> Nhận biết trẻ bệnh và chăm sóc đúng cách
> Dịch bệnh bùng phát trước ngày tựu trường
TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, thời tiết giao mùa là nguyên nhân khiến lượng bệnh nhân tăng cao.
Chín giờ tối, phòng Cấp cứu (Khoa Khám bệnh) vẫn đông nghịt bệnh nhi. Phần lớn là trẻ dưới 3 tuổi với gương mặt đỏ bừng vì sốt cao, mệt lả, ho sặc sụa. Bế đứa con mới 1,5 tháng trên tay, chị M.Y (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) lo lắng bảo: “Đông thế này thì bao giờ mới tới lượt con em. Khám ở bệnh viện huyện bác sĩ nói bé bị viêm phổi, thấy con lả dần nên vợ chồng tôi bắt xe đưa con đến thẳng đây”. Hơn 1 tiếng sau, chị Y. cầm trên tay tấm phim chụp X quang phổi của con gái, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi viêm phổi cấp, nhập viện ngay.
Ngồi đợi đến lượt khám, bệnh nhân L.H (8 tuổi) mệt lả vì những cơn ho dồn dập, nôn thốc tháo. Đi khám bác sĩ tư, bé H. được cho thuốc kháng sinh, thuốc kháng viêm và thuốc chống dị ứng. Nhưng uống thuốc được 2 ngày bệnh không đỡ mà còn diễn biến nặng thêm với những đợt nôn và đau bụng kéo dài. Lo lắng, mẹ bé H. cho con đến Bệnh viện Nhi T.Ư khám. Bác sĩ cho siêu âm ổ bụng. Kết quả chẩn đoán bệnh nhi bị tác dụng phụ của thuốc kháng sinh gây đau bụng kèm viêm đường hô hấp trên do thời tiết thay đổi.
Bác sĩ Mai Hương, người trực tiếp khám ở phòng Cấp cứu không kịp nghỉ giải lao vì số bệnh nhi đợi quá đông. Một lúc lại có người hớt hải bế trẻ nhỏ trên tay lao vào xin khám ngay cho con vì bé khó thở hoặc lịm dần. Nhiều trẻ được bệnh viện tuyến dưới chuyển lên vì tình trạng bệnh nặng.
Ban ngày, các phòng khám đều đông nghịt bệnh nhân. Mới chỉ 8 giờ sáng nhiều phòng đã có 40 bệnh nhi chờ tới lượt khám. Bác sĩ Cù Thị Minh Hiền, Phó khoa Khám bệnh cho biết, trẻ đến khám chủ yếu mắc bệnh đường hô hấp, như viêm họng kèm theo sốt và ho, viêm mũi, viêm phế quản... Ngoài ra nhiều trẻ bị bệnh đường tiêu hóa.
Khoảng 1 tuần trở lại đây thời tiết mưa nắng thất thường, chênh lệch nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm, độ ẩm cao tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển khiến số trẻ đổ bệnh tăng lên nhiều.
TS.Trần Minh Điển cho biết, ở trẻ nhỏ, viêm phổi diễn tiến nhanh nên việc phát hiện, đưa con đi khám sớm rất quan trọng. Qua thăm khám, nhiều trẻ chỉ bị viêm phế quản nhưng do cha mẹ chủ quan không đưa đi khám, phát hiện điều trị muộn nên tiến triển thành viêm phổi, thậm chí bị viêm nhiễm nặng đường hô hấp, gây loét niêm mạc.
Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, chuyên gia về bệnh hen cho biết, bệnh viêm đường hô hấp có thể do nhiều căn nguyên, trong đó bệnh viêm đường hô hấp do virus có những đặc điểm như sốt, ớn lạnh hoặc lạnh, nhức đầu, đau toàn thân, mệt mỏi, chán ăn. Đôi khi trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa.
Viêm phế quản cấp do siêu vi là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em khi thời tiết diễn biến bất thường. Bệnh biểu hiện với các triệu chứng ban đầu là ho khan rồi kéo dài và tăng dần nhưng không có đờm. Cơn ho thường dai dẳng và sau đó xuất hiện đờm. Phải sau khoảng 7-10 ngày, cơn ho mới giảm dần. Nếu không phân biệt và xử lý đúng, bệnh có thể gây biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm phổi.
Bác sĩ Lộc cho biết khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính, không nên lạm dụng các loại thuốc ho nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc. Dùng kháng sinh thích hợp để trị viêm phổi cũng sẽ giúp trẻ giảm ho nhanh chóng.