Giành lại sự sống nhờ máu bò

Sau một vụ tai nạn xe hơi, chị Tamara Coakley trong tình trạng nghìn cân treo sợi tóc, toàn cơ thể khi đó chỉ còn hơn 1 lít máu. Các bác sĩ Bệnh viện The Alfred ở Melbourne (Australia) đã đưa chị Coakley trở về cuộc sống từ bờ vực cái chết nhờ một chế phẩm thay thế máu hoàn toàn tổng hợp từ huyết thanh bò. Đây là lần đầu tiên máu bò được truyền cho người.
Chị Tamara Coakley trở lại cuộc sống nhờ được truyền máu bò

70% cơ hội sống sót nhờ máu bò

Theo như lời anh Baden - chồng của bệnh nhân Coakley thì lúc đưa chị vào viện chỉ với 30% cơ hội sống sót. Coakley nhanh chóng chuyển từ trạng thái hôn mê sang tình trạng suy tim do bị thiếu máu trầm trọng. Toàn cơ thể của chị khi đó chỉ còn không quá 1 lít máu. 

Thông thường trong cơ thể mỗi người có 5 lít máu, nếu mất một nửa lượng máu thì không thể sống được và cũng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe nếu một lượng máu lớn mất trong thời gian ngắn. 

Do đức tin tôn giáo chị đã nhất định từ chối được truyền máu người bất chấp việc gần kề cái chết. Các bác sĩ ở Melbourne, Úc, tôn trọng sự chọn lựa của Coakley nhưng vẫn quyết tâm cứu sống nạn nhân. 

Lần đầu tiên trên thế giới, họ đã sử dụng một sản phẩm máu nhân tạo thay thế, phù hợp với tín ngưỡng của Coakley, được tổng hợp từ huyết thanh bò, để làm nạn nhân hồi tỉnh ngay khi tim cô đã bắt đầu ngừng đập do thiếu máu nghiêm trọng.

Theo The Daily Telegraph, các bác sĩ đã cẩn trọng truyền cho chị 10 đơn vị hemoglobine có gắn oxy tên là HBOC201 được chuyển từ Mỹ đến (hemoglobine là thành phần quan trọng nhất của máu). HBOC201 là một trong số vài sản phẩm thay thế máu được sản xuất trên thế giới. Nó chứa một phân tử có nguồn gốc từ huyết tương bò, làm phục hồi mức hemoglobin, giúp vận chuyển oxy đến các mô.

Sau vài lần thập tử nhất sinh, kể cả một cơn viêm phổi nặng, cuối cùng mức hemoglobin của bệnh nhân đã tăng lên hơn 2 lần. “Tôi vui mừng vì điều đó đã mang lại kết quả tốt đẹp. Họ đã làm mọi điều họ có thể. Tôi vô cùng biết ơn về việc họ đã làm”, Coakley nói. 

Còn các bác sỹ trực tiếp truyền máu cho chị Coakley kể lại: Đây là một trong những ca bệnh khó nhất từ trước tới nay. Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân luôn ở mức cận kề cái chết, có những lúc, bệnh nhân rơi vào hôn mê, không huyết áp, không bắt được mạch, tim đập chậm dần tưởng như không cứu được. 

Bệnh viện phải huy động đội ngũ bác sỹ giỏi nhất của nhiều chuyên khoa và tập trung các máy móc hiện đại, kỹ thuật cao nhất để cứu chữa cho bệnh nhân. Thật kỳ diệu máu của bò lại có thể cứu tính mạng của bệnh nhân.

Còn chị Coakley - người đã được cứu sống nhờ nguồn máu đặc biệt thổ lộ: “Thật là kỳ diệu, sau khi được cứu sống bằng việc truyền máu bò vào người, tôi nhanh chóng hồi phục, cảm thấy nhanh nhẹn hoạt bát, tươi tỉnh hẳn lên, chân tay co duỗi được, trí nhớ dần dần hồi phục”. Coakley còn phấn khích khoe rằng: vài tháng sau ngày xuất viện, chị đã chủ động rủ bạn bè đi dạo, đến các sân chơi, trò chuyện với mọi người, kể về sự sống sót kỳ diệu của mình. 

Thậm chí, trong thời gian đầu xuất viện trở về nhà, khi mà việc đi lại của chị còn phải phụ thuộc vào chiếc nạng, nhưng chị vẫn thể hiện sự biết ơn đến với những con bò. Cứ tuần 2 lần, chị chống nạng đến một trang trại chăn nuôi bò gần đó, để mà âu yếm, vuốt ve và thủ thỉ với “ân nhân” đã cứu sống mình.

Trẻ sơ sinh được cứu sống nhờ ghép tĩnh mạch của bò

Tháng 10-2011 trên thế giới cũng xảy ra một trường hợp trẻ sơ sinh bị bệnh tim bẩm sinh hiếm gặp được cứu sống nhờ ca phẫu thuật ghép mạch máu của bò. Điều kỳ lạ gần như không tưởng này đã mang lại thành công cho các bác sĩ tại Bệnh viện Southampton, Anh - những người đầu tiên ứng dụng việc ghép mạch máu để điều trị bệnh tim cho bệnh nhi này, đồng thời mở ra triển vọng cho ngành phẫu thuật cấy ghép.

