Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến

Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến
TPO - Nhằm hướng tới Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016) và Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu tròn 20 năm (1996 – 2015), ngày 4/3 tới đây, Báo Tiền Phong sẽ tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” với một số gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu được tôn vinh khen thưởng trong suốt 20 năm qua.

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng do T.Ư Đoàn, Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phát động, nhằm tuyên dương những người trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, doanh nhân, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động xã hội.

Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 1

Bốn khách mời trong buổi giao lưu trực tuyến.

Năm nay, Thường trực Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam  nhận được 172 hồ sơ đề cử được gửi về từ 52 đơn vị (tăng hơn 30 hồ sơ so với năm 2014), thuộc 9 lĩnh vực khác nhau. Qua nghiên cứu các hồ sơ, Thường trực Hội đồng Giải thưởng chọn ra 26 đề cử có thành tích nổi bật trên các lĩnh vực để Hội đồng Giải thưởng tham khảo nghiên cứu xem xét. Trên cơ sở đó, Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn ra 20 đề cử để bạn đọc cả nước bình chọn trên các báo và trang thông tin điện tử. Đây là kênh tham khảo quan trọng để Hội đồng tiếp tục họp (dự kiến ngày 9/3) đánh giá, bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.

chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” do báo Tiền Phong tổ chức bắt đầu từ 14h00 chiều thứ Sáu, ngày 4/3/2016 tại Hội trường tầng 9, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Báo Tiền Phong trân trọng kính mời các gương mặt trẻ trong top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015 dưới đây đến buổi giao lưu “Tỏa sáng và cống hiến” tại báo Tiền Phong:

1.     Đại úy Trần Xuân Hải (SN 1983) Trưởng công an phường, Công an phường Hàng Bài, Công an Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2.     TS.Nguyễn Xuân Nhiệm (SN 1982), Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

3.     Đỗ Hoàng Linh Chi  (SN 1997),  Bộc lộ tài năng về âm nhạc ngay từ khi còn là một cô bé. Lên 7 tuổi, Linh Chi đỗ vào Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam với số điểm cao nhất và được GS.Trần Thu Hà nhận làm học sinh cho đến giờ.

4.     Ngô Ngọc Trân (SN 1984), Phó trưởng phòng, Phòng 4, Cục An ninh mạng, Bộ Công an.

XEM THÊM:

>> 9X sở hữu hàng loạt giải quốc tế với ngón đàn piano
>> Khắc tinh của tội phạm hình sự
>> Người săn tội phạm công nghệ cao
>> TS Nguyễn Xuân Nhiệm: Đam mê sáng tạo không ngừng

http://www.tienphong.vn - Mời độc giả tham gia bình chọn ✔

Posted by GƯƠNG MẶT TRẺ VIỆT NAM TIÊU BIỂU on 26 tháng 2 2016

Buổi giao lưu trực tuyến bắt đầu

Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến

DANH SÁCH KHÁCH MỜI

Chào mừng kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2016) và Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu tròn 20 năm (1996 – 2015), 14h chiều nay (4/3), Báo Tiền Phong tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” với một số đề cử gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.

Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 6 Đại diện báo Tiền Phong tặng hoa các vị khách mời tham dự giao lưu trực tuyến "Tỏa sáng và cống hiến"
Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu là giải thưởng do T.Ư Đoàn, Quỹ hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam phát động, nhằm tuyên dương những người trẻ xuất sắc trong các lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, doanh nhân, quốc phòng, an ninh trật tự, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và hoạt động xã hội.

Năm nay, Thường trực Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam nhận được 172 hồ sơ đề cử được gửi về từ 52 đơn vị (tăng hơn 30 hồ sơ so với năm 2014), thuộc 9 lĩnh vực khác nhau.

Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn ra 20 đề cử để bạn đọc cả nước bình chọn trên các báo và trang thông tin điện tử. Đây là kênh tham khảo quan trọng để Hội đồng tiếp tục họp (dự kiến ngày 9/3) đánh giá, bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.

Chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến” bắt đầu từ 14h00 chiều nay tại Hội trường tầng 9, báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm:

1.     Đại úy Trần Xuân Hải (SN 1983) Trưởng công an phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

2.     TS Nguyễn Xuân Nhiệm (SN 1982), Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

3.     Đỗ Hoàng Linh Chi  (SN 1997),  Sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam.

4.     Đại úy Ngô Ngọc Trân (SN 1984), Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng, Bộ Công an.

Trân trọng kính mời bạn đọc đặt câu hỏi giao lưu trực tuyến với các khách mời.

>> Thông tin chi tiết về 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu.

>> Bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015

Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 7 Tổng Biên tâp báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đã phát biểu khai mạc cuộc giao lưu

Đúng 14h hôm nay, Tổng Biên tâp báo Tiền Phong, nhà báo Lê Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Điều hành Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam đã phát biểu khai mạc cuộc giao lưu.

Nhà báo Lê Xuân Sơn, nhấn mạnh, năm nay, Thường trực Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam nhận được 172 hồ sơ đề cử được gửi về từ 52 đơn vị (tăng hơn 30 hồ sơ so với năm 2014), thuộc 9 lĩnh vực khác nhau. Qua nghiên cứu các hồ sơ, Thường trực Hội đồng Giải thưởng chọn ra 26 đề cử có thành tích nổi bật trên các lĩnh vực để Hội đồng Giải thưởng tham khảo nghiên cứu xem xét. Hội đồng Giải thưởng đã lựa chọn ra 20 đề cử để bạn đọc cả nước bình chọn trên các báo và trang thông tin điện tử. Đây là kênh tham khảo quan trọng để Hội đồng tiếp tục họp (dự kiến ngày 9/3) đánh giá, bình chọn 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015.

