Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
12/11/2019 10:11
Nhằm đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Y tế đang đề xuất mô hình đào tạo bác sĩ theo yêu cầu mới. Vậy xin ông cho biết cụ thể về mô hình này được triển khai tại trường ĐH Y Hà Nội như thế nào, cảm ơn ông.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Trường Đại học Y Hà Nội đã nắm được những chủ trương về đào tạo bác sĩ theo yêu cầu mới. Hiện nay nhà trường đang xây dựng chuẩn năng lực đào tạo cho các bác sĩ chuyên khoa sau đại học, đồng thời đổi mới chương trình đào tạo bác sĩ y khoa. Tuy nhiên để đáp ứng được bác sĩ theo yêu cầu mới phải có sự thay đổi thêm về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, tập huấn cho giảng viên theo chương trình mới.
12/11/2019 10:13
Nhà trường có kế hoạch bắt buộc học nội trú với tất cả sinh viên không ạ? Và có thông tin đến 2020 sẽ phổ cập nội trú và sinh viên trường ngoài sẽ không được thi nội trú của Y Hà Nội nữa. Em mong thầy cho em biết thêm về thông tin này ạ, em cảm ơn.
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Thông tin về phổ cập nội trú vào năm 2020 và sinh viên trường ngoài không được thi nội trú ĐH Y Hà Nội là không chính xác. Tuyển sinh và đào tạo bác sĩ nội trú năm 2020 chưa có sự thay đổi.
12/11/2019 10:20
Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất xây dựng chương trình đào tạo phù hợp cho từng loại hình cơ sở y tế (theo tuyến), đặc biệt là có khung đào tạo đặc thù cho y tế cơ sở sát với yêu cầu thực tế. Ông có thể chia sẻ cụ thể việc xây dựng chương trình đạo tạo này như thế nào không?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Hiện nay, thực hiện theo nghị quyết số 20- NQ/TW ngày 25/10/2017 của TW Đảng, quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
Bộ Y tế đã thông qua dự án HPET đã khảo sát, xác định nhu cầu, xây dựng và trình Bộ Y tế thẩm định ban hành 5 chương trình đào tạo về chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình dành cho Bác sĩ, Y sĩ, Điều dưỡng, Hộ sinh và cán bộ Dược công tác tại trạm y tế xã/ phường ( Quyết định 114/QĐ-K2ĐT ngày 31/8/2017).
Đến nay đã đào tạo tại 15 tỉnh dự án. Ngoài ra, rất nhiều chương trình dự án/ chương trình mục tiêu quốc gia cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng... Bên cạnh các khóa đạo tạo như trên, Bộ Y tế cũng khuyến khích các cơ sở y tế có đủ năng lực để tiếp nhận chuyển giao kĩ thuật từ các tuyến trên.
12/11/2019 10:25
12/11/2019 10:27
Theo chủ trương của Bộ Y tế lĩnh vực đào tạo sau Đại học người học phải lựa chọn 1 trong 2 hướng: Hướng thực hành (trở thành Bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ). Khi đã chọn hướng đi nào rồi thì nếu muốn chuyển hướng phải học lại. Câu hỏi đặt ra ở đây là, đối với Bác sĩ thì xem như đã rõ và dễ hiểu, nhưng còn các loại văn bằng chuyên ngành khác thì sao? Ví dụ, cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Y tế công cộng; Bác sĩ Y học dự phòng thì sẽ học sau đại học theo hướng nào? Có chia ra hướng "thực hành" và hướng "nghiên cứu" hay không?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Theo chủ trương của Bộ Y tế lĩnh vực đào tạo sau Đại học, người học phải lựa chọn 1 trong 2 hướng: Hướng thực hành (trở thành Bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ). Nếu muốn chuyển hướng thì đương nhiên phải học lại. Trường ĐH Y Hà Nội có nhiều giảng viên vừa tham gia công việc giảng dạy và nghiên cứu vừa là bác sĩ công tác tại bệnh viện đã và đang phải học cả 2 hướng trên. Đối với cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Y tế công cộng; Bác sĩ Y học dự phòng đều có thể học sau đại học theo 2 hướng nghiên cứu hoặc thực hành.
12/11/2019 10:30
Để xây dựng phát triển y tế tuyến cơ sở hướng tới chăm sóc sức khỏe nhân dân, Bộ Y tế đã có cơ chế chính sách đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo cán bộ y học cổ truyền, bổ sung kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Hiện nay việc bổ sung nguồn nhân lực này như thế nào?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Để hướng đến mục tiêu đến năm 2020 trạm y tế cung cấp dịch vụ khám, chữa bênh bằng Y học cổ truyền đạt 40% theo quyết định 2166-QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về việc Ban hành Kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển y, dược học cổ truyền Việt Nam đến năm 2020.
