Trong chương trình này các chuyên gia sẽ tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường, bổ sung vi chất từ thực phẩm... Cùng với đó là các vấn đề về: Dinh dưỡng cải thiện sức khỏe, phòng các bệnh béo phì, dinh dưỡng giúp cải thiện chiều cao, thể lực cũng như giúp phòng các bệnh không lây như: béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp.
Chương trình bắt đầu diễn ra lúc 10 giờ ngày 29/10/2019 với sự tham dự của PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Ths. Bs. Nguyễn Thị Hải Yến - khoa Dinh dưỡng - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội. Mời bạn đọc quan tâm đến chương trình, xin vui lòng đặt câu hỏi tại đây.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
29/10/2019 10:15
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Hiện nay quy định về khẩu phần dinh dưỡng ở cấp mầm non được thực hiện theo chế độ dinh dưỡng của Bộ Giáo dục và Đào tạo (cụ thể thông tư 28/2016/TT BGDĐT và Quyết định 777/QĐ- BGDĐT), cấp tiểu học áp dụng theo bộ thực đơn chuẩn của dự án Bữa ăn học đường (www.buaanhocduong.com.vn) do BGD & ĐT và Viện dinh dưỡng cùng công ty Ajinomoto phối hợp thực hiện. Riêng cấp Trung học cơ sơ sở và Trung học phổ thông mặc dù chưa có quy định cụ thể, nhưng trong chiến lược quốc gia của Chính phủ đề nghị các đơn vị quan tâm chế độ dinh dưỡng cho học sinh.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 4128/2001/QĐ-BYT về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà ăn, bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh chế biến suất ăn sẵn. Do đó, bếp ăn tại trường học sẽ được các cán bộ y tế thuộc Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, trung tâm y tế các quận huyện quản lý giám sát và kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm định kì mỗi quý một lần.
29/10/2019 10:27
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Suy dinh dưỡng nhẹ cân là cân nặng thấp hơn so với tuổi. Nguyên nhân là do chế độ ăn chưa đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng.
Theo thống kê của Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng của Viện dinh dưỡng và Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho thấy trẻ bị thiếu cân thường do chế độ ăn chưa đáp ứng đủ chất béo. Vì vậy với những trẻ bị suy dinh dưỡng nhẹ cân thì bà mẹ cần chú ý bổ sung dầu mỡ khi nấu ăn cho trẻ để tăng thêm năng lượng cho bữa ăn.
Chất béo chiếm 30-40% tổng nhu cầu năng lượng ở trẻ 1-2 tuổi; chất béo chiếm khoảng 25-35% tổng nhu cầu năng lượng ở trẻ 3-5 tuổi và chất béo chiếm 20-30% tổng nhu cầu ở trẻ 6-19 tuổi. 1ml dầu hoặc 1g mỡ cung cấp 9klc. Dầu mỡ là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể của trẻ. Ngoài ra dầu mỡ còn hỗ trợ chuyển hóa các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K…
29/10/2019 10:31
Thưa bác sĩ, vì sao nên hạn chế các món ăn chế biến sẵn, đồ chiên rán? Hai con tôi đang học cấp 1 và cấp 2, có sức khỏe, cân nặng bình thường, dù đều có sở thích ăn pizza, gà rán KFC... và đồ uống ngọt. Như vậy, có cần lưu ý về chế độ ăn hay không?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội trả lời:
Các thực phẩm chế biến sẵn, chiên rán đều có năng lượng cao, chứa nhiều chất béo trans fat và thường chế biến quá mặn, trong khi đó chúng lại rất ít các chất dinh dưỡng, đặc biệt ít các vi chất cần thiết. Do đó, ăn các thực phẩm này làm tăng nguy cơ mắc thừa cân, béo phì và rối loạn chuyển hóa.
Tuy hiện tại cân nặng cháu vẫn đang ở mức bình thường, nhưng chế độ ăn này không tốt cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, tim mạch hoặc đái tháo đường trong tương lai. Vậy nên, cha mẹ nên có biện pháp để tập cho trẻ cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn và có lợi cho sức khỏe.