Điều hành cuộc giao lưu, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong, nhà báo Trần Thanh Lâm đã cảm ơn chân thành các khách mời tham gia cuộc giao lưu. “Thay mặt bạn đọc của báo Tiền Phong và Tiền Phong Online, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Tỏa sáng và cống hiến”.

Cuộc giao lưu trực tuyến bắt đầu.

  • 1. Thời gian: Thứ sáu, ngày 04/03/2016 - 06:00
  • 2. Địa điểm: Trụ sở Báo Tiền Phong

Bạn Hồng QM, Minhhong@gmail.com hỏi:

Anh Nhiệm có thích ăn hải sản không? Nhờ đâu anh có niềm đam mê với các sinh vật biển?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Mình rất thích ăn hải sản, đặc biệt là tôm hùm. 

Nghiên cứu về sinh vật biển là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi từ khâu thu mẫu, bảo quản đến nghiên cứu và phát triển. Sự khó khăn ấy đã thôi thúc tôi ngày càng muốn đi sâu vào công việc nghiên cứu về sinh vật biển.

Sau hơn 2 tiếng giao lưu, các vị khách mời của cuộc giao lưu đã nhận được rất nhiều câu hỏi của bạn đọc. Do thời gian có hạn nên Tiền Phong Online tạm kết thúc buổi giao lưu tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời và bạn đọc.

Bạn Thanh Hải, Thanhhaivn@gmail.com hỏi:

Linh Chi ơi, chị từng muốn đi học đàn nhưng nhiều người bảo chỉ những người có năng khiếu mới học được. Có đúng vậy không em? Với piano có thể “cần cù bù thông minh” không?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Theo quan điểm của em, không phải những người có năng khiếu mới học được piano. Với em để thành công trong mọi lĩnh vực thì chỉ 1% là năng khiếu còn 99% là sự khổ luyện. Không ai sinh ra đã dành cho một lĩnh vực nào đó mà tất cả cần phải có sự đam mê, cố gắng. Mọi nỗ lực sẽ được đền đáp nếu mình dành thời gian và tâm huyết cho nó.

Bạn Thương, Lethanhthuong94@gmail.com hỏi:

Em muốn hỏi anh Nhiệm, anh có nhận xét gì về giới trẻ hiện nay đối với công việc nghiên cứu khoa học?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Giới trẻ hiện nay đang sống trong một thế giới phẳng, có rất nhiều giao lưu, học hỏi và tiếp nhận thông tin từ thế giới bên ngoài. Các bạn được học trong một môi trường tốt hơn, có trình độ ngoại ngữ rất tốt. Các bạn sẽ là công dân toàn cầu trong tương lai.

Theo tôi được biết, trong cơ quan tôi có rất nhiều người trẻ 9x tài năng, đầy nhiệt huyết trong việc nghiên cứu, cống hiến. Ngày càng nhiều bạn trẻ nhận được các suất học bổng từ những viện, trường đại học nghiên cứu nổi tiếng thế giới. Điều này chứng tỏ các bạn có một thái độ rất tích cực với công việc nghiên cứu. Cơ hội để thành công của các bạn rất lớn.  

Bạn Thanh Hữu, tuongkha198@gmail.com hỏi:

Anh Hải có thấy mình xứng đáng là đại diện tuổi trẻ cả nước nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015? Theo anh, trong lực lượng công an nhân dân còn ai xứng đáng hơn anh không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Tôi rất vinh dự và tự hào khi được TW Đoàn, Báo Tiền Phong, Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam giới thiệu. Với vinh dự ấy, tôi càng thấy mình phải tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước, ngành giao cho để xứng đáng với niềm tin yêu của đồng đội và nhân dân.

Bạn Thu Thảo, vothuthaok23@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi anh Xuân Nhiệm: Mục tiêu tiếp theo trong sự nghiệp nghiên cứu của anh là gì? Anh có đang ấp ủ thực hiện công trình nghiên cứu nào không?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Việt Nam có nguồn dược liệu thực vật và biển rất phong phú và đa dạng. Việc tìm kiếm và phát hiện các hoạt chất quý là rất quan trọng. Trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm và phát hiện các hoạt chất mới từ nguồn dược liệu nói trên. Sự phát hiện này sẽ giúp được các bệnh nhân, bên cạnh đó, giúp phát triển ngành dược liệu, nâng cao mức sống của những người nông dân trồng dược liệu. 

Hiện tại, chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm và phát triển các hoạt chất có khả năng diệt tế bào ung thư từ hải miên. Chúng tôi đã có hơn 10 công bố quốc tế về các loài hải miên. 

Bạn Nguyễn Phúc Minh, phucminh1985@gmail.com hỏi:

Anh Hải có thể chia sẻ những vất vả và hi sinh trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội ở thủ đô không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Với tôi, việc được hết lòng phục vụ nhân dân vì bình yên, cuộc sống của nhân dân là niềm hạnh phúc cũng như đam mê của tôi đối với công việc. Quá trình công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội ở thủ đô không thể tránh khỏi những khó khăn, nhiều lúc tôi tưởng chừng rất khó phá án. Nhưng bằng biện pháp nghiệp vụ, sự hỗ trợ của đồng chí đồng đội thì những vụ án đó đều được phá. Đây chính là niềm vui, động lực của tôi.

Bạn Linh Anh, Linhanh@yahoo.com.vn hỏi:

Anh Hải ơi, trước khi bước vào thực hiện những nhiệm vụ quan trọng hoặc tiên đoán những tình huống xấu có thể xảy ra khi trấn áp tội phạm nguy hiểm, trong đầu anh nghĩ về điều gì hay nhớ tới ai?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Tôi luôn nghĩ điều đầu tiên là phải bắt giữ được đối tượng đúng người đúng pháp luật, đảm bảo an toàn cho đồng chí đồng đội của mình.