Hiện nay các cơ sở đào tạo vẫn đang tiến hành các khóa đào tạo về Y học cổ truyền như: đào tạo Bác sĩ Y học cổ truyền, đào tạo Y sĩ Y học cổ truyền, đào tạo ngắn hạn về Y học cổ truyền cho các đối tượng như: điều dưỡng, y sĩ đa khoa. Bên cạnh đó để bổ sung nguồn nhân lực cho y tế cơ sở thì Bộ Y tế có thông tư 18/2014/TTg-BYT về việc luân chuyển cán bộ.
12/11/2019 10:32
Theo ông, hiện nay vấn đề cần nhất của công tác đào tạo ngành Y là gì? Ông có gợi ý gì cho tuyến y tế cơ sở để các bệnh viện có thể tuyển được những bác sĩ chất lượng cao?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Các thông tin tuyển dụng nên đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông và trên website của các cơ sở đào tạo để các sinh viên mới tốt nghiệp biết và tham gia ứng tuyển.
Hiện ĐH Y Hà Nội có tổ chức Hội chợ việc làm, những buổi tiếp xúc giữa các nhà tuyển dụng và sinh viên, học viên sau đại học. Các cơ sở y tế có thể đăng ký tham gia và giới thiệu thông tin đến các bác sĩ mới ra trường, sinh viên và học viên sau đại học. Ngoài ra để thu hút bác sĩ chất lượng cao, tuyến y tế cơ sở cần cải thiện trang thiết bị, điều kiện làm việc, thu nhập,…
12/11/2019 10:35
Theo quy định thì không được học định hướng, bác sĩ đa khoa ra trường như chúng tôi sắp tới sẽ phải làm gì để được cấp chứng chỉ hành nghề, thưa PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Hiện tại ĐH Y Hà Nội có các khóa đào tạo chuyên khoa cơ bản với thời gian tối thiểu 6 tháng cung cấp các kiến thức cơ bản cho các bác sĩ mới tốt nghiệp.
Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức các khóa đào tạo liên tục (CME) với thời lượng khác nhau cập nhật, bổ sung kiến thức cho các bác sĩ đang hành nghề. Để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định, ngoài việc học thêm các kiến thức bạn cần có thời gian thực hành 18 tháng theo quy định của Bộ Y tế.
12/11/2019 10:40
Xin ông cho biết đề án đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn đã được thực hiện thế nào? Hiệu quả ra sao ạ?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Ngày 20/2/2013 Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Quyết định số 585/QĐ-TTg về việc phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa Bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)”.
Đến nay, dự án dã tuyển dụng để đào tạo được 354 bác sĩ trẻ đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 11 chuyên ngành tình nguyện, trong đó đã có 104 học viên tốt nghiệp bàn giao cho 48 huyện khó khăn thuộc 17 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục bàn giao số còn lại. Việc phân bổ các bác sĩ trẻ tình nguyện sau đào tạo về các huyện nghèo theo nhu cầu của địa phương do Sở Y tế tổng hợp đề xuất với Bộ Y tế.
12/11/2019 10:43
Việc đào tạo nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở rất tốt nhưng thực tế là các bác sĩ tuyến cơ sở thực sự kém về mặt ngoại ngữ. Trong khi đó nghề y thiếu ngoại ngữ sẽ khó đảm bảo chuyên môn tốt được. Bộ Y tế có các chính sách như thế nào về đào tạo ngoai ngữ cho y tế tuyến cơ sở không, thưa ông?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Trong quá trình học tại các sơ sở đào tạo các cán bộ y tế cũng đã được học và đã đạt được chuẩn đầu ra về ngoại ngữ theo ngành và trình độ đào tạo. Thực tế khi về công tác tại tuyến y tế co sở do gặp nhiều khó khăn cả về vật chất và thời gian nên hầu hết các cán bộ bị hạn chế về ngoại ngữ khi tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn.
Với thực trạng như trên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu để tham mưu đề xuất các giải pháp với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách phù hợp. Tuy nhiên, việc học ngoại ngữ cũng cần được rèn luyện, trau dồi thường xuyên do đó cá nhân cán bộ y tế nói chung và cán bộ công tác ở tuyến y tế cơ sở nói riêng cũng cần chủ động để nâng cao trình độ về ngoại ngữ bản thân đáp ứng được yêu cầu.
