Giáo hoàng Francis. (Ảnh: Reuters) |
Giáo hoàng 87 tuổi sẽ trở thành người đứng đầu Tòa thánh Công giáo đầu tiên phát biểu tại thượng đỉnh G7, khi ông có bài phát biểu trong ngày họp thứ hai của hội nghị ở Puglia, trước những khán giả gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các lãnh đạo khác của nhóm.
Nhà lãnh đạo cao tuổi của tổ chức tôn giáo 2.000 năm tuổi có thể sẽ tập trung vào khía cạnh AI gây ra thách thức lớn cho nhân loại.
AI là chủ đề của Ngày Hòa bình thế giới của Tòa thánh hôm 1/1, khi Giáo hoàng đăng bài viết dài 6 trang. Trong đó, ông hoan nghênh những tiến bộ khoa học công nghệ giúp giảm bớt khổ đau của con người khi hỗ trợ mọi thứ, từ nghiên cứu y học đến nâng cao đời sống kinh tế và xã hội.
Tuy nhiên, bài viết cũng cảnh báo những rủi ro như phát tán thông tin sai lệch và can thiệp bầu cử, tình trạng tiếp cận không công bằng sẽ dẫn đến bất bình đẳng kinh tế và xã hội.
Bản thân Giáo hoàng cũng trở thành nhân vật trong nhiều bức ảnh do AI tạo ra, trong đó có bức ảnh được lan truyền rộng rãi cho thấy Giáo hoàng mặc chiếc áo phao trắng và đeo cây thánh giá lớn.
Giáo hoàng kêu gọi phải có một hiệp ước quốc tế mang tính ràng buộc để điều tiết sự phát triển và ứng dụng AI, nhằm ngăn chặn mặt trái và chia sẻ những cách làm hữu ích.
Đầu năm nay, Liên minh châu ÂU (EU), thành viên thứ 8 không chính thức của G7, thông qua bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới về quản lý AI.
Ở cấp độ toàn cầu, năm ngoái, các lãnh đạo G7 thông báo thành lập một nhóm làm việc về “sử dụng AI có trách nhiệm”, nhằm tìm cách xử lý những vấn đề như bản quyền và phát tán thông tin sai lệch.
Ý, nước chủ nhà của G7 năm nay, đưa AI trở thành chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh, tập trung vào “cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm”, nhất là tác động tiềm tàng đến việc làm.
Tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cho biết sự hiện diện của Giáo hoàng tại hội nghị sẽ tạo nên “đóng góp mang tính quyết định cho việc xác định khuôn khổ quản lý, đạo đức và văn hóa”.