Bạn Linh Nhi, nhicute9x@yahoo.com.vn hỏi:

Em chào chị Linh Chi! Bản thân em cũng là một người yêu thích âm nhạc. Khi đi học hát ở Cung thiếu nhi, em đã được cô giáo hướng dẫn chơi piano và em rất thích. Em muốn theo học piano một cách nghiêm túc, nhưng nhà em chắc chắn không đủ điều kiện để mua một chiếc đàn piano giá cả chục triệu. Vậy em phải làm thế nào hả chị? Vì nếu đi học piano thì em cũng chỉ được tập trên lớp, về nhà em sẽ không có đàn để luyện đánh.

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 16 Đỗ Hoàng Linh Chi
Sau khi đọc câu hỏi của em, chị thấy cũng có phần nào đó giống với hoàn cảnh của chị khi bắt đầu tiếp cận đàn piano. Bố mẹ chị cũng phải vay tiền để mua cho chị một chiếc đàn cũ không có tên tuổi. Nhưng nếu hoàn cảnh của em không cho phép được như vậy, em hãy cứ cố gắng tiếp tục niềm đam mê đó của mình và thử thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ở đó, em không những được học với các giáo sư giỏi mà còn đươc luyện tập đàn vào những lúc chiều tối khi thầy cô dạy xong. Đó là một trong những lựa chọn mà em có thể tham khảo song theo chị, nếu em thực sự muốn đi theo con đường này, em cứ cố gắng thuyết phục bố mẹ mua một chiếc đàn, có thể không tên tuổi để luyện tập ở nhà. 

Bạn Hải Đăng, Haidangnonglam@gmail.com hỏi:

Em muốn hỏi anh Nhiệm: việc nghiên cứu khoa học thường cần nhiều thời gian và tiền của. Anh từng trải qua thất bại? Có khi nào anh cảm thấy vô vọng và muốn từ bỏ?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Đúng là việc nghiên cứu khoa học cần rất nhiều thời gian và tiền của. Vì thiếu các trang thiết bị hiện đại mà có nhiều hỗn hợp mình không thể phân tách được, đành phải từ bỏ. Sự thất bại trong nghiên cứu cũng nhiều. 

Các công việc nghiên cứu luôn đòi hỏi mình phải dành toàn thời gian như là: hồi còn là nghiên cứu sinh, để xác định được cấu trúc của một hoạt chất thì phải mất cả năm trời. Mình lúc nào cũng nghĩ và phân tích về các cấu trúc của các hợp chất ấy và cuối cùng, tôi cũng đã xác định được.

Đôi khi mình cũng băn khoăn về công việc mà mình làm, nhưng đó chỉ là suy nghĩ thoáng qua. 

Bạn Lê Nguyệt, Nguyetlektpt@gmail.com hỏi:

Đại úy Trần Xuân Hải, động lực nào hay vì đâu anh chọn nghề này?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Nói đến nghề Công an, nhất là làm trinh sát hình sự thì đó là niềm đam mê từ thời còn là học sinh trung học cơ sở, đã thôi thúc tôi thi vào Học viện Cảnh sát nhân dân chuyên ngành điều tra hình sự, đúng với nghề mà tôi mong muốn. Đến năm 2006, tôi tốt nghiệp loại giỏi và được phân công công tác tại Đội CSĐT tội phạm về TTXH - Công an quận Hoàn Kiếm. Lúc này tôi mới thực sự đem lý luận vào với thực tế và sự vất vả hiểm nguy luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu như sơ xuất hoặc vi phạm nguyên tắc; qua đó tôi học được nhiều điều từ đồng đội, các bậc đàn anh đi trước, không ngừng tu dưỡng rèn luyện bản thân, nên tôi đã trưởng thành trong quá trình tham gia khám phá nhiều vụ án hình sự...

Bạn Hoàng Lâm, Hoanglam96@gmail.com hỏi:

Chào anh Ngọc Trân, hiện em đang là sinh viên khoa công nghệ thông tin, em đang rất phân vân ở việc chọn chuyên ngành. Em thấy có lĩnh vực an ninh mạng trong các chuyên ngành của công nghệ thông tin, tuy nhiên, hiện em còn đang rất lơ mơ về lĩnh vực này. Anh có thể nói rõ một cách khái quát nhất về An ninh mạng?

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 20
Nói một cách chung nhất, an ninh mạng là sự bảo đảm để hệ thống mạng thông tin của một tổ chức, quốc gia hoạt động bình thường, ổn định; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và bảo vệ an toàn cho hệ thống mạng thông tin đó trước các đợt tấn công phá hoại; phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa kịp thời và xử lý trước pháp luật đối với việc sử dụng hệ thống mạng thông tin thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bạn Minh Huy, Xuanminhhuypt@gmail.com hỏi:

Thưa đại úy Trần Xuân Hải, biết rằng công việc của anh hằng ngày đối mặt với khó khăn và nguy hiểm nhưng ngoài chiến công, có niềm vui nào để anh không thấy nản, chán nghề không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Yêu và đam mê với nghề khiến tôi luôn phải suy nghĩ mỗi khi có vụ án xảy ra. Mỗi vụ án là những trăn trở, day dứt không thể nào quên, nhưng khi khám phá, làm rõ vụ án, những lúc ấy mọi mệt mỏi của tôi và đồng đội đều tan biến. Bên cạnh đó, tôi luôn nhận được sự quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng của Ban giám đốc CATP, Ban chỉ huy CA Quận, các cấp chỉ huy nơi tôi công tác, đã tạo điều kiện tốt nhất để tôi rèn luyện, phấn đấu. Trong quá trình công tác và trong cuộc sống của mình, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên sẻ chia, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội. Hơn nữa, tôi luôn có sự ủng hộ của gia đình và người thân bên cạnh.

