Tôi thích loạt tranh chân dung của Giáng Vân trong triển lãm này. Dù không nhiều, khoảng dưới chục bức.
Sự “khiêm tốn” về anatomy như chị từng thừa nhận khi trả lời phỏng vấn mới đây, lại tạo ra sự khác biệt. Khác biệt ấy theo tôi chính là chút run rẩy bối rối mơ hồ, kể cả sự “không giống lắm” của tác phẩm so với nguyên mẫu. Nói như Kandinsky, người nghệ sĩ nhiệm vụ không phải là chế ngự hình thức, mà phải có cái gì đó để nói.
Chân dung nhà thơ Ý Nhi (sơn dầu trên toan 60-40cm) |
Giáng Vân từng nói/viết về điều đó từ nhiều năm trước, trong bài thơ văn xuôi in trong tập “Đường gió”. “Đôi khi, tôi thử giải mã những thế giới câm kia bằng các kí tự trên các khuôn mặt, bộ điệu. Nhưng thực sự vô ích. Không gì có thể cứu vãn một sự sụp đổ, một sự biến mất, cũng như sự sinh thành những thế giới mới. Đường đi của chúng luôn luôn bí mật, không lường”. Đường đi và sự sinh thành bí mật ấy sẽ dai dẳng dù chỉ va quệt nhẹ vào tâm thức người xem.
Chân dung Nguyễn Huy Thiệp trông “khổ” một cách lạ lẫm. Ít ai nhìn thấy Thiệp theo dáng vẻ ấy và “dám” vẽ theo kiểu ấy. Chân dung nhà thơ Ý Nhi cũng vậy, toát nỗi khắc khoải dịu dàng nguyên chất của Người đàn bà ngồi đan. Chân dung con gái Tommy Timi mơ hồ gợi lên hình ảnh những cái cây “có mắt, biết cười” trong cơn mơ của con gái đã vào thơ mẹ. “Em bé người Dao” chất liệu acrylic trên toan khổ nhỏ chỉ 30x30cm nhưng lại đẹp và chắc tay từ màu đến bố cục một cách kinh điển, đem lại cảm xúc nôn nao.
Tôi muốn chị cứ thẳng tay, mạnh tay hơn nữa với mảng chân dung này. Theo sợi dây chiêm cảm vô thức mà vẽ. Chân dung đâu phải truyền thần hay bức ảnh chụp.
Chân dung Nguyễn Huy Thiệp (acrylic trên toan 50-40cm) |
Danh họa Nguyễn Đỗ Cung từng cho rằng “cái phần mà kỹ thuật cống hiến trong bức tranh chỉ là một phần rất phụ, nó không phải là một yếu tố quyết định”. Ông luôn đề cao những tác phẩm “rất thô sơ về phương diện kỹ thuật, trong số đó kể cả nghệ thuật của trẻ con và của những người tiền sử chưa từng có đi học vẽ ở nhà trường” (Nguyễn Đỗ Cung, NXB Văn hóa, 1987, trang 61).
Trong tranh Giáng Vân, thật nhiều những bóng người dáng người hay kiếp người được vẽ thô sơ và tối giản, như Bất tận/1, Bất tận/2, Cánh đồng mặt trời, Cây người,… với mực tàu giấy dó. Những nhân dáng trong trò chơi nhân thế ngược xuôi bất tận và vô định. Mực tàu, giấy dó vốn không dung túng sự chần chừ do dự của người vẽ. Ở đây nó đã “chảy tuôn/và biến tấu không ngừng/không thể lường được/đường đi của gió”.
Chiếm số nhiều trong triển lãm này là tranh tĩnh vật, về hoa. Rất nhiều lấm tấm, rất nhiều hoa dại. Như thơ của Giáng Vân viết thời thanh nữ “Những cây dại hình như tôi quen biết/Qua một sợi dây mỏng mảnh vô hình/Của nắng và nỗi buồn da diết/Của lá vàng tấm tấm giữa ngàn xanh”. Giờ đây tất cả dội về không phải bằng ký hiệu ngôn ngữ.
Với triển lãm này, thi sĩ Giáng Vân đã không còn “là một kẻ amateur trong hội họa” như chị bộc bạch. Nhưng bắt chước lời nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến gửi tới Nguyễn Huy Thiệp từ năm 1987 thời đầu nhà văn phát lộ “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”, tôi cũng không chúc chị bị/trở nên “chuyên nghiệp”. Hãy cứ mãi hồn nhiên chơi với tranh, bởi như chị từng tiên cảm “có bao nhiêu điều không thể nào biết trước”…
“Vân – 2021” là triển lãm hội họa của nhà thơ Giáng Vân, đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) từ ngày 23 đến 27/10. Triển lãm gồm 45 bức tranh trên các chất liệu acrylic/sơn dầu trên toan, mực tàu/acrylic trên giấy dó.