12/11/2019 10:52
Bộ Y tế chủ trương triển khai đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế theo hướng tiếp cận với các phương thức đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới. Vậy trường ĐH Y Hà Nội góp phần vào chủ trương đó như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Đại học Y Hà Nội đang triển khai đổi mới đào tạo nhân lực y tế trong : - Nâng cao năng lực của giảng viên qua các dự án nghiên cứu khoa học, dự án hợp tác quốc tế, - Đổi mới chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá năng lực của học viên. - Đổi mới về cơ sở hạ tầng, sách giáo khoa, đổi mới công nghệ thông tin để phục vụ trong đào tạo
12/11/2019 10:54
Hàng năm Bộ Y tế có dự án đưa bác sĩ trẻ về vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đây là những bác sĩ được tào tạo từ Trường ĐH Y Hà Nội. Xin ông cho biết những sinh viên này phải dạt tiêu chuẩn gì dể được lựa chọn, vì tôi biết sau khi hoàn thành nhiệm vụ họ sẽ được những ưu đãi khá tốt trong bối cảnh nhiều sinh viên ngành y ra trường rất khó tìm việc làm?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Trường Đại học Y Hà Nội đang tham gia dự án 585 của Bộ Y tế đưa các bác sĩ trẻ về vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Hiện Đại học Y Hà Nội đã hoàn thành đào tạo và bàn giao 77 bác sĩ, đang đào tạo 137 bác sĩ chuyên khoa I. Trong những khóa đầu tiên Bộ Y tế ưu tiên tuyển chọn các bác sĩ trẻ mới ra trường, tuy nhiên phương án tuyển chọn này có những nhược điểm là bác sĩ chỉ cống hiến từ 2-3 năm cho các cơ sở y tế vùng khó khăn, sau đó quay trở lại bệnh viện tuyến TW công tác. Những khóa gần đây Bộ Y tế đã tuyển chọn các bác sĩ đang công tác tại cơ sở y tế vùng sâu vùng xa về đào tạo. Những bác sĩ này sau khi đào tạo sẽ trở lại nơi công tác ban đầu và có thể cống hiến lâu dài cho y tế tuyến cơ sở vùng khó khăn.
12/11/2019 10:56
Quyết định mới nhất của Bộ Y Tế ngày 9/7/2019: Dừng lại và không được đào tạo định hướng tất cả các chuyên khoa. Xin ông cho biết, liệu tạm dừng như vậy thì bên BHYT có tạm dừng luôn việc bắt buộc phải học 6 tháng chuyên khoa mới được cấp thuốc chuyên khoa không? Những trường hợp đang học thì sau khi học xong bộ sẽ giải quyết như thế nào để công bằng?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Ngày 9/7/2019 Bộ Y tế có công văn số 3928?BYT-K2ĐT, gửi các đơn vị liên quan về việc không thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa. Văn bản này, chúng tôi dùng từ “không”, không dùng từ “dừng” thực hiện đào tạo định hướng chuyên khoa, vì từ trước đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền quy định về đào tạo định hướng chuyên khoa. Theo tôi, việc không đào tạo chuyên khoa định hướng không liên quan đến việc thanh toán Bảo hiểm y tế của các bác sĩ chuyên khoa vì các cơ sở đào tạo vẫn đang tiếp tục thực hiện các khóa đào tạo cấp chứng chỉ theo hướng dẫn tại công văn số 4921/BYT-K2ĐT, ngày 23/8/2019 của Bộ Y tế (Cơ sở đào tạo cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo ghi tên khóa đào tạo theo đúng tên chương trình đào tạo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thời gian đào tạo). Những trường hợp đang học thì sau khi học xong Bộ sẽ giải quyết như thế nào để công bằng: các trường hợp này học xong sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo theo hướng dẫn công văn số 4921/BYT-K2ĐT, ngày 23/8/2019 của Bộ Y tế.
12/11/2019 10:57
12/11/2019 10:59
Theo chủ trương của Bộ Y tế lĩnh vực đào tạo sau Đại học người học phải lựa chọn 1 trong 2 hướng: Hướng thực hành (trở thành Bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ). Khi đã chọn hướng đi nào rồi thì nếu muốn chuyển hướng phải học lại. Câu hỏi đặt ra ở đây là, đối với Bác sĩ thì xem như đã rõ và dễ hiểu, nhưng còn các loại văn bằng chuyên ngành khác thì sao? Ví dụ, cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Y tế công cộng; Bác sĩ Y học dự phòng thì sẽ học sau đại học theo hướng nào? Có chia ra hướng "thực hành" và hướng "nghiên cứu" hay không?
PGS. TS. Nguyễn Mạnh Hà Phó trưởng phòng quản lý đào tạo sau đại học - Đại học Y Hà Nội: Theo chủ trương của Bộ Y tế lĩnh vực đào tạo sau Đại học, người học phải lựa chọn 1 trong 2 hướng: Hướng thực hành (trở thành Bác sĩ chuyên khoa) và hướng nghiên cứu (trở thành Thạc sĩ, Tiến sĩ). Nếu muốn chuyển hướng thì đương nhiên phải học lại. Trường ĐH Y Hà Nội có nhiều giảng viên vừa tham gia công việc giảng dạy và nghiên cứu vừa là bác sĩ công tác tại bệnh viện đã và đang phải học cả 2 hướng trên. Đối với cử nhân Điều dưỡng; Cử nhân Y tế công cộng; Bác sĩ Y học dự phòng đều có thể học sau đại học theo 2 hướng nghiên cứu hoặc thực hành.