Bạn Phương Chi, chiphuong@gmail.com hỏi:

Xin hỏi em Linh Chi, dự định đi du học của em đến giờ đã sắp thành sự thật chưa? Em có thể chia sẻ thêm thông tin với độc giả về việc du học của mình không (em học ở nước nào, trong bao nhiêu lâu...)?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 23 Đỗ Hoàng Linh Chi 
Em đang đăng ký vào học bổng Đề án 599 - học bổng dành cho các sinh viên đoạt giải quốc tế của Cục Hợp tác và Quốc tế Bộ Giáo dục và Đào tạo. Em đăng ký trường ở Canada và nếu có cơ hội học ở đó thì em sẽ học trong vòng 3 - 4 năm. Em hi vọng sẽ được sang bên đó học tập để sau này khi quay về nước, em có thể góp sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển Việt Nam. Em mong lĩnh vực âm nhạc này sẽ đến gần hơn với công chúng trong tương lai.

Bạn Lê Hùng, Hunglv@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi anh Nhiệm: Anh có nhận xét gì với ý kiến: “Nghiên cứu khoa học ở Việt Nam còn non kém, chưa có chỗ đứng trong làng khoa học thế giới”?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Mặc dù kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam khá thấp so với các nước phát triển, nhưng mình cho rằng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh, bằng chứng là: số lượng và chất lượng của các nghiên cứu, công bố quốc tế tăng rất mạnh hàng năm. Rất vui mừng chia sẻ cho bạn biết: với sự nỗ lực của ban lãnh đạo Viện hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Việt Nam đã có tạp chí đầu tiên là: "Advances in Natural Sciences: Nanoscience and Nanotechnology" được Thomson Reuters đưa vào cơ sở dữ liệu Science Citation Index Expanded (SCIE). Đây là một niềm vui và sự vinh dự rất lớn của cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có Giáo sư Ngô Bảo Châu - người đã nhận được giải thưởng Fields năm 2010.

Ở Viện Hóa sinh biển, theo tổng kết năm 2015, chúng tôi công bố được 60 bài báo quốc tế đạt chuẩn SCI/SCIE. Trung bình là khoảng 1,3 bài/cán bộ nghiên cứu. Mà để đăng được một bài báo như vậy cần ý tưởng, thời gian nghiên cứu và các trang thiết bị, cũng như nỗ lực triển khai ngày đêm các ý tưởng này. Đây là thành tựu của sự nỗ lực rất lớn của ban lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu trong Viện.  

Qua đó chứng tỏ, nền khoa học Việt Nam đang dần có vị thế ngày càng cao trong làng khoa học thế giới. 

Bạn Xuân Bách, xuanbachcongnghiep@gmail.com hỏi:

Anh Xuân Nhiệm có nhận xét gì về tài nguyên biển Việt Nam trong phục vụ nghiên cứu khoa học?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Việt Nam có gần 3.300km đường bờ biển, diện tích biển lớn gấp 3 lần diện tích đất liền. Nguồn tài nguyên vi sinh vật biển rất phong phú. Phần nhiều là chưa được nghiên cứu (trong khi ở nước ngoài, họ đã nghiên cứu mạnh mẽ về vi sinh vật biển từ những năm 1950).

Các nghiên cứu về biển ở nước ta hiện gặp rất nhiều khó khăn như: chưa có tàu chuyên dụng phục vụ nghiên cứu, chi phí để thực hiện một chuyến thực địa quá lớn... Thế nên còn rất nhiều các vi sinh vật biển chưa được nghiên cứu. 

Thế kỉ 21 được coi là Thế kỷ của Đại dương. Vì thế, rất cần có sự đầu tư về chiều sâu cho công tác nghiên cứu vi sinh vật biển, phục vụ cho việc phát triển đất nước. 

Bạn Ngọc Phan, Ngocphan@gmail.com hỏi:

Chào anh Trân, hiện nay ở Việt Nam có trường nào, tổ chức nào đào tạo chuyên nghiệp, bài bản về lĩnh vực An ninh mạng không ạ?

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân

Những trung tâm đào tạo về lĩnh vực an ninh mạng tại Việt Nam hiện nay tương đối nhiều như vừa qua, tôi biết được thông tin tại Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (Viện CSO) có một nhân sự là người đầu tiên của Việt Nam (và là người thứ 91 trên thế giới) đã đạt được chứng chỉ an ninh mạng GMON uy tín tại Học viện SANS của Mỹ. Theo quan điểm cá nhân, viện này sẽ là một trong những cầu nối quan trọng để đưa những kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng thế giới đến với Việt Nam.

Bạn Thu Trang, trangthunguyen@gmail.com hỏi:

Bản thân Linh Chi thần tượng ai nhất? Em thích nhất các tác phẩm của nhà soạn nhạc nào?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Em thần tượng nhất NSND Đặng Thái Sơn và có thể nói, em may mắn khi mỗi lần bác về nước, nếu có thời gian thì em lại được học masterclass với bác. Em được bác chỉ bảo rất nhiều kinh nghiệm về biểu diễn, cho gợi ý về cách tập.... Bác luôn là tấm gương lớn mà em noi theo. 

Còn với các tác phẩm của nhà soạn nhạc mà em yêu thích nhất là Chopin bởi em thấy âm nhạc của ông rất tinh tế, gần gũi với em.

