Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân

0:00 / 0:00
0:00
Hy vọng Nga và Mỹ tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nguồn: Brookings.
Hy vọng Nga và Mỹ tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân. Nguồn: Brookings.
TPO - Trong khi Mỹ, Nga và nhiều nước khác đang tìm cách duy trì, củng cố sự ổn định chiến lược trong một thế giới đa miền, nhiều tay chơi, Washington và Mátxcơva vẫn tiếp tục có vai trò trung tâm. Công cuộc kiểm soát vũ khí hạt nhân giai đoạn 2020-2030 có thể nói là gian nan, căng thẳng.

Coi kiểm soát vũ khí là một công cụ có thể thúc đẩy an ninh và ổn định, chính quyền Joe Biden đang tìm cách cùng Nga tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân. Việc cắt giảm vũ khí hạt nhân vẫn sẽ là vấn đề song phương giữa Washington và Mátxcơva, nhưng cũng chứa đựng các thành tố mới. Điều đó thể hiện một thực tế rằng, sự ổn định chiến lược đã trở thành một khái niệm phức tạp hơn.

Sự ổn định chiến lược

Donald Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên trong 50 năm không đạt được thỏa thuận trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân. Tổng thống Biden coi kiểm soát vũ khí là một công cụ chính sách quan trọng. Chính thức nhậm chức ngày đầu tiên, ông đồng ý gia hạn hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới 2010 (START mới) thêm 5 năm. Chính quyền của ông có kế hoạch làm nhiều hơn thế. Ngày 3/2, Ngoại trưởng Tony Blinken nói rằng, Mỹ sẽ tham vấn quốc hội, các đồng minh, đối tác mình, cùng Nga giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ không xảy ra ngay lập tức. Chính quyền Biden cần tập hợp đội ngũ, tổng kết các chương trình, học thuyết của Mỹ vì chúng có thể có phạm vi rộng hơn so với tổng kết của các chính quyền trước.

Sự tương tác thực sự nghiêm túc giữa Mỹ và Nga về vấn đề vũ khí hạt nhân có thể diễn ra trong các cuộc thương thuyết về sự ổn định chiến lược. Định nghĩa cổ điển về ổn định chiến lược là tình trạng trong đó không bên nào có động lực sử dụng vũ khí hạt nhân trước dù ở trong tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng hoặc xung đột truyền thống. Trong 5 thập kỷ bắt đầu từ những năm 1960, sự ổn định chiến lược chủ yếu dựa vào tương quan các lực lượng hạt nhân tấn công chiến lược giữa Mỹ và Liên Xô. Nếu mỗi bên đều có năng lực trả đũa với hậu quả tàn phá khủng khiếp dù bị tấn công trước với quy mô lớn, thì cả hai đều không có động lực để sử dụng vũ khí hạt nhân.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 1

Vỏ bom hạt nhân B61 trong bảo tàng Mỹ. Ảnh: MAPS Air Museum.

Ngày nay, mô hình ổn định chiến lược phức tạp hơn. Thay vì mô hình 2 tay chơi chỉ dựa trên lực lượng hạt nhân chiến lược, mô hình ngày nay là đa miền, nhiều tay chơi. Lực lượng hạt nhân nước thứ 3 như Trung Quốc cần được tính đến. Ngoài vũ khí hạt nhân, mô hình ổn định chiến lược cũng cần tính đến phòng thủ tên lửa, tấn công truyền thống có hướng dẫn chính xác, các bước phát triển trong không gian mạng và không gian vũ trụ.

Các cuộc thương thuyết về ổn định chiến lược Nga-Mỹ cần xử lý tất cả các yếu tố kể trên. Các cuộc đàm phán cũng cần giải quyết vấn đề học thuyết, ví dụ leo thang để giảm leo thang, tiến để mà lùi. Hầu hết các chuyên gia Nga cho rằng, điều đó không bao giờ trở thành học thuyết chính thức của Nga. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc tin điều ngược lại và điều này ảnh hưởng đến tổng kết lập trường hạt nhân của Mỹ năm 2018. Ít nhất, mỗi bên dường như tin rằng, bên kia đã hạ ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nối lại đàm phán

Ngày 29/7 tại Geneva, các quan chức Nga và Mỹ ngày 29/7 nối lại đàm phán về giảm căng thẳng giữa hai siêu cường vũ khí hạt nhân (sở hữu 90% vũ khí hạt nhân toàn thế giới) và nhất trí gặp lại vào tháng 9 sau cuộc tham vấn không chính thức, Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau gần 1 năm Nga và Mỹ tổ chức đối thoại về ổn định chiến lược trong bối cảnh căng thẳng về nhiều vấn đề, trong đó có kiểm soát vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí tổ chức đối thoại song phương về ổn định chiến lược để chuẩn bị cho các biện pháp kiểm soát vũ khí, giảm rủi ro trong tương lai.

