Giành quyền khi yêu

Giành quyền khi yêu
Xu hướng muốn thể hiện quyền lực, giành thế thượng phong trong tình yêu ngày càng phổ biến với một bộ phận giới trẻ Việt. “Yêu mà như vậy thì cổ hủ quá”, H.Khanh (24 tuổi, quận 1, TP.HCM) nhận định.

> Chồng thừa

Giành quyền khi yêu ảnh 1
 

Những nỗi lòng

Quen nhau từ lúc còn ngồi giảng đường ĐH Kinh tế TP.HCM, M.Quang (27 tuổi, hiện đang theo học thạc sĩ tại Mỹ) cho biết: “Giai đoạn đầu mình hạnh phúc lắm khi thấy bạn gái luôn kề bên, quan tâm những chuyện nhỏ nhặt nhất”.

Niềm vui đó không kéo dài được lâu. Khi tốt nghiệp và đi làm, M.Quang được người yêu nỉ non khuyên làm chung chỗ để tiện bề đi lại, chăm sóc nhau. Không muốn bạn gái buồn, M.Quang gật đầu. Không được đi cà phê, lai rai cùng đồng nghiệp sau giờ làm, không được ngồi cạnh đồng nghiệp nữ chỗ vắng người, không được lưu hình người mẫu xinh đẹp trong điện thoại...

M.Quang dần trở nên nghẹt thở với hàng loạt quy định được người yêu cập nhật mỗi ngày một nhiều. Ngay cả khi đi du học, M.Quang cũng phải nhớ nằm lòng: phải điện thoại về nhà mỗi ngày, 7g tối là phải lên mạng chat webcam...

N.Huyền (26 tuổi, bác sĩ) không giấu được vẻ muộn phiền về mối tình hiện tại. N.Huyền và H.Khanh quen nhau đã bốn năm. “Thời gian đầu khi “cua” mình, anh ấy luôn nói chuyện rất nhã nhặn và khá lãng mạn. Mình hơi mập và lùn, anh hài hước động viên “mập đẹp, ốm dễ thương, cao sang, lùn quý phái”, N.Huyền kể.

“Còn bây giờ khi hai gia đình đã định ngày kết sui gia, anh ấy bắt đầu tự cho bản thân quyền kiểm soát từng tin nhắn điện thoại và đòi xài chung tài khoản Yahoo! chat, Skype, Facebook... của tôi. Không chỉ thế, anh ấy cũng quyết định trang phục mặc hằng ngày, những hành động, lời nói lãng mạn cho người yêu cũng không còn nữa”, N.Huyền cười buồn.

Hiện N.Huyền đang phải tập thể dục cật lực mỗi ngày vì lời động viên ngày xưa đã được H.Khanh chuyển thành phiên bản mới “mập sợ, ốm thấy ghê, cao ngon, lùn chán lắm”. Đôi lần N.Huyền phân vân về mối tình hiện tại, nhưng cuối cùng vẫn không đủ can đảm dứt đi bởi bạn ngại phải bắt đầu lại một mối quan hệ khác.

Khi yêu trở thành “ác mộng”

Cả ngày học bở hơi tai, đôi khi M.Quang phải tranh thủ buổi tối ăn và ngủ ở thư viện để đọc sách, tìm tư liệu. “Vậy mà cô ấy không hiểu, suốt ngày cứ hờn dỗi, tôi không điện thoại về hay bật webcam đúng hẹn là đòi chia tay. Có khi cầm điện thoại mà chẳng biết phải nói gì, chỉ ước bên kia cúp máy sớm để được lăn ra ngủ”, M.Quang than thở. Dẫu vẫn còn yêu nhau nhưng M.Quang khẳng định sẽ suy nghĩ lại về mối quan hệ này.

Gặp N.Huyền những ngày gần đây thấy cô bạn phờ phạc hẳn. “Tối đi trực, cả ngày đi làm và đi học chuyên môn mà sáng nào mình cũng phải ráng chạy bộ để không bị anh ấy chê là béo nữa”, N.Huyền thở dài. Cô cũng bỏ hẳn Facebook, Yahoo! chat... vì không chịu nổi sự kiểm soát quá mức từ bạn trai. Đồng nghiệp, bạn bè dần không còn thấy một cô bạn N.Huyền liến thoắng, tự tin ngày nào nữa.

“Con giun xéo lắm cũng oằn”

Đó là khẳng định của bạn Hannah Trương (tốt nghiệp ngành tâm lý, ĐH Quản trị Singapore - SMU) khi nói về xu hướng đòi hỏi quyền lực khi yêu của người trẻ. Bạn cho rằng tình trạng này dễ diễn ra trong các mối quan hệ mà giữa các bên có sự chênh lệch nhất định về một số mặt (gia thế, tài chính, nhan sắc, học vấn...). “Nên nói lên suy nghĩ của nhau mỗi khi thấy bên kia đang có dấu hiệu lấn lướt mạnh mẽ”, bạn nhận định.

Còn theo thạc sĩ xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM): “Con người được giáo dục để hình thành sự sở hữu từ rất sớm. Ngay từ nhỏ, chúng ta đã biết những đồ vật nào là của mình và không phải của mình. Và khi biết đồ nào thuộc quyền sở hữu của mình, chúng ta có khuynh hướng kỳ vọng món đồ đó sẽ có giá trị sử dụng nhất định, tương xứng với bản thân. Sẽ là tai họa khi chúng ta áp dụng điều này trong tình yêu, cụ thể là với người yêu”.

Thạc sĩ Nhờ cho rằng tình yêu chân chính xuất phát từ tâm hồn của hai cá nhân. Một khi mối quan hệ nảy sinh những điều kiện có tính áp đặt, tình yêu đã biến thành vụ lợi, thực dụng và khó thể tồn tại lâu dài.

“Chúng ta mải mê đi tìm những giá trị bên ngoài của đối phương như: học vấn tương xứng, nhà cửa ổn định và biết nghe lời... từ đó quên bẵng điều quan trọng nhất là trái tim, sự đồng cảm giữa hai tâm hồn. Và đó là bạn yêu chính bản thân mình chứ không phải yêu người”, thạc sĩ Nhờ phân tích.

Cũng theo thạc sĩ Nhờ: “Khi mối quan hệ không thể cứu chữa tốt nhất nên chấm dứt tình yêu để không phải dẫn đến hậu quả đau thương do sự sở hữu, chiếm đoạt, lợi dụng mang lại. Nếu tiếp tục, cái bạn được sẽ rất ít trong khi mất đi quá nhiều. Nếu như cái được là sự an toàn trong mối quan hệ được hai bên vun đắp trong thời gian dài thì bạn sẽ mất đi tuổi xuân, sự thăng hoa đúng nghĩa của tình yêu và nhất là mất đi chính mình”.

Theo Công Nhật
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG