Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm

Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm
TPO - Sáng nay, bốn thủ khoa con nông dân nghèo đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi ĐH vừa qua là Chu Thị Kim Liên, Lê Đình Hưng, Phạm Văn Huy và Nguyễn Quốc Đạt, đã giao lưu trực tuyến trên Tiền phong Online với bạn đọc cả nước.
Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm ảnh 1
Chu Thị Kim Liên (phải) giúp mẹ chở cát thuê. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Điều gì đã hun đúc nên ý chí nghị lực vượt qua cái nghèo để họ có thể đạt thành tích học tập đáng khâm phục đến vậy ? Trong khi nhiều bạn trẻ ở thành phố có điều kiện kinh tế sung túc, được hưởng một nền tảng giáo dục tốt hơn gấp nhiều lần lại vẫn trượt ĐH.

Bốn tân thủ khoa con nông dân nghèo của Đại học Y Thái Bình và Đại học Bách Khoa Hà Nội sẽ chia sẻ kinh nghiệm học tập, cũng như tinh thần vượt khó để vươn đến thành công với bạn đọc cả nước.

Chu Thị Kim Liên (Yên Mỹ, Hưng Yên), đỗ thủ khoa 30 điểm (khối B) của trường Đại học Y Thái Bình, đỗ Học viện Tài Chính với 29 điểm (khối A). Thế nhưng, mấy ai biết rằng, để đạt được thành tích ấy, Liên và gia đình đã phải vượt qua biết bao khó khăn trong cuộc sống.

Bố bị sét đánh khi đang nhổ mạ ngoài đồng hồi tháng Sáu năm ngoái, tất cả công to việc lớn trong nhà dồn lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Bà phải gồng lưng làm ruộng, đi cày thuê, kéo gạch mướn lấy tiền nuôi 2 con ăn học.

Những giọt mồ hôi cực nhọc đẫm lưng áo của mẹ giữa trưa hè cũng chỉ lo được cho các con ăn học. Còn bữa cơm của gia đình thường xuyên chỉ có rau và vừng khô rang sẵn.

Thế nhưng, không vì vậy mà Liên chùn bước. Không có tiền mua sách tham khảo mới, Liên dùng sách cũ, hoặc mượn sách của bạn để photo ra học.

Ngày ngày, Liên đạp xe lên trường huyện học cấp 2. Lên cấp 3, trường xa quá, Liên phải bắt xe buýt đi học.

Thương mẹ, mỗi lần cuối tuần về thăm nhà, Liên phụ mẹ đi kéo cát, kéo gạch thuê. “Tay em yếu không cầm càng xe bò để lái được, em chỉ đẩy xe cùng mẹ. Mẹ ngày càng gầy, lưng mẹ yếu đi, em chỉ muốn đi làm thêm ngay trong mùa hè này để đỡ đần mẹ thêm” - nói rồi, Liên lại khóc.

Giờ thì bao nỗ lực của hai mẹ con đã được đền đáp xứng đáng. Chu Thị Kim Liên đỗ đầu vào trường Đại học Y Thái Bình với số điểm tuyệt đối. Hay tin con gái đỗ cao vào 2 trường đại học, nước mắt của người mẹ lại rơi, nhưng lần này là vì hạnh phúc, sung sướng.

Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm ảnh 2
Phạm Văn Huy đóng nước rửa bát vào can để đi đổ cho các quán. Ảnh: Minh Thùy.

Ba năm trước, khi hay tin con trai Phạm Văn Huy đỗ vào lớp chuyên Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội, ông Phạm Huân bỏ nghề phu hồ ở Bắc Ninh, lên Hà Nội kiếm nghề nuôi con ăn học.

Ngày ngày, dù nắng hay mưa, cứ 4h sáng, hai bố con ở xóm trọ trên Thụy Khuê thức dậy, đóng nước rửa bát vào can, rồi đạp xe đem đổ cho các quán.

Để có tiền đóng học, chi tiêu cho cuộc sống xa quê, trước giờ đến lớp và sau giờ học, Huy lại “trên từng cây số”, lóc cóc đạp xe lai nước rửa bát đổ cho các quán ăn ở khắp thành phố.

“Nhiều đêm trời mưa tầm tã, các quán gọi mang hàng đến, bố lại âm thầm khoác vội chiếc áo mưa, lao vào màn đêm đang ầm ầm sấm sét”. Hình ảnh người cha khom người đạp chiếc xe cà tàng chở cả đống thùng hàng to lên dốc cứ ăn sâu vào tâm trí Huy.

Thương cha, mẹ vất vả, Huy trốn không đi học thêm để tích kiệm 30.000 đồng/buổi. Sợ bố biết, Huy dặn bạn bè trên lớp không nói gì khi đến chơi. Biết chuyện, ông Huân gọi con ra bảo: "Con phải học cho bằng bạn bằng bè, bố mẹ thiếu tiền còn vay được nhưng con thiếu kiến thức thì không bao giờ vay ai được”.

Giờ thì Phạm Văn Huy đã đỗ thủ khoa Đại học Bách Khoa với 3 điểm 10 tròn trĩnh. Đồng thời, Huy cũng đỗ Đại học Y Hà Nội với 28 điểm. Sau khi nhận được tin vui, chàng thủ khoa vẫn chịu khó “quay đều những vòng xe” khắp phố phường Hà Nội để kiếm tiền ăn học.

Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm ảnh 3
Lê Đình Hưng. Ảnh: Hoàng Lam.

“Kết quả ngày hôm nay là món quà em muốn dành tặng người mẹ đã khuất, người cha tần tảo và những người thân yêu đã luôn bên em những lúc khó khăn nhất” - Lê Đình Hưng (Hoằng Phú, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) tâm sự khi hay tin đỗ thủ khoa Đại học Bách khoa với số điểm tuyệt đối và đỗ Đại học Y với 28,5 điểm.

Người ta gọi Hưng là thủ khoa… chân đất. Ấy là do ở quê, “ngoài giờ lên lớp chẳng mấy khi em đi dép ở nhà, chân trần để dọn dẹp đi lại cho nhanh còn tranh thủ học bài”. Đôi bàn chân của Hưng vì thế mà ngày thêm chai sạn.

Mẹ mất do trọng bệnh, ba bố con trông vào 7 sào ruộng, chăn nuôi con gà, con vịt… Ý thức được hoàn cảnh khó khăn, hai chị em Hưng cố gắng học tập để không phụ lòng cha, mẹ. Chị đỗ Cao đẳng Ngân hàng (Hà Nội), em đỗ cao vào hai trường đại học “đỉnh”, niềm vui - nỗi buồn đan xen trên gương mặt đen xạm khắc khổ của người cha.

Dành dụm mãi bố con Hưng mới mua được con lợn nái để nuôi lấy tiền chi phí cho 2 chị em ăn học. Nhưng con lợn nái lại chết trong dịch lợn tai xanh. Giờ chưa biết trông vào đâu cho hai chị em “lai kinh” học tập.

Nhận được tin đỗ đại học, Hưng hì hụi sửa lại chiếc xe đạp cũ, dự định mang ra Hà Nội để đi học và tìm kiếm việc làm thêm phụ giúp bố. Chàng thủ khoa nghèo vẫn tiếp tục trên con đường nỗ lực vượt khó…

Giao lưu trực tuyến với thủ khoa nghèo 30 điểm ảnh 4
Nguyễn Quốc Đạt đan ngựa cùng bố. Ảnh: Hải Yến.

Đồ vật giá trị nhất trong ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo của tân thủ khoa Đại học Bách Khoa Hà Nội Nguyễn Quốc Đạt (Xuân Trường, Nam Định) là chiếc TV 14 inch đời cũ, hai chiếc quạt và mấy chiếc xe đạp cà tàng...

Sinh vào giờ ngọ, ngày ngọ, tháng ngọ, năm ngọ, là em út trong gia đình 6 chị em, Đạt không có nhiều điều kiện thuận lợi để đầu tư cho học tập.

Trông vào 6 sào ruộng, gia đình 8 người (cả bố mẹ) chỉ đủ ăn, chứ không có của để. Vì thế, cả nhà phải đan lát thuê, kiếm thêm đồng tiền, bát gạo.

Tối thứ Bảy, ngày Chủ nhật, Đạt tỉ mẩn đan lát cùng bố mẹ. Cả ngày cặm cụi đan cho tới tối khuya, một tháng nhà Đạt cũng làm được 500 con ngựa hàng mã. Đan cả ngày chủ nhật, riêng Đạt cũng làm được 20 con ngựa. Trừ vốn và công chẻ nạt, mỗi con ngựa lãi 1.000 đồng. Cả tháng được 500.000 đồng.

Số tiền ấy với mức sống ở quê có thể tằn tiện lo đủ, nhưng khi Đạt lên Hà Nội học sẽ là cả nỗi lo.

“Con lợn trong chuồng mới 45kg, tôi cố vỗ béo trong 1 tháng nữa, hy vọng tăng lên 60kg, bán đi cũng được 1,8 triệu, cộng với bán mấy tạ thóc nếp, dồn được 3 triệu lo cho cháu tiền trọ, tiền học phí, tiền ăn. Còn lại mấy tháng sau gia đình lại xoay vòng tiếp” - mẹ Đạt lo lắng.

Không biết, để đứa con trai học giỏi tiếp tục được đi học, gia đình nghèo ấy phải đan bao nhiêu con ngựa giấy nữa?

Khách mời tham dự chương trình:

- Chu Thị Kim Liên (quê Hưng Yên), thủ khoa 30 điểm khối B của trường Đại học Y Thái Bình và đỗ Học viện Tài Chính với 29 điểm (khối A).

- Lê Đình Hưng (quê Thanh Hóa), thủ khoa 30 điểm của Đại học Bách Khoa Hà Nội và đỗ trường Đại học Y Hà Nội với 28,5 điểm (khối B).

- Phạm Văn Huy (quê Bắc Ninh), thủ khoa 30 điểm của Đại học Bách Khoa Hà Nội (khối A) và đỗ trường Đại học Y Hà Nội với 28 điểm (khối B).

- Nguyễn Quốc Đạt (quê Nam Định), thủ khoa 30 điểm (29,75 được làm tròn thành 30) của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

MỚI - NÓNG