12/11/2019 11:09
Tình trạng thiếu bác sĩ và các nguồn lực chất lượng trầm trọng thể hiện rõ nhất tại vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện tuyến dưới và các trạm y tế tại địa phương. Theo ông, các địa phương nên làm gì trước khi trông chờ vào các dự án, chương trình đào tạo cụ thể của Bộ Y tế?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Theo quyết định 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 về phê duyệt đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới thì các địa phương có trách nhiệm thực hiện các đề án này. Do vậy đơn vị y tế địa phương cần chủ động hơn nữa để tham mưu cho các cấp lãnh đạo địa phương có kế hoạch cụ thể để đề xuất với cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ cho phù hợp....
12/11/2019 11:10
Hiện nay có một vài chương trình đào tạo nguồn nhân lực y tế từ xa (đào tạo trực tuyến). Ông đánh giá như thế nào về các chương trình này. Trong tương lai Việt Nam có nên ứng dụng nhiều hơn các mô hình đào tạo trực tuyến để tiết kiệm chi phí thời gian, đi lại cho nhân viên y tế mà vẫn có hiệu quả không?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BYT về hướng dẫn việc đào tạo liên tục cán bộ y tế. Thông tư này triển khai song song với các dự án nhằm giảm tải cho tuyến trên và tăng cwongf năng lực cho tuyến dưới như: dự án bệnh viện vệ tinh, dự án chuyển giao kỹ thuật, dự án y tế vùng trọng điểm, dự án tăng cường y tế tỉnh/ huyện...
Cán bộ y tế sẽ được tăng cường năng lực hành nghề thông qua các kháo đào tạo liên tục và đào tạo phát triển nghề nghiệp liên tục. Bộ Y tế khuyến khích các cơ sở liên tục xây dựng các khóa đào tạo trực tuyến với các nội dung chuyên môn phù hợp. Với các khóa đào tạo trực tuyến sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại cho học viên và đảm bảo rằng họ có thể tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, cập nhật với các kiến thức mới. Hiện nay đã có một số cơ sở đào tạo tổ chức thường xuyên các khóa học e-learning như: trường đại học Y Hà Nội, Y dược Hải Phòng, Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Y dược Hải Phòng,... Đối với ngành y năng lực thực hành nghề nghiệp là rất quan trọng. Do đó, bên cạnh đào tạo trực tuyến thì phải có đào tạo thực hành tại các cơ sở y tế.
12/11/2019 11:11
Để tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế dự án cơ sở, Bộ Y tế có cam kết hay đưa ra các chính sách trực tiếp với cơ sở giáo dục, cơ sở thực hành trong đào tạo để ưu tiến phát triển nhân lực y tế cơ sở không?
Ths. Hoàng Hoa Sơn- Phó Trưởng phòng Quản lý KHCN, Cục KHCN&ĐT- Bộ Y tế trả lời: BYT đã và đang thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực theo hướng đào tạo dựa trên năng lực, không phân biệt nguồn nhân lực chất lượng cao cho tuyến y tế cơ sở.
Xác định nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, những năm qua, ngành Y tế đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế.
Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Bên cạnh việc chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức, ngành Y tế cũng thường xuyên tổ chức các đợt chuyển giao khoa học kỹ thuật cho cán bộ tuyến dưới như: tăng cường bác sĩ về các cơ sở y tế tuyến dưới để chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn; mở các lớp tập huấn, hội thảo và mời các giáo sư, chuyên gia trong ngành về giảng dạy cho cán bộ y tế ở cơ sở...
Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực là một trong những mục tiêu quan trọng mà ngành y tế đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện, việc xây dựng mô hình đổi mới đào tạo y khoa tại Việt Nam được tổ chức theo hướng nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế với điểm thay đổi chính là phân định rõ 2 hướng đào tạo là hệ nghiên cứu do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý và hệ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế quản lý...
Để hiểu thêm về vấn đề này, Báo Tiền Phong phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Đổi mới đào tạo nhân lực ngành Y tế”. Tham gia chương trình có khách mời gồm PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà – Phó trưởng phòng Quản lý Đào tạo sau đại học (Trường ĐH Y Hà Nội) và Thạc sĩ Hoàng Hoa Sơn – Phó trưởng phòng KHCN (Cục KHCN&ĐT, Bộ Y tế).
Bạn đọc quan tâm xin mời gửi câu hỏi về địa chỉ: online@baotienphong.com.vn
Xin chân thành cảm ơn.