29/10/2019 10:35
Xin bác sỹ cho lời khuyên về lượng rau xanh, hoa quả nên ăn hàng ngày. Cam, bưởi và sinh tố bơ, xoài... nếu ăn hàng ngày có thể thay thế cho rau xanh được không?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, khẩu phần ăn rau xanh, hoa quả hàng ngày tối thiểu là 400gam. Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhu cầu khuyến nghị chất xơ cho người trưởng thành là 20 - 22g chất xơ/ngày. Do đó, lượng rau xanh, hoa quả nên ăn hàng ngày là khoảng 500 – 600 gam.
Ngoài chất xơ, các loại quả chín như cam, bưởi, bơ, xoài cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết nên có thể thay thế một phần rau xanh củ quả. Tuy nhiên, quả chín lại có nhiều đường ngọt không nên ăn quá nhiều. Khi ăn các loại quả thì nên ăn nguyên miếng, hạn chế ăn dạng nước quả hoặc sinh tố để cơ thể được nhận lượng chất xơ có lợi trong quả chín.
29/10/2019 10:39
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Theo kết quả điều tra năm 2015 cho thấy khoảng 64% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ bị thiếu kẽm. Tỉ lệ này ở phụ nữ mang thai là hơn 80%. Ở trẻ em dưới 5 tuổi, tỉ lệ thiếu kẽm trung bình là gần 70%, trong đó khu vực miền núi lên tới 80,8%, nông thôn: 71,6%; thành thị: 49,7%.
Kẽm tham gia vào hơn 200 loại enzym chuyển hóa trong cơ thể, ảnh hưởng toàn bộ quá trình phát triển chiều cao, trí tuệ của trẻ. Thiếu kẽm ở bà mẹ mang thai làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén. Còn với trẻ nhỏ thiếu kẽm cũng dẫn đến suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân, trẻ biếng ăn, rối loạn giấc ngủ, ngủ không yên giấc, hay giật mình.
Kẽm cần thiết cho cấu tạo thành phần và điều hòa hoạt động của hormone sinh dục nam testosterone và đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp, cấu trúc, bài tiết nhiều hormone khác.
Kẽm có vai trò thiết yếu cho sản sinh tinh trùng ở nam giới. Nam giới nếu thiếu kẽm sẽ dẫn tới suy giảm ham muốn và số lượng tinh trùng. Ngoài ra, kẽm cũng quan trọng đối với tuyến tiền liệt.
Thiếu kẽm có thể gây phì đại tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt, cùng những thay đổi khác ở tuyến sinh dục này. Cách tốt nhất là bổ sung kẽm từ thức ăn hàng ngày trong đó thực phẩm giàu kẽm là hải sản, cụ thể là sò, hàu, bào ngư.
Ngoài ra, kẽm cũng có trong các loại thịt gồm thịt bò, gà, heo, gan, trứng, sữa, cá và rau củ quả có màu vàng và xanh đậm… Trong trường hợp muốn bổ sung vi chất dinh dưỡng ở dạng chế phẩm thuốc cần có hướng dẫn của bác sĩ. Khi bổ sung quá liều kẽm có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, đau dạ dày, đau đầu. Nồng độ kẽm cao có thể làm giảm lượng sắt và đồng trong cơ thể cũng như ảnh hưởng đến các loại thuốc khác.
29/10/2019 10:41
Khi trẻ đã bị dư cân thì có nên cho uống sữa hay là ngưng uống, thưa bác sĩ?
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Theo khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam thì khi trẻ bị thừa cân béo phì thì nên sử dụng các sản phẩm sữa không đường và tách chất béo, khuyến nghị trẻ nên sử dụng 3 sản phẩm sữa 1 ngày đó là phomai, sữa chua và sữa dạng lỏng để cải thiện khẩu phần canxi.