Bạn Vũ Anh Dũng, Vuanhdung@gmail.com hỏi:

Đại úy Trần Xuân Hải: Anh có thể chia sẻ về “hậu phương” của mình không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Tôi đã xây dựng gia đình và có hai cháu, vợ tôi công tác trong ngành y. Có lúc cả hai vợ chồng đều đi trực, có những đợt đánh án tôi phải đi 2 đến 3 ngày... nhiều lúc vợ tôi cũng có những lo lắng nhưng tôi đã động viên để vợ tôi yên tâm. Biết rằng ngành nghề của mình vất vả và nguy hiểm nhưng trong tôi luôn có đủ đam mê và bản lĩnh - một tố chất của cảnh sát hình sự, luôn yêu ngành, yêu nghề mà mình đã lựa chọn nên tôi luôn cố gắng vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.

Bạn Quang Huy, Nguyenquanghuy79@gmail.com hỏi:

Có một quan niệm cho rằng, người dùng internet có thể theo dõi các vấn đề của thế giới điều đó đồng nghĩa với việc thế giới có thể theo dõi lại người sử dụng internet, quan điểm của anh Trân với nhận định trên như thế nào?

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 30 Đại úy Ngô Ngọc Trân
Không gian mạng đang ngày càng phức tạp với sự xuất hiện của nhiều loại virus máy tính, phần mềm độc hại gây nguy hiểm cho máy tính của người sử dụng, thậm chí có thể kiểm soát các hành vi của người sử dụng trên máy tính đó hoặc chiếm đoạt các tài liệu được lưu trữ tại đây. Do vậy, người sử dụng máy tính kết nối mạng internet cần phải rất cẩn trọng trong việc truy cập vào các website, mở file đính kèm, cài đặt các phần mềm lạ. Đồng thời phải cài đặt phần mềm bảo vệ máy tính từ các hãng uy tín và có bản quyền.

Bạn Hải Hà, nguyenhaiha1298@yahoo.com hỏi:

Cháu Linh Chi có thường nghe nhạc trẻ không? Việc nghe nhiều nhạc trẻ theo cháu có ảnh hưởng đến thẩm mĩ của những người trẻ không?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Với chuyên ngành của mình, cháu thường nghe nhạc cổ điển và hầu hết thời gian là cháu dành cho loại nhạc này nên cháu hiếm khi tiếp cận các loại nhạc khác.

Bạn Lâm Ngọc, maingoclamttpt@gmail.com hỏi:

Anh Hải có cảnh báo gì về lối sống buông thả của một số người trẻ hiện nay?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Đối với giới trẻ hiện nay, tôi muốn khuyên như một người anh đi trước nói với các em. Các em chính là những chủ nhân tương lai của đất nước. Lối sống buông thả chỉ làm mờ đi tương lai. Chính vì vậy, hơn ai hết chính các em biết và hiểu được mình cần làm gì. Học tập và rèn luyện chính là bước đệm quan trọng nhất mà các em cần thực hiện.

Bạn Hà Thành, hathanhhvbc@yahoo.com.vn hỏi:

Xin hỏi Linh Chi, đã bao giờ em gặp phải khó khăn đến mức muốn từ bỏ ước mơ piano? Bố mẹ Linh Chi đã làm gì để động viên em những lúc khó khăn?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Khó khăn thì nhiều nhưng từ bỏ ước mơ thì chưa bao giờ. Vì trong gia đình của em không có ai theo nghệ thuật, chính vì vậy, khi gặp những trắc trở về kỹ thuật hay về cách thể hiện câu nhạc đúng như mình mong muốn, em đã phải bỏ thời gian nhiều hơn những bạn có bố mẹ ở trong ngành. Nhưng em nghĩ đó cũng chính là niềm vui trong con đường mà em đang chọn vì khi em làm được, đó cũng là những thành quả cho sự nỗ lực của mình. 

Những lúc gặp khó khăn như thế, như bao nhiêu bố mẹ khác, bố mẹ em cũng sẽ động viên con nhưng sau đó sẽ để cho em một khoảng thời gian để em tự giải quyết vấn đề mà em gặp phải. Ngoài ra, cũng có khi cả gia đình cùng nhau đi xem phim, ăn uống để giải tỏa một phần nào đó căng thẳng.

Bạn Bảo Ngọc, lina@canifa.com hỏi:

Trong quá trình công tác, anh Trân gặp những khó khăn gì?

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân

Một trong những khó khăn phổ biến đối với những người hoạt động trong lĩnh vực an ninh mạng là hệ thống đào tạo huấn luyện chuyên sâu về an ninh mạng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, chưa có những cơ sở, trung tâm đào tạo thực sự đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn công tác, do vậy những người hoạt động trong lĩnh vực này phần lớn đều phải chủ động tự học hỏi, chủ động tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện từ các nước tiên tiến.

Ở góc độ cá nhân, tôi mong muốn trong thời gian tới Việt Nam sẽ có những trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về lĩnh vực này để tạo ra đội ngũ nhân sự đủ về kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác.

Bạn Oanh, tuoanhk10504@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi anh Nhiệm: Được biết anh từng là nghiên cứu sinh tại trường Đại học Yonsei. Với anh thì môi trường học tập và nghiên cứu ở Hàn Quốc có khác Việt Nam? Thời gian đó có giúp ích nhiều cho các nghiên cứu của anh không?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 36 TS Nguyễn Xuân Nhiệm, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu cấu trúc, Viện Hóa sinh biển, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Môi trường khác biệt rất là rõ nét. Thứ nhất, các giáo sư đa phần là đã có nhiều năm nghiên cứu ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Đức… Vì thế, họ là từ điển sống về các lĩnh vực chuyên môn. Và các giáo sư này làm việc rất “khủng”. Thường thì họ làm việc từ 9h sáng đến tận 11, 12h đêm. Các yêu cầu đòi hỏi họ phải nỗ lực tối đa.