Sự khác biệt giữa vũ khí hạt nhân Nga và Mỹ

Trong tương lai gần, các cuộc đàm phán chính thức về vũ khí hạt nhân vẫn sẽ là vấn đề song phương Nga-Mỹ do sự chênh lệch về số lượng vũ khí. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, Mỹ có khoảng 3.600 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ đang hoạt động, trong khi Nga có khoảng 4.300 đầu đạn. Không có nước thứ 3 nào (Anh, Pháp, Trung Quốc…) có quá 300 đầu đạn hạt nhân.

Chính quyền Donald Trump từng nỗ lực đưa Trung Quốc vào bàn đàm phán Nga-Mỹ về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhưng không bao giờ công bố kế hoạch làm điều đó. Điều này cũng không có gì là ngạc nhiên vì Washington và Mátxcơva sẽ không đồng ý giảm xuống mức của Trung Quốc, hoặc cho phép Trung Quốc nâng lên mức của họ. Trung Quốc cũng sẽ không chấp nhận mức giới hạn không bình đẳng.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 2

Tên lửa đạn đạo Trident II D5 của Mỹ được thiết kế để phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Lockheed Martin.

Theo START mới, Mỹ và Nga mỗi bên không được có hơn 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân; đồng thời, mỗi bên không được có quá 1.550 đầu đạn chiến lược được triển khai. Mức trần này được duy trì cho tới tháng 2/2026.

Tuy nhiên, mức trần mà START mới đặt ra không áp dụng với 60-65% kho hạt nhân đang hoạt động của 2 nước. Đầu đạn hạt nhân chiến lược dạng dự bị (không triển khai) và đầu đạn hạt nhân phi chiến lược (dù được triển khai hay không) không bị áp mức trần.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 3

Máy bay ném bom TU-95 của Nga được thiết kế để mang vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters.

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ giảm đáng kể số lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, xóa bỏ tất cả các hệ thống phóng từ đất liền và trên biển. Ngày nay, vũ khí hạt nhân phi chiến lược duy nhất của Mỹ là bom B61. Trong khi đó, Nga vẫn duy trì một số lượng lớn đầu đạn hạt nhân phi chiến lược thuộc nhiều chủng loại, gần 2.000 đầu đạn phóng từ đất liền, trên biển, trên không. Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng, Nga có thể sử dụng loại vũ khí này khi xung đột xảy ra.

Quân đội Mỹ duy trì nhiều đầu đạn chiến lược dự trữ hơn. Điều này phản ánh mong muốn phòng ngừa trước những bất ngờ về kỹ thuật hoặc những phát triển địa chính trị bất lợi. Quân đội Mỹ thực hiện cắt giảm vũ khí hạt nhân theo START mới theo cách cho phép họ nạp thêm đầu đạn vào ICBM và SLBM nếu hiệp ước đổ bể. Vì Nga hiện đại hóa tên lửa đạn đạo chiến lược nên nước này cũng đang nâng cao năng lực bổ sung đầu đạn vào ICBM và SLBM.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 4

Mỹ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III từ căn cứ không quân Vandenberg. Ảnh: US Air Force.

Hy vọng về thỏa thuận mới và 3 giải pháp thay thế

Bước đi hợp lý tiếp theo đối với Nga và Mỹ là sẽ đàm phán về một thỏa thuận trong đó đặt giới hạn tổng cho tất cả đầu đạn hạt nhân của họ (đầu đạn đã “nghỉ hưu” nhưng chưa được tháo dỡ có thể được xử lý riêng). Nếu hai nước nhất trí được về giới hạn tổng (mức trần cho tất cả đầu đạn hạn nhân), Nga sẽ mất lợi thế về số lượng đầu đạn hạt nhân phi chiến lược. Nhưng bù lại, Nga sẽ được hưởng lợi khi Mỹ mất lợi thế về số lượng đầu đạn chiến lược dự bị.

Với một thỏa thuận danh nghĩa, ví dụ giới hạn tổng là không quá 2.500 đầu đạn hạt nhân, Nga và Mỹ có thể đặt ra giới hạn phụ là không quá 1.000 đầu đạn chiến lược được triển khai trên ICBM, SLBM và bất kỳ hệ thống chiến lược nào được lắp đầu đạn (những loại vũ khí sẵn sàng khai hỏa nhất). Theo cách tiếp cận này, máy bay ném bom không được coi là hệ thống vũ khí dự bị, không được triển khai vì đầu đạn không được lắp đặt thường trực trên máy bay. Lý tưởng nhất là tất cả vũ khí hạt nhân, trừ loại được lắp trên hệ thống phóng chiến lược, sẽ được giữ ở trong nhà kho. Một thỏa thuận mới sẽ giảm mức trần của START mới đối với hệ thống phóng đang hoạt động và các bệ phóng cả loại đang hoạt động và dự bị.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 5

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Delta III của Liên Xô phóng tên lửa SS-N-18. Minh họa: Navy Recognition.