Sữa và chế phẩm sữa không phải là những thực phẩm giàu năng lượng: 100ml sữa chỉ cũng cấp khoảng 70-80 kcal; 1 hộp sữa chua cung cấp 80-100kcal; 1 miếng phomai 15g cung cấp khoảng từ 50-80 kcal. Trong khi đó một cái bánh bao cung cấp 409 kcal, một cái bánh giò cung cấp 437 kcal, 1 bát xôi thịt cung cấp 712 kcal. Một cái bánh ngọt cung cấp 300-500 kcal. Một chai nước ngọt cung cấp 250-300 kcal. Đây là những thực phẩm giàu năng lượng mà nếu trẻ ăn thường xuyên sẽ tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
29/10/2019 10:45
Thưa bác sỹ, nên cho trẻ ăn chế độ dinh dưỡng để tăng chiều cao đến lứa tuổi nào hay nếu có điều kiện thì cứ cho trẻ ăn thoải mái?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Có 3 giai đoạn phát triển chiều cao quan trọng của mỗi người từ lúc sinh ra tới trưởng thành là: bào thai, 0-3 tuổi và độ tuổi dậy thì. Cho đến sau 18 tuổi, vẫn có thể cao thêm được vài cm, với điều kiện là còn dải sụn tiếp hợp ở đầu các xương cẳng chân. Khi các dải sụn này biến mất (vì đã bị canxi hóa thành xương) cơ thể sẽ không cao thêm được nữa.
Do đó, để trẻ phát triển chiều cao tối ưu thì bố mẹ luôn luôn nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng đồng thời tập thể dục thể thao hợp lý và ngủ đủ giấc; đặc biệt ở những giai đoạn vàng phát triển chiều cao.
29/10/2019 10:47
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Trên thị trường hiện nay, có rất nhiều thực phẩm chức năng được quảng cáo là các loại thuốc kích thích tăng chiều cao. Tuy nhiên, trong các loại thuốc này thành phần thường không rõ ràng, hàm lượng các chất thấp hơn nhiều so với nhu cầu khuyến nghị, có loại thuốc lại bổ sung hormon tăng trưởng không có lợi cho sức khỏe. Do đó, khi sử dụng các loại này bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám và tư vấn.
29/10/2019 10:49
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Để trẻ tăng trưởng chiều cao tối ưu, chế độ dinh dưỡng cần cung cấp đủ các chất như sau:
Về canxi: nhu cầu canxi thay đổi tùy lứa tuổi, khoảng 500-1000mg một ngày, vì vậy cần chú trọng lượng sữa cho trẻ mỗi ngày khoảng 500ml.
Nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu canxi là cua, ốc, tôm, tép, cá nguyên xương, đậu hũ… Chất đạm: Cung cấp đủ chất đạm và lysine (thịt, cá trứng, tôm, đậu hũ) từ 30-50g ở trẻ nhỏ và 60-90g ở trẻ lớn trong mỗi bữa ăn chính.
Vitamin D giúp hấp thu canxi tại ruột và tăng khả năng tái hấp thu canxi tại thận. Hơn nữa, vitamin D giúp tổng hợp chất protein chuyên chở canxi trong máu. Cơ thể nhận vitamin D một phần từ thức ăn (sữa, bơ, phomai, trứng, gan, tôm, dầu gan cá thu…) và tiền chất vitamin D nằm dưới da. Tiếp xúc ánh nắng trực tiếp sẽ giúp da tổng hợp vitamin D với thời gian khoảng 15- 20 phút mỗi ngày, cường độ ánh nắng nhẹ.
Vitamin A đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Thức ăn nhiều Vitamin A là sữa, trứng, cá, gan, thịt… Các loại rau lá xanh đậm, củ quả màu vàng cam (bí đỏ, cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín…) chứa nhiều tiền chất vitamin A sẽ chuyển thành vitamin A trong cơ thể. Chế độ ăn của trẻ cần có chất béo để giúp hấp thu vitamin A. Đối với trẻ 6-36 tháng tuổi cần bổ sung vitamin A liều cao 6 tháng 1 lần.
Khi trẻ suy dinh dưỡng, sau sởi, sau tiêu chảy nặng kéo dài cũng cần bổ sung vitamin A liều cao… Sắt là nguyên liệu để tạo máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt, gây chậm tăng trưởng… Thức ăn nhiều sắt là gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu đỗ, rau xanh, thực phẩm bổ sung sắt. Có thể tăng hấp thu sắt bằng tăng cường rau củ, trái cây giàu vitamin C trong bữa ăn.