Thứ hai, ở đây có nhiều máy móc hiện đại, việc tiếp cận và tra cứu tài liệu tham khảo cũng rất dễ dàng.

Thứ ba, không gian và thời gian không hạn chế, mình có thể làm việc bất cứ thời gian nào và thỏa sức thể hiện đam mê nghiên cứu.

Thứ tư, mức độ cạnh tranh rất mạnh buộc các nhóm nghiên cứu phải dành tất cả nguồn lực để thực hiện ý tưởng nghiên cứu.

Tất cả những điều trên theo năm tháng đã dần ngấm vào cá nhân tôi và phần nào đó, tôi cũng đã mang trong mình một thái độ làm việc giống họ.

Bạn Ngọc Quang, Trungquangngoc@yahoo.com hỏi:

Đại úy Trần Xuân Hải: Nói thêm về chiến công “phá tụ điểm ăn chơi ở quán bar Top 9”, anh có suy nghĩ như thế nào về lối sống của một số người trẻ hiện nay? Anh có nghĩ họ đang thiếu kĩ năng sống không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Giới trẻ hiện nay một bộ phận thì sống rất năng động, cần cù sáng tạo, luôn luôn biết tự mình phấn đấu, vươn lên trong học tập cũng như cuộc sống. Tuy nhiên, một số bộ phận không nhỏ lại lười nhác, đua đòi, thụ động, thích hưởng thụ hơn làm việc.

Theo cá nhân mình nghĩ giới trẻ hiện nay không thiếu kỹ năng. Thậm chí, họ còn rất thông minh, tiếp cận vấn đề rất nhanh, ứng xử cũng rất khéo léo. Tuy nhiên tại sao nhiều người vẫn nghĩ họ thiếu kỹ năng sống. Thứ nhất, hiện nay, các bậc phụ huynh quá bận rộn nên thiếu quan tâm đến các em, thậm chí nhiều cha mẹ còn yêu cầu các em sống theo ý mình khiến các em cảm thấy bức bối và bị gò ép. Thứ hai, vì nhiều nguyên nhân mà các em bị bạn bè rủ rê, gặp chuyện không hay trong cuộc sống khiến cho giới trẻ - vốn đang trong quá trình hình thành nhân cách dễ bị sa vào lối sống lệch lạc và méo mó. Chính vì vậy, trước hết, gia đình, nhà trường, xã hội cần có sự quan tâm hơn nữa đến các em, giúp các em có chỗ dựa vững vàng cũng như đúng đắn hơn trong cuộc sống. 

Bạn Mộc Trà, nhocxinhxinh@yahoo.com.vn hỏi:

Theo anh Hải, người chiến sĩ công an cần kĩ năng gì để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn cho bản thân?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 39 Đại uý Trần Xuân Hải
Gần chục năm sát cánh cùng đồng đội, hoạt động ở mảng điều tra, kỹ năng cần để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân chính là luôn phải nghiên cứu, học hỏi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và những kinh nghiệm của các đồng chí đi trước, các đồng chí có kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đặc biệt, qua các buổi giao ban hằng tháng, hằng quý do CATP tổ chức, được đồng chí Giám đốc quán triệt, rút kinh nghiệm cụ thể từng vụ xảy ra, nhất là các mặt hạn chế, các sơ hở thiếu sót, cách xử lý tình huống trong từng công việc, công tác vận động đối tượng ra đầu thú đến công tác dân vận, phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống tội phạm...

Với bản thân tôi, đây vừa là ý kiến chỉ đạo vừa là kỹ năng cũng như kinh nghiệm quý báu mà tôi luôn ghi nhớ và vận dụng vào thực tế để vừa hoàn thành nhiệm vụ vừa đảm bảo an toàn cho bản thân.

Tôi cũng nghĩ rằng người chiến sĩ công an không phải lúc nào cũng cứng nhắc mà phải khôn khéo kết hợp mềm dẻo mà kiên quyết. 

Bạn Minh Hồng, minhxanh@yahoo.com hỏi:

Em từng nói muốn "kể được câu chuyện của mình bằng âm nhạc". Vậy có bao giờ em muốn trở thành một người sáng tác nhạc không, Linh Chi?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Những lúc rảnh rỗi em cũng hay tự sáng tác cho mình nghe nhưng trở thành một người sáng tác nhạc chưa phải con đường mà em đang hướng tới. Niềm đam mê từ nhỏ của em là trở thành một nghệ sỹ biểu diễn piano và đây vẫn là con đường chính mà em muốn thực hiện trong tương lai. 

Bạn Diệu Linh, leanhdieulinh@gmail.com hỏi:

Anh Hải có thể chia sẻ thêm về vụ bắt giữ hai đối tượng giả danh công an lừa đảo một giáo viên về hưu vào năm 2014. Được biết, khi đó anh nhận tin báo án vào lúc 2 giờ sáng (ngày 11/7/2014).

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Khi nhận được tin từ người trình báo, bản thân tôi suy nghĩ và băn khoăn rằng đây là thủ đoạn không mới nhưng làm sao có thể nhanh chóng báo ngay cho ngân hàng để họ phong tỏa tài khoản vì bấy giờ đã là nửa đêm. Đây là một khoản tiền tiết kiệm sau bao nhiêu năm của bà giáo. Với một giáo viên thì đó là một số tiền lớn. Sau khi làm xong mọi thủ tục tôi đã động viên để bà yên tâm về nghỉ.

