ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hứa gì khi đào tạo chui hàng nghìn sinh viên Dược

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
TPO - Trước việc nhiều lượt sinh viên từ các nơi tổ chức đào tạo liên kết với trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (ĐH KD&CN) tìm về trụ sở của trường để 'bắt đền', lãnh đạo nhà trường "hứa" sẽ xin được Bộ GD&ĐT cho sinh viên tiếp tục học tại trụ sở của trường.
Như Tiền phong đã phản ánh, gần 5 năm qua, Trường ĐH KD&CN đào tạo chui hàng nghìn sinh viên ngành Dược khi chưa đủ điều kiện tổ chức đào tạo liên thông. Nhiều ngày qua, hàng nghìn lượt sinh viên ngành Dược kéo nhau về trường này đòi giải quyết thỏa đáng khi Bộ GD&ĐT yêu cầu nhà trường dừng đào tạo. Tại các buổi đối thoại, nhà trường vẫn chưa có câu trả lời chính thức với sinh viên, học viên.
   
ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hứa gì khi đào tạo chui hàng nghìn sinh viên Dược ảnh 1 Ông Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
Ngày 29/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Đức Trụ, Phó hiệu trưởng ĐH KD&CN cho rằng sự việc là đào tạo liên thông ngành Dược là "tai nạn", sai quy định. Nhà trường đang rút kinh nghiệm và làm việc với Bộ GD&ĐT đề đạt nguyện vọng giải quyết cho sinh viên tiếp tục được đi học. Đối với những sinh viên ở xa (miền Trung, miền Nam), nhà trường đề nghị Bộ can thiệp để được sang học các trường có ngành tương đương tại nơi đó. Đối với những sinh viên chưa có chứng chỉ, nhà trường sẽ xin Bộ cho nợ để học song song (chương trình chuyên môn và chương trình chứng chỉ - PV), để khi ra trường có chứng chỉ hành nghề, lấy được bằng. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang kiểm tra và sẽ trả lời trong 1 -2 tuần tới.
Theo ông Trụ, số sinh viên trúng tuyển ban đầu là hơn 3.000 nhưng có khoảng 2.800 người nhập học. Từ đầu năm 2020 đến nay, nhiều sinh viên đã rút hồ sơ, hiện chỉ còn khoảng 1000 đăng ký học tiếp. Hiện nay, nhà trường đã thông báo cho các đơn vị liên kết thông báo cho sinh viên làm tờ khai cho sinh viên đăng ký học môn gì, thời gian học, đăng ký cấp thẻ sinh viên. Sau đó, nhà trường sẽ tập hợp lại, lên thời khóa biểu và mời sinh viên về học.
Ông Trụ cho biết, hiện nhà trường đã triển khai các phiếu cho sinh viên chủ động đăng ký. Số sinh viên rút sẽ được trả lại toàn bộ học phí, lệ phí (học phí nhà trường chỉ thu 30%, còn các trạm liên kết thu 70% chi phí địa điểm, tổ chức, thuê giảng viên…).
“Bộ GD&ĐT sẽ đồng ý cho sinh viên tiếp tục học. Trước mắt, chỉ tiêu được duyệt là 100, tới đây sẽ được duyệt thêm 200 chỉ tiêu nữa. Nếu thiếu, Bộ sẽ cho nợ và trừ dần. Nhà trường sẽ chịu phạt theo quy chế hành chính”, ông Trụ khẳng định. Ông Trụ cho biết thêm, nhà trường sẽ xây dựng 3 phương án học là: theo giờ hành chính hoặc thứ 7, chủ nhật hoặc buổi tối các ngày trong tuần để cho sinh viên chủ động đăng ký.
Để xảy ra việc này, ông Trụ cho hay, ý định ban đầu của nhà trường là làm thí điểm, có đề nghị Chính phủ xin được làm. Tuy nhiên, Chính phủ giao cho Bộ GD&ĐT xử lý nhưng Bộ này không trả lời có được thí điểm hay không, nên Hiệu trưởng nhà trường quyết định làm và khi làm thì xảy ra sai sót.

Hai tháng qua, nhiều lượt sinh viên từ các nơi tổ chức đào tạo liên kết với trường ĐH KD&CN tìm về trụ sở của trường này (tại ngõ 124 Vĩnh Tuy, Hà Nội) để yêu cầu giải quyết thỏa đáng. Có mặt trong cuộc đối thoại với sinh viên ngày 26/9 tại trường này vừa qua, phóng viên chứng kiến hàng trăm sinh viên từ Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hà Nội... bất bình trước cách xử lý của nhà trường.

Trong đó, nhiều sinh viên đưa ra các câu hỏi: Nếu có nguyện vọng đi học để hoàn thành chương trình, nhà trường có cam kết được lịch học như ban đầu thông báo không? Sau khi học xong, trường có tổ chức các kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp? Chỉ tiêu cấp bằng là bao nhiêu? Với chỉ tiêu giới hạn thì mất bao nhiêu năm mới đến lượt tôi được cấp bằng? Còn phương án dừng học, lấy lại tiền là điều sinh viên không hề mong muốn.

MỚI - NÓNG