Hannah Slater là một đứa trẻ không may mắn khi chào đời lúc người mẹ mang thai mới được 28 tuần tuổi tại Bệnh viện Southampton, nước Anh. Song điều đe dọa hơn cả đến tính mạng của cô bé đó là gặp phải một số vấn đề bẩm sinh phức tạp khác như: chỉ có một quả thận, mắc bệnh tim bẩm sinh có tên gọi Truncus Arterriosus - một dạng bệnh tim hiếm gặp khiến cho các mạch máu đi lệch ra ngoài tâm thất gây hiện tượng chảy máu vào trong phổi. Với tình trạng này, cô bé chỉ có thể sống sót trong vòng vài ngày kể từ khi được sinh ra. 

Tuy nhiên, các bác sĩ tại đây vẫn làm mọi cách có thể để cứu sống cô bé. Họ đã tiến hành một ca phẫu thuật chưa từng có trong lịch sử y học thế giới từ trước đến nay, đó là ca phẫu thuật ghép tĩnh mạch cho bé Hannah Slater bằng tĩnh mạch được lấy từ bò.

Sau hơn 3 tháng kể từ ca phẫu thuật đầu tiên thắt lại các mạch máu, các bác sĩ bắt đầu nghiên cứu tĩnh mạch lấy từ bò để tiến hành ca phẫu thuật thứ hai: ghép tĩnh mạch cho Hannah. Mạch máu lấy từ bò đã từng được nghiên cứu nhằm ứng dụng trong tái khôi phục các mạch máu trong phổi người. Trong trường hợp này, nó cho phép dẫn máu lưu thông chính xác từ tim vào phổi của Hannah và chấm dứt tình trạng máu trào vào phổi không kiểm soát do khiếm khuyết của tim. 

Sau phẫu thuật, bé Hannah đã hồi phục tốt và cho thấy có biểu hiện mạch máu thay thế đã hoàn thành vai trò của nó. Cô bé đã được xuất viện và tiếp tục phát triển khỏe mạnh. Đây được xem là bước tiến lớn của ngành phẫu thuật cấy ghép, đồng thời mở ra những ứng dụng điều trị các dị tật phức tạp trong tương lai. 

Sẽ dùng máu bò để làm máu nhân tạo

Từng làm việc tại Hải quân Mỹ 5 năm qua, Tiến sĩ Mark Fitzgerald, đã quen thuộc với các sản phẩm đang được phát triển bởi đơn vị này. Theo ông, việc có thể truyền máu bò cho người đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình tìm kiếm sự thay thế máu hữu hiệu đối với tình trạng thiếu máu cung cấp trên toàn thế giới hiện nay. 

Bởi không giống như máu hiến, máu này không đòi hỏi phải phù hợp về nhóm và có thể được lưu trữ không cần làm lạnh đến 3 năm. “Nó hơi giống với khoa học viễn tưởng. Máu của động vật lại có thể cứu sống tính mạng của con người”, ông Fitzgerald nói.

Giáo sư Paul Monagle, Trưởng bộ môn Nhi khoa, Đại học Melbourne, cho biết, việc tổng hợp được máu thay thế có thể giải quyết vấn đề đảm bảo nguồn máu cung cấp cho các bệnh nhân và giúp những người dân ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với phương pháp điều trị tiết kiệm. Giáo sư Monagle cho biết bất kỳ sản phẩm máu tổng hợp nào muốn được đưa vào sử dụng rộng rãi cũng sẽ phải trải qua các thử nghiệm nghiêm ngặt trước.

Ở Mỹ, người ta đã sử dụng chế phẩm máu trên trong các cuộc phẫu thuật. Thử nghiệm trên 350 bệnh nhân thì có 96% không phải tiếp hồng cầu trong ngày đầu tiên, 60% không cần nhận hồng cầu trong 6 tuần tiếp theo. Tuy vậy, các nhà khoa học đều thống nhất ý kiến, loại máu nhân tạo nào cũng không thể thay thế máu của con người và khuyến cáo không nên sử dụng máu nhân tạo trong thời gian dài đối với những người mắc các loại bệnh phải truyền máu liên tục. Nó chỉ sử dụng hiệu quả trong những trường hợp phẫu thuật hoặc chấn thương. Dù sao, máu nhân tạo đặc biệt hữu dụng ở các nước châu Phi, nơi mà 1/5 lượng máu dự trữ được phát hiện dương tính với HIV.

Máu Hemopure là một dung dịch hemoglobin polymer hóa chiết xuất từ máu bò, đây là nguồn nguyên liệu dồi dào, dễ kiếm và nó có khả năng vận chuyển ôxy. Mỗi đơn vị của Hemopure nhỏ hơn nên nó ít bị cản trở trong quá trình vận chuyển ôxy và vì thế sẽ giải phóng được nhiều ôxy hơn. Hemopure được cho là ít nhớt hơn máu, có thể dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật gặp trên đường đi hơn hồng cầu và điều quan trọng là nó mang ôxy đến các mô theo một cách thức mới. Bình thường, hemoglobin kết hợp với ôxy đi vào màng tế bào và giải phóng ôxy ở đó, nó chỉ giải phóng được ôxy khi hồng cầu tiếp xúc trực tiếp với màng tế bào. Còn Hemopure có thể phân giải ôxy ngay từ khi tiếp xúc với huyết tương và huyết tương làm nốt quá trình vận chuyển ôxy tới màng tế bào. Như vậy, nó đưa ôxy tới mô nhiều hơn. Hiện tại có khoảng 10 công ty đang cùng nghiên cứu sản xuất ra loại máu nhân tạo này. 

Theo ANTĐ