Tình trạng nhiễm giun sán gây ra thiếu máu do thiếu sắt là một nguyên nhân quan trọng ở nước ta, vì vậy trẻ em trên 2 tuổi (cũng như người lớn) nên tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm. Kẽm rất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, đồng hóa protein, giúp phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Thức ăn nhiều kẽm là hàu, sò, gan, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành… I-ốt là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên hoạt động của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Sử dụng muối i-ốt hàng ngày trong ăn uống sẽ phòng ngừa được thiếu i-ốt.
29/10/2019 11:04
Có thể cho trẻ dùng nhiều sữa hơn trong khẩu phần ăn để phát triển chiều cao hay không? Có phải chỉ cần dùng canxi là đủ để con phát triển chiều cao hơn không, thưa bác sỹ?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Sữa và các thực phẩm từ sữa là nguồn cung cấp canxi và protein rất tốt. Do sữa có hàm lượng calci cao và dễ hấp thu. Mỗi ngày nên cho trẻ uống 400-500 ml sữa để cung cấp đủ canxi cho cơ thể, hỗ trợ phát triển chiều cao. Tuy nhiên, không nên lạm dụng uống sữa quá nhiều. Vì khi trẻ uống sữa quá nhiều sẽ dẫn đến trẻ ăn ít hơn các loại thực phẩm khác, không ăn đủ lượng protein, giảm hấp thu các vi chất khác đặc biệt là sắt và kẽm.
Đúng là canxi là khoáng chất trực tiếp tham gia cấu tạo nên xương, bổ sung canxi đầy đủ giúp xương chắc khoẻ, dẻo dai và nhanh dài, từ đó hỗ trợ phát triển chiều cao của trẻ. Một số sản phẩm trên thị trường hiện nay cũng có thành phần canxi cao thích hợp để bổ sung cho trẻ trong trường hợp khẩu phần ăn không đáp ứng đủ lượng canxi cần thiết.
Tuy nhiên, bổ sung canxi đơn thuần không đủ để phát triển chiều cao. Thậm chí có trường hợp bổ sung không đúng cách còn gây tác hại không tốt đối với sức khỏe của trẻ, thậm chí còn tác động ngược lại, bởi lượng canxi quá dư thừa trong cơ thể lại khiến xương bị cốt hóa sớm, và không thể dài ra được nữa và trẻ không đạt được chiều cao tối ưu ở độ tuổi trưởng thành. Ngoài canxi, trẻ còn cần được cung cấp đủ vitamin D, vitamin K2, vitamin A, kẽm,… đủ lượng protein cần thiết và cùng với chế độ tập luyện thể thao và nghỉ ngơi hợp lý..
29/10/2019 11:07
Con tôi hay bị tiêu chảy thì có nên bổ sung kẽm không? Và nên bổ sung kẽm như thế nào?
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới khi trẻ bị tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy kéo dài nên bổ sung kẽm trong 2 tuần, bạn nên đưa con đi khám, tư vấn dinh dưỡng để có phác đồ bổ sung kẽm thích hợp và được tư vấn về chế độ ăn để trẻ có thể hồi phục nhanh và phòng tránh tái phát.
29/10/2019 11:10
Nhà tôi có trẻ 13 tuổi, bị béo phì. Cháu rất háu ăn và thèm ăn, luôn xin thêm đồ ăn. Nếu không cho thì rất tội cho cháu nó. Xin chương trình tư vấn cách giảm tình trạng béo phì mà không ảnh hưởng sức khoẻ của trẻ. Xin cảm ơn bác sỹ ạ.
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Với những trẻ béo phì thì vẫn cần có 1 chế độ ăn hợp lý, cần ăn nhiều hơn vào bữa sáng và bữa trưa, giảm hơn vào bữa tối. Vì buổi tối cơ thể không cần năng lượng cho hoạt động cho nên nếu ăn nhiều sẽ tích trữ thành chất béo, tăng cân.
Trước khi ăn cơm nên cho trẻ ăn 1 bát rau hoặc 1 bát canh, sẽ làm trẻ no hơn và không ăn nhiều cơm và thức ăn. Ngoài ra, nên cho trẻ ăn gạo lứt hoặc gạo lật nảy mầm (gạo lứt đã nảy mầm), các gạo này có chỉ số đường huyết thấp, phân giải đường chậm sẽ làm trẻ no lâu hơn và giảm thừa cân béo phì.