Bạn Xuân Hiểu, Nguyenxuanhieu88@gmail.com hỏi:

Chào anh Ngọc Trân, hiện nay việc sử dụng smartphone, internet, máy tính bảng đều được tích hợp vào một tài khoản cá nhân. Với phương thức như vậy, nguy cơ về việc mất an toàn thông tin cá nhân có xảy ra hay không? Ví dụ trong điện thoại mình lưu password, tài khoản ngân hàng,…

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 43
Đại úy Ngô Ngọc Trân, Phó trưởng phòng 4, Cục An ninh mạng, Bộ Công an.
Nguy cơ về việc mất an toàn thông tin cá nhân trên smartphone, máy tính bảng hoàn toàn có khả năng xảy ra khi các thiết bị này bị lây nhiễm các phần mềm độc hại. Do vậy khi sử dụng các thiết bị này, người dùng nên tuyệt đối cẩn thận trong việc truy cập các website hoặc mở file đính kèm trong thư điện tử, đồng thời nên cài đặt các phần mềm bảo vệ cho các thiết bị này.

Bạn Dũng, quocdungA@gmail.com hỏi:

Cho em hỏi anh Nguyễn Xuân Nhiệm: Theo anh, khó khăn nhất của việc nghiên cứu khoa học là gì? Người làm công việc nghiên cứu có gặp khó khăn hơn những ngành nghề khác không?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 45 TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
Việc nghiên cứu khoa học giống như là vận hành một bộ máy gồm nhiều bộ phận. Để vận hành trơn tru thì không thể thiếu một bộ phận nào. Mình cho rằng việc nghiên cứu khoa học có rất nhiều khó khăn như: trang thiết bị nghiên cứu, môi trường nghiên cứu và cơ hội gặp những giáo sư đầu ngành để trao đổi, thảo luận, đặc biệt là phải giành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu. 

Người làm công việc nghiên cứu có gì khó khăn hơn các nghề khác? Mình cho rằng nghề nào cũng có khó khăn đặc thù và mình phải xác định, vượt qua. Mấu chốt vấn đề là phải khắc phục và hóa giải các khó khăn như là: nếu thiếu trang thiết bị thì phải đề xuất với ban lãnh đạo, thiếu tài liệu thì phải cố gắng, kiên trì bằng tất cả khả năng của mình như là nhờ các đồng nghiệp ở nước ngoài tìm tài liệu giúp...v...v...

Bạn Bảo Anh, phongcamkttp@gmail.com hỏi:

Thưa TS. Trần Xuân Nhiệm, nếu anh được đề cử là một trong 10 người đoạt giải thưởng, anh sẽ làm gì để xứng đáng với sự tôn vinh đó, cũng như hành động ra sao để công việc của mình lan tỏa trong giới trẻ?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Các gương mặt trẻ được đề cử đều là những công dân trẻ tài năng đang cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của đất nước. Mình cho rằng bất kì ai trong số 20 gương mặt trẻ này đều rất xứng đáng. Bản thân 20 gương mặt này đã và đang có sức ảnh hưởng, lan tỏa rất tích cực đến giới trẻ. 

Cá nhân mình cho rằng phải làm việc trách nhiệm, tròn vai và phải phấn đấu làm hết sức, tốt nhất các công việc mình đang làm; phải luôn giữ và lan truyền ngọn lửa đam mê; khích lệ, tạo điều kiện tốt nhất cho các bạn trẻ bước vào con đường nghiên cứu khoa học; thường xuyên trao đổi với các bạn trẻ để nắm bắt những khó khăn và hóa giải các khó khăn đó giúp các bạn thêm tự tin, vững bước trong công việc nghiên cứu khoa học.

Bạn Duy Nghĩa, pokemon225@gmail.com hỏi:

Đối với một người chơi đàn, việc bảo vệ đôi tay của mình là vô cùng quan trọng. Vậy em làm thế nào để vừa bảo vệ bàn tay của mình, vừa có thể giúp đỡ bố mẹ những công việc nhà?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Em nghĩ công việc nhà là việc đơn thuần mà mọi người đều làm, đều biết. Đối với em kỹ năng sống cũng quan trọng như kỹ năng chơi nhạc bởi vì theo quan niệm của em, âm nhạc phải gắn với thực tế, với đời sống của mình. Nếu thiếu cái đó thì âm nhạc của mình sẽ không chân thật.

Có thể nói, em không có nhiều thời gian như mọi người vì còn phải luyện tập, đi học nhưng những lúc có thời gian rảnh, công việc mà em thích nhất chính là giúp bố mẹ những công việc nhà. Tất nhiên, việc bảo vệ đôi tay là vô cùng quan trọng với người chơi nhạc nhưng em không nghĩ những công việc nhà lại ảnh hưởng tới đôi tay. 

Bạn Bảo Phong, Lebaophongsvnn@gmail.com hỏi:

Đại úy Trần Xuân Hải : Có vụ án hay đối tượng, tội phạm nào khiến anh không thể quên không?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 49 Đại úy Trần Xuân Hải,Trưởng công an phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Có một vụ án khiến tôi không thể quên đó là 2 giờ sáng 11/7/2014, trong ca trực, tôi nhận được đơn trình báo của một giáo viên nghỉ hưu hiện đang ở một mình về việc bị các đối tượng gọi điện giả danh công an yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để bọn chúng kiểm tra xem có phải nguồn tiền bất hợp pháp không, sau đó bà đã chuyển 500 triệu vào tài khoản bọn chúng chỉ định.

