Giảng viên và chất lượng đào tạo... khống

Giảng viên và chất lượng đào tạo... khống
Kết luận thanh tra tháng 8/2008 của Bộ GD-ĐT khuyến cáo: “Cần kiên quyết chấm dứt tình trạng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, coi nhẹ đầu tư xây dựng nhà trường, dẫn đến giảm sút chất lượng đào tạo, gây lãng phí lớn cho xã hội”. 

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy: ở các trường ngoài công lập (NCL), đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa yếu và thường xuyên biến động.

Qua kiểm tra bảng lương và danh sách trích ngang, giảng viên cơ hữu của từng trường, thời gian gần đây, thấy có tình trạng giảng viên cơ hữu của nhiều trường thấp hơn số liệu đã gửi báo cáo Bộ để đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh; đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ cũng thấp hơn so với đề án xin mở ngành đào tạo. Đặc biệt, tại các trường có đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật, số giảng viên có chuyên môn kỹ thuật càng ít. 

Ví dụ: trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, trong tờ trình gửi tới Bộ GD-ĐT có ghi số giảng viên cơ hữu tại trường gồm 20 tiến sĩ (TS), 105 thạc sĩ (Th.s), 62 cử nhân (CN). Thế nhưng, trên thực tế, tại bảng lương, số giảng viên cơ hữu của trường này chỉ có 18 người, trong đó có 1 TS, 6 Th.s và 11 CN!

Tại trường ĐH Dân lập Phú Xuân, tuyển sinh đào tạo trình độ đại học ngành tài chính - ngân hàng, trong khi mới có 1 giảng viên cơ hữu có trình độ cử nhân!

Giảng dạy sơ sài

Qua kiểm tra ở một số trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT cho biết: chương trình chi tiết của nhiều trường còn sơ sài; không bảo đảm cấu trúc, khối lượng kiến thức ngành và chuyên ngành theo quy định; chưa qua thẩm định của hội đồng khoa học và đào tạo nhà trường, chưa có ký duyệt của hiệu trưởng.

Đó là các trường: ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An, Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Vạn Xuân, ĐH Đại Nam, ĐH quốc tế Bắc Hà, Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội, ĐH Dân lập Cửu Long, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương...

Một số trường ngoài công lập tuy đã được mở ngành, được giao chỉ tiêu, đã tuyển sinh nhưng việc biên soạn, thẩm định và phê duyệt đề cương chi tiết bài giảng chưa hoàn chỉnh, vẫn phải thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, dạy đến đâu, chuẩn bị đến đó.

Ví dụ: trường ĐH tư thục Công nghệ Thông tin Gia Định chưa xây dựng đề cương chi tiết bài giảng; trường Cao đẳng Phương Đông tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được đề cương chi tiết bài giảng và các ngành đào tạo trình độ cao đẳng.

Đối với một số môn học phải mời thỉnh giảng thì cán bộ thỉnh giảng chủ động hoàn toàn về nội dung giảng dạy, nhà trường không hề có đề cương chi tiết!

Đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT cũng cho biết: tại thời điểm kiểm tra, hầu hết các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đều chưa đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên và cơ sở thí nghiệm, thực hành theo quy định mở ngành đào tạo.

Ví dụ: trường ĐH tư thục Công nghệ Thông tin Gia Định được phép tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học 7 ngành, song thực tế chỉ có 1 giảng viên cơ hữu (ngành quản trị kinh doanh) có trình độ TS!

Trường ĐH Dân lập Phú Xuân được phép tuyển sinh đào tạo trình độ đại học 12 ngành, chuyên ngành, song thực tế chỉ có 3 giảng viên cơ hữu có trình độ TS.

Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du đào tạo tới 850 sinh viên cao đẳng ngành kế toán nhưng chỉ có 6 giảng viên cơ hữu là CN đại học ngành kế toán!

Tuyển sinh và đào tạo “vô tội vạ”

Không những không có đủ các điều kiện để đảm bảo chất lượng, một số trường còn tuyển vượt chỉ tiêu đăng ký, dẫn đến không đảm bảo về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, phục vụ đào tạo.

Ví dụ: trường Cao đẳng Kinh tế công nghệ TP.HCM, 3 năm liền đều tuyển vượt trên 70% chỉ tiêu. Trường ĐH Phú Yên, năm 2007 tuyển sinh chỉ căn cứ vào công văn của UBND tỉnh gửi Bộ GD-ĐT, chưa có cấp nào phê duyệt chỉ tiêu...

Một số trường còn thông báo tuyển sinh cả những ngành chưa được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ đào tạo như trường Cao đẳng Đức Trí, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Đông Du, ĐH Dân lập Cửu Long...

Một điều đáng nói là mặc dù cơ sở vật chất thấp, thiếu thốn trang thiết bị cũng như giảng viên cơ hữu nhưng học phí của một số trường trong danh sách này cũng cao ngất ngưởng. 

Theo Vũ Thơ
Thanh Niên

MỚI - NÓNG