29/10/2019 11:12
Bác sĩ cho đến bao nhiêu tuổi, chiều cao ngưng phát triển? Em cảm ơn bác sĩ.
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Theo quan điểm trước đây đến năm 18 tuổi thì con gái sẽ ngừng cao, còn con trai thì hơn một tí đến năm 20 tuổi. Về mặt sinh lý thì tới khoảng cuối năm 21 tuổi, các xương của chúng ta bắt đầu gắn kết chặt lại với nhau, nhưng điều đó không có nghĩa là chiều cao không còn cơ hội phát triển.
Thực tế, chiều cao của chúng ta được các hormon tăng trưởng điều chỉnh một phần lớn, các yếu tố dinh dưỡng, vận động và môi trường sống cũng đóng góp tương đối vào quá trình này. Theo các nhà khoa học, khi bạn bước qua tuổi 21 rồi, nếu cơ thể vẫn sản sinh được hormon tăng trưởng chiều cao, thì tất nhiên, bạn vẫn cứ cao lên vài cm nữa. Cơ thể mỗi người mỗi khác và sự ổn định hormon ở mỗi người cũng vậy cho nên có những người vừa dậy thì xong, chưa vào tuổi 18 đã ngừng phát triển, tăng chiều cao nhưng cũng có những bạn cứ cao thêm chút ít mỗi năm đến tận lúc 22, 23 tuổi.
29/10/2019 11:13
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Từ lúc mẹ mang thai tới khi bé tròn 24 tháng tuổi là giai đoạn 1.000 ngày vàng. Trong giai đoạn này, tốc độ phát triển của trẻ là nhanh nhất. Trẻ có cân nặng gấp đôi nặng sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Đến ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ, chiều dài nằm đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh. Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi.
Từ 6 tháng trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu để giúp cơ thể sống, hoạt động và không ngừng tăng trưởng. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày cần có thêm 2-3 bữa phụ, giúp trẻ tăng cân, tăng chiều cao mỗi tháng đúng chuẩn. Bữa phụ cho trẻ nên là sữa hoặc các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa,… Để nhận được đủ chất dinh dưỡng, bữa chính cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa ăn chính, ăn đa dạng thực phẩm với hơn 20-30 loại thực phẩm mỗi ngày.
29/10/2019 11:15
Mẹ chồng cháu thường ninh nước xương rồi lấy nước đó nấu cháo cho bé trai nhà cháu (hiện được 18 tháng tuổi). Cháu cho rằng ăn nhiều nước xương thì đầy bụng vì nước xương và thêm cả tủy xương rất béo, nhưng mẹ chồng cháu cho rằng như vậy có nhiều can xi, cháu bé sẽ cao. Xin bác sĩ cho lời khuyên ạ.
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Quan điểm của bạn là đúng, nước ninh xương không có canxi nhưng lại có nhiều chất béo rất dễ làm trẻ chán ăn. Nếu bạn muốn cải thiện khẩu phần canxi cho bữa ăn thì bạn nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, hải sản, sữa và chế phẩm sữa,..
29/10/2019 11:16
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Bổ sung vi chất dinh dưỡng thông qua chế độ ăn là một giải pháp bền vững và hiệu quả nhất: Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng, bữa chính nên có trên 10 loại thực phẩm (có 2-3 loại thực phẩm cung cấp chất đạm và 3-5 loại rau củ) để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Tuy nhiên, nếu thấy trẻ chậm lớn chậm phát triển chiều cao thì nên cho trẻ đi khám, tư vấn dinh dưỡng, và xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng từ đó sẽ có phác đồ bổ sung thích hợp.
Các bà mẹ không nên tùy tiện mua và tự ý bổ sung các thực phẩm chức năng, bởi vì thiếu hay thừa vi chất dinh dưỡng đều không tốt cho sức khỏe của bé. Một số trẻ cũng có thể bị thiếu 1 vài vi chất phối hợp nếu chỉ bổ sung 1 vi chất đơn lẻ cũng không giải quyết được tình trạng thiếu vi chất của trẻ.
