước đây nữa.

Chẳng hạn, Trung Quốc, trong bối cảnh khủng hoảng này, họ không thể chờ đợi một mức tăng trưởng kinh tế 10% như trước đây. Mỹ phải chịu thâm hụt nhiều hơn. Nhật Bản cũng vậy, họ phải suy nghĩ về vai trò cường quốc của mình.

Nước nào cũng phải lo lắng nhiều hơn đến nền kinh tế của họ. Đến nay, có một số dự báo lạc quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, những dự đoán đó phần lớn dựa trên các thông số kinh tế ngắn hạn. Các nền kinh tế cần quan tâm hơn nữa đến thị trường tài chính để đảm bảo hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra.

Tiền Phong: Những gói kích cầu trong các nước đang tạo ra mối lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này, có cách nào giải quyết mâu thuẫn giữa kích cầu với chủ nghĩa bảo hộ không?

Vâng, tôi đã nghĩ rất nhiều về điều này. Cho đến nay, sự lo sợ về chủ nghĩa bảo hộ trở nên lớn hơn rất nhiều so với trước. Người ta đang nói nhiều về qui định người Mỹ mua hàng Mỹ (buy America) trong gói kích cầu của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng gói kích cầu đó, đến nay, vẫn chưa gây ra được tác động đáng kể nào để thay đổi thói quen tiêu dùng ở Mỹ. Do vậy, việc kêu gọi người Mỹ mua hàng Mỹ này chẳng có ý nghĩa gì.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những vấn đề nan giải đang xảy ra. Tại Hoa Kỳ, chúng tôi đang dùng tiền từ các gói kích cầu để đổ vào những khu vực bên ngoài các nhà máy của Mỹ.

Bên nước chúng tôi có nhiều người nói cường điệu lên rằng, tiền từ gói kích cầu đã được người ta dùng để mua hàng tại các siêu thị Wal Mart. Và điều này không giúp tạo việc làm trong nước mà tạo việc làm cho Trung Quốc.

Đây không phải là sự cường điệu quá đáng mà có một phần sự thật trong đó. Điều này còn tạo ra những vấn đề nan giải khác là tại từng nước cụ thể, người ta có xu hướng chỉ làm rất ít để kích cầu vì sợ tiền từ gói kích cầu có thể giúp họ thanh toán các khoản nợ nhưng nước khác lại được hưởng lợi.

Do vậy, câu trả lời đúng sẽ là chúng ta cần phối hợp giữa các quốc gia để tạo ra những gói giải cứu kinh tế. Các nước G-20 cần tạo ra gói giải cứu kinh tế toàn cầu. Tiếc rằng, điều này không xảy ra tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 vừa qua. Việc chưa có gói kích cầu như vậy luôn dẫn đến nhiều vấn đề nan giải sẽ xảy ra trong tương lai.

Người ta đang lo ngại rằng, sự suy thoái kinh tế thế giới hiện nay còn tiếp tục kéo dài thêm một thời gian nữa. Khi đó, sự căng thẳng giữa gói kích cầu và mậu dịch sẽ trở nên ngày một tồi tệ hơn. Tôi không cho rằng điều này sẽ được giải quyết trong vòng sáu tháng tới, mà phải ít nhất 5 năm nữa mới giải quyết được.

Thanh Niên:  Giáo sư từng nói gói kích cầu của các nước đưa ra vừa qua vẫn chưa đủ lớn để kích thích nền kinh tế vượt qua khủng hoảng. Vậy qui mô các gói kích cầu cần phải lớn đến mức nào?  Ngoài biện pháp kích cầu còn biện pháp nào nữa để hỗ trợ các nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay?

Theo tôi, gói kích cầu giúp các nước vượt qua khủng hoảng kinh tế cần phải lớn gấp hai lần các gói kích cầu hiện nay.

Ở Mỹ, chúng tôi đang sử dụng gói kích cầu bằng khoảng 2,5% GDP hiện nay. Có lẽ, cần phải dùng đến gói kích cầu bằng từ 4 đến 5% mới giúp Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế.

Nếu những gói kích cầu vẫn chưa đủ, tất nhiên, chúng ta có thể thực hiện thêm những biện pháp khác hỗ trợ để các nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, những biện pháp này khó khăn hơn nhiều để có thể khiến chúng trở nên đáng tin cậy.

Tóm lại là, có một loạt biện pháp mà ta có thể làm, nhưng tất cả những biện pháp đã áp dụng rồi mà chưa đủ, ta có thể quay sang sử dụng biện pháp áp đặt các chính sách kinh tế.

Tại giai đoạn hiện nay, chúng ta nên cố gắng áp dụng chỉ hai biện pháp là các gói kích thích và can thiệp thị trường quốc tế.

Chúng ta hãy chờ xem, nếu hai biện pháp này chưa đủ hiệu lực, thì chúng ta mới đưa ra các biện pháp khác can thiệp sâu hơn hai biện pháp chính đang áp dụng.

Giáo sư kinh tế Đại học Princeton - Mỹ, cây bút bình luận của tờ The New York Times, ông Paul Krugman, 55 tuổi, giành giải Nobel Kinh tế 2008 giữa lúc cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ đang khiến toàn thế giới lao đao.

Những nghiên cứu của GS Krugman được Ủy ban Giải Nobel đánh giá có thể giúp giải thích nguyên do dẫn tới việc chỉ có một số quốc gia nổi bật lên trong thương mại quốc tế dù rất nhiều nước có cùng điều kiện và kinh doanh những sản phẩm giống nhau.

Ông Krugman sinh tại Long Island, học kinh tế tại Đại học Yale. Ông đã có bằng tiến sĩ của Học viện Công nghệ Massachusetts năm 1977 trước khi tới Đại học Princeton.

Năm 1982-83, ông từng làm việc trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế thuộc Nhà Trắng dưới triều đại Tổng thống Ronald Reagan. GS Kugman là tác giả của hàng loạt cuốn sách về kinh tế và những bài phân tích nổi tiếng trên tờ The New York Times. Năm 1991, ông được Hiệp hội Kinh tế Mỹ trao Huy chương John Bates Clark, giải thưởng danh giá nhất dành cho các nhà kinh tế dưới 40 tuổi. 

MỚI - NÓNG