Nếu thỏa thuận mới này đạt được, mỗi siêu cường hạt nhân sẽ có số lượng vũ khí hạt nhân nhiều gấp 8 lần bất kỳ nước thứ ba nào. Thỏa thuận này cũng có thể cho phép Nga và Mỹ bắt đầu làm việc với các quốc gia hạt nhân khác. Từ đây, công cuộc kiểm soát vũ khí hạt nhân bước vào địa hạt mới. Nga và Mỹ có thể yêu cầu Trung Quốc, Anh và Pháp đơn phương cam kết không tăng số lượng vũ khí hạt nhân của mình chừng nào Nga và Mỹ còn cắt giảm vũ khí của họ.

Thỏa thuận Nga-Mỹ mới sẽ đòi hỏi phải có biện pháp xác minh mới để giám sát số lượng vũ khí hạt nhân lưu kho. Điều này khiến quân đội của cả hai nước không thoải mái. Nhưng thực tế trong quá khứ cho thấy cả hai đã điều chỉnh để thích nghi với các biện pháp giám sát như vậy.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 6

Tên lửa đạn đạo Poseidon phóng từ tàu ngầm Mỹ hồi tháng 5/1979. Ảnh: US Navy.

Một số chuyên gia về kiểm soát vũ khí cho rằng, việc đạt được thỏa thuận giới hạn tất cả vũ khí hạt nhân, đặc biệt là vũ khí hạt nhân phi chiến lược, là quá tham vọng. Họ đề xuất một số giải pháp thay thế.

Thứ nhất, mở rộng mức giới hạn của START mới sang các hệ thống như tên lửa đẩy liên lục địa phóng từ mặt đất và ngư lôi chạy bằng năng lượng hạt nhân, cấm các hệ thống chiến lược mới, và giảm tỷ lệ đầu đạn chiến lược lắp trên hệ thống phóng chiến lược, mà không hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân phi chiến lược.

Thứ hai, yêu cầu di dời vũ khí hạt nhân phi chiến lược ra xa các căn cứ có hệ thống phóng đi kèm, di dời tới một số ít khu vực lưu trữ. Lúc đó, phải có hoạt động giám sát để đảm bảo rằng, vũ khí hạt nhân phi chiến lược vắng bóng tại các căn cứ có hệ thống phóng, chứ không phải là giám sát số lượng vũ khí ở trong kho. Giải pháp này ban đầu được đề xuất cho châu Âu, nhưng cũng có thể mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn cầu.

Thứ ba, đơn giản là tìm cách hạ mức trần của START mới xuống. Tuy nhiên, chính phủ Nga và Mỹ dường như không hứng thú với đề xuất này.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 7

Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit của Mỹ có thể mang theo bom hạt nhân. Ảnh: Northrop Grumman.

Phòng thủ tên lửa

Kiểm soát vũ khí có thể mở rộng ra ngoài lĩnh vực vũ khí hạt nhân sang các vấn đề khác ảnh hưởng tới độ ổn định chiến lược. Nga và Mỹ có thể đàm phán riêng trong một số lĩnh vực khác có liên quan như phòng thủ tên lửa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa giữa kỳ phóng từ mặt đất (GMD) của Mỹ được thiết kế để phòng thủ trước các quốc gia đối địch như Triều Tiên, chứ không phải để chống tấn công tên lửa đạn đạo của Nga hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đây, các quan chức Nga thể hiện sự quan tâm tới việc hạn chế hệ thống phòng thủ tên lửa.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 8

Minh họa quá trình vận hành của hệ thống phòng thủ tên lửa giữa kỳ phóng từ mặt đất. Đồ họa: CSIS.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ hiện nay và trong tương lai gần không gây nguy cơ nghiêm trọng đối với tên lửa đạn đạo chiến lược của Nga. Giới chức Nga đôi lần dường như công nhận điều này. Tuy nhiên, Trung Quốc quan tâm hơn tới hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ dù hệ thống GMD không thực sự tốt.

Dường như không quá khó để đạt được một thỏa thuận về cắt giảm phòng thủ tên lửa như hệ thống GMD và hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga mà vẫn để Mỹ có đủ năng lực phòng vệ trước cuộc tấn công ICBM đến từ một quốc gia thù địch. Điều khó khăn chỉ là chính trị Mỹ, nơi đảng Cộng hòa phản đối việc áp đặt giới hạn cho phòng thủ tên lửa.

Gian nan cắt giảm vũ khí hạt nhân ảnh 9

Nga phóng thử tên lửa hành trình liên lục địa chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ảnh: RU-RTR.

Các vấn đề khác mà Nga và Mỹ có thể đàm phán là vũ khí tấn công truyền thống được dẫn hướng để tìm diệt mục tiêu một cách chính xác (như tên lửa tầm trung, tên lửa hành trình phóng từ trên không, trên biển), hoạt động trong vũ trụ (đặt vũ khí trong không gian, thử nghiệm việc bắn hạ vệ tinh…), tấn công mạng, vũ khí bí mật (vũ khí do trí tuệ nhân tạo điều khiển, vũ khí siêu thanh trên không hoặc dưới nước trốn được hệ thống phòng thủ…).

MỚI - NÓNG