29/10/2019 11:18
Thưa bác sĩ, tôi nghe nói từ lúc mẹ mang thai tới khi bé tròn 24 tháng tuổi là khoảng thời gian phát triển tầm vóc của trẻ. Điều này có đúng không và tôi cũng như bé sau khi ra đời thì nên thực hiện chế độ dinh dưỡng như thế nào để đảm bảo bé sau này có chiều cao tốt?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Từ lúc mẹ mang thai tới khi bé tròn 24 tháng tuổi là giai đoạn 1.000 ngày vàng. Trong giai đoạn này, tốc độ phát triển của trẻ là nhanh nhất. Trẻ có cân nặng gấp đôi nặng sơ sinh trong vòng 4-5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Đến ngày sinh nhật đầu tiên của trẻ, chiều dài nằm đã tăng gấp rưỡi so với chiều dài khi sinh. Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 2 tuổi.
Từ 6 tháng trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu để giúp cơ thể sống, hoạt động và không ngừng tăng trưởng. Để nhận được đủ chất dinh dưỡng, bữa chính cần cung cấp đủ 4 nhóm thực phẩm (bột đường, đạm, béo, rau và trái cây) trong mỗi bữa ăn chính, ăn đa dạng thực phẩm với hơn 20-30 loại thực phẩm mỗi ngày. Ngoài 3 bữa ăn chính trong ngày cần có thêm 2-3 bữa phụ. Bữa phụ cho trẻ nên là sữa hoặc các thực phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai, váng sữa,…
29/10/2019 11:22
PSG.TS. Bùi Thị Nhung - Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề - Viện Dinh dưỡng Quốc gia trả lời:
Tắm nắng cho trẻ (da tiếp xúc trực tếp với ánh nắng mặt trời) sẽ giúp tăng cường tổng hợp vitamin D. Vitamin D điều phối chuyển hóa canxi, nên nếu trẻ bị thiếu vitamin D thì quá trình chuyển hóa canxi không được tốt và sẽ ảnh hưởng tới sự tăng trưởng chiều cao của trẻ. Thiếu vitamin D còn gây bệnh còi xương cho trẻ. Vì vậy mỗi ngày trẻ cần tắm nắng khoảng 15-30 phút. Trẻ 3-5 tuổi thì nên sử dụng 4 đơn vị sữa 1 ngày : 1 miếng phomai 15g, 1 hộp sữa chua và 200 ml sữa dạng lỏng.
29/10/2019 11:29
Chào bác sĩ dinh dưỡng! Em chuẩn bị sinh con lần hai. Do lần đầu không có kinh nghiệm nên cháu bé bị suy dinh dưỡng nhẹ. Vậy, xin bác sĩ cho biết, can thiệp dinh dưỡng thời điểm nào giúp cải thiện dinh dưỡng cho trẻ nhỏ?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Để có 1 em bé khỏe mạnh không bị suy dinh dưỡng bào thai, bà mẹ nên có sự chuẩn bị từ trước khi mang thai: bổ sung viên sắt, đa vi chất và có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khi mang thai bà mẹ cần được khám thai định kỳ, có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và tiếp tục bổ sung viên sắt theo tư vấn của bác sĩ cho đến sau khi sinh 4-6 tháng. Bà mẹ trong vòng 1 tháng đầu sau khi sinh nên uống 1 liều vitamin A 200.000 UI để bổ sung vitamin A trong sữa mẹ. Ngoài ra nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
29/10/2019 11:30
Xin bác sĩ cho biết có phải chiều cao tăng hay không còn phụ thuộc cân nặng tăng thế nào đúng không ạ?
Ths.Bs. Nguyễn Thị Hải Yến- Khoa Dinh dưỡng Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội trả lời:
Đối với trẻ nhỏ, khi khẩu phần ăn của trẻ không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Giai đoạn sớm trẻ sẽ biểu hiện chậm tăng cân. Sau đó, khi thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển chiều cao. Do đó, trẻ cần có cân nặng trong mức bình thường và tăng cân đều thì mới có nền tảng để phát triển chiều cao tốt.