Cả đêm hôm đó tôi chỉ chờ trời sáng để đưa người trình báo đến ngân hàng để phong tỏa tài sản. Đến 6 giờ sáng, tôi và đồng đội của mình đã cùng bà có mặt ở cửa ngân hàng để chờ lúc họ mở cửa, kịp thời chặn tài khoản của bà. Lúc kiểm tra tài khoản các đối tượng chỉ kịp rút 172 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tôi đã trực tiếp cùng tổ công tác bắt giữ hai đối tượng là người trực tiếp rút tiền ở bến xe Miền Đông, TP. HCM và làm rõ các đối tượng có liên quan.

Bạn Nguyễn Văn Thái, Nguyenvanthai@gmail.com hỏi:

Anh Trân ơi, một số bạn nói với em rằng, trong lĩnh vực an ninh mạng, thứ nhất là phải có tiếng Anh, thậm chí tiếng Anh quyết định sự thành công rồi sau đó mới học tất cả những thứ có liên quan khác. Em đang khá hoang mang, điều này có đúng không ạ?

Đại úy Ngô Ngọc Trân
Đại úy Ngô Ngọc Trân

An ninh mạng là một lĩnh vực mới, các tài liệu phục vụ nâng cao kiến thức chủ yếu là tiếng Anh. Thế nên nếu không biết tiếng Anh thì việc tiếp cận các tài liệu gặp nhiều khó khăn. Để phát triển trong lĩnh vực an ninh mạng cần phải cập nhật thông tin liên tục, trong đó nguồn thông tin tiếng Anh rất quan trọng. Ngoài đọc tài liệu cần phải tham gia các hội thảo nước ngoài nên thiếu tiếng Anh sẽ cản trở quá trình tiếp cận và phát triển bản thân.

Bạn Thành Long, thanhlong.ot@gmail.com hỏi:

Anh được biết Linh Chi sống khá khép kín. Đã bao giờ em nghĩ mình cần mở lòng để trải nghiệm thế giới nhiều hơn chưa? Ví dụ như đi du lịch bụi, đến những vùng đất mới, gặp những người mới...?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi

Theo em, mỗi người có một cách để trải nghiệm thế giới riêng. Không phải những người năng động mới có nhiều trải nghiệm. Bản thân em cũng có nhiều trải nghiệm thực tế khi mỗi năm được tham dự các cuộc thi quốc tế, biểu diễn ở nước ngoài, qua đó, em được giao lưu với nhiều người có cùng đam mê với mình, được thăm thú các nơi. Em nghĩ đó là những trải nghiệm của em.

Bạn Xuân Tình, Nguyenxuantinh@gmail.com hỏi:

Cảm xúc của anh Hải khi là một trong những đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015?

 Đại úy Trần Xuân Hải
Đại úy Trần Xuân Hải

Điều đầu tiên, khi biết tin được chọn là một trong những người được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, tôi hết sức bất ngờ. Vì tôi nghĩ những gì tôi đã làm không những là trách nhiệm của bản thân mà còn là niềm đam mê với công việc. Bên cạnh đó, tôi cảm thấy tự hào khi đại diện cho Công an Thủ đô được đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015.

Bạn thảo, thaophuong@gmail.com hỏi:

Em muốn hỏi cơ duyên nào đưa anh đến với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, thay vì lựa chọn những ngành nghề hot như kinh tế, tài chính?

TS. Nguyễn Xuân Nhiệm
TS. Nguyễn Xuân Nhiệm

Thứ nhất, cơ duyên đưa tôi đến đam mê nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ nội tại đam mê của bản thân. Thứ hai, ngoài đam mê nghiên cứu khoa học thì điều kiện là mình có cơ hội tham gia vào một nhóm nghiên cứu giỏi, mạnh. Đây là một mảnh đất màu mỡ để mình phát triển. Ở đây hội tụ các nhà nghiên cứu đam mê và tài năng. Trên cơ sở này, mình sẽ học và được tiếp cận các kiến thức của nhóm nghiên cứu mạnh, cụ thể là người đứng đầu của nhóm nghiên cứu. Mình phải hết sức phấn đấu và học hỏi và lĩnh hội được tất cả những ý tưởng. 

Tiếp theo, vai trò của thiết bị cũng rất là quan trọng để thực hiện ước muốn nghiên cứu của mình. Thời gian nghiên cứu có thể sẽ ngắn hơn, kết quả đạt được có độ tin cậy lớn hơn và đặc biệt là các ý tưởng được thực thi dễ dàng hơn. 

Về việc tại sao mình không chọn những nghề hot, mình cho rằng mọi sự so sánh phải cùng nằm trên một hệ quy chiếu. Và ở đây, mình đam mê việc nghiên cứu, không quá quan trọng về thu nhập.

Bạn Linh Phạm, phamlinhK30@gmail.com hỏi:

Đã bao giờ Linh Chi cảm thấy mất cảm hứng với cây đàn piano chưa? Những khi cảm thấy mệt mỏi, em thường làm thế nào để lấy lại cảm hứng tập luyện?

Đỗ Hoàng Linh Chi
Đỗ Hoàng Linh Chi
Giao lưu trực tuyến: Tỏa sáng và cống hiến ảnh 55 Đỗ Hoàng Linh Chi, Sinh viên Học viện âm nhạc quốc gia Việt Nam
Em gặp khá nhiều khó khăn khi bắt đầu chơi piano nhưng chưa bao giờ em cảm thấy mệt mỏi hay mất hứng Bởi lẽ, piano là niềm đam mê của em. Những lúc mệt mỏi em được mẹ dẫn đi giải trí như xem phim. Cũng có khi em chỉ ở nhà không làm gì cả mà ngồi suy nghĩ lại những vấn đề mà mình gặp phải để tìm ra được hướng giải quyết. 
MỚI - NÓNG