Camera không chặn đứng được vi phạm
Theo phương án thi THPT Quốc gia 2019, các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi và bài thi 24/24 giờ.
Trả lời phóng viên về thay đổi trên, Luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, để có kết quả bài thi chính xác đánh giá đúng năng lực học tập, phân loại được học sinh và lựa chọn được nhân tài cho đất nước thì việc tổ chức kỳ thi, coi thi, chấm thi kỳ thi THPT Quốc gia phải được thực hiện nghiêm túc, khoa học và đúng thủ tục luật định.
Trong bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sử dụng camera giám sát sẽ ngày càng phổ biến. Việc ứng dụng công nghệ này sẽ phần nào hỗ trợ cho quản lý công việc, quản lý con người, đảm bảo khách quan, công bằng.
Tuy nhiên, các thiết bị này chỉ có tính chất hỗ trợ chứ không quyết định việc chặn đứng vi phạm.
Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: Đình Tuệ)
Theo Luật sư Cường, có hai khâu có thể gian lận là sử dụng tài liệu, phương tiện truyền tin để chép bài thi, nhìn bài thi (đối với thí sinh) và gian lận trong khâu chấm bài, lên bài (với cán bộ chấm thi, cán bộ phòng khảo thí...).
Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu và xác định những nguyên nhân tác động tới gian lận, tiêu cực của cả hai nhóm đối tượng này.
Luật sư Cường cho rằng cần nhìn thẳng vào thực trạng thì mới có thể có những giải pháp phòng ngừa gian lận, tiêu cực trong thi cử một cách hiệu quả.
Thi cử là có gian lận, có gian lận mới sinh ra người coi thi, người chấm thi, người quản lý, giám sát kỳ thi. Gian lận trong thi cử thời nào cũng có, nước nào cũng có, chỉ khác nhau về mức độ và tính chất.
Đối với thí sinh, một số họ gian lận trong quá trình làm bài thi với mong muốn có được thành tích cho bản thân, muốn có cơ hội vượt quá khả năng cho phép của mình.
Còn đối với người chấm thi, người lên điểm, vào điểm, giám sát, quản lý kỳ thi thì gian lận có thể vì lợi chung của tập thể hay vì lợi ích cá nhân. Tuy nhiên những gian lận này có liên quan tới tham nhũng, đến nạn chạy điểm, chạy trường, chạy việc... mà dư luận phản ánh hay không thì phải điều tra mới kết luận được.
Luật sư Cường khẳng định, những vụ án hình sự về gian lận điểm thi tại Sơn La, Hòa Bình và Hà Giang sẽ phần nào làm sáng tỏ những câu hỏi này. Để phòng ngừa gian lận, cần làm rõ được nguyên nhân; động cơ nào thúc đẩy, tạo điều kiện để những cán bộ này vi phạm pháp luật.
Tiền bạc là nguyên nhân quan trọng xảy ra tiêu cực
Trước đây, mọi người chỉ nhắc nhiều tới gian lận của người thi nhưng ngày nay, dư luận khá nhức nhối vì một số gian lận cũng xuất phát từ người chấm, người quản lý, người tổ chức kỳ thi.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, một loạt cán bộ quản lý, chấm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình... bị bắt giam, khởi tố hình sự vì gian lận trong việc chấm thi, lên điểm thi.
Ngoài ra, còn nhiều địa phương khác có nghi vấn nhưng chưa được làm rõ, chưa có cơ sở để xử lý.
Về nguyên nhân của việc này, ông Cường cho rằng: "Trong những yếu tố tác động khiến người ta gian lận khi chấm bài thì, lên điểm thì thì tiền bạc, quyền lực luôn là động cơ là nguyên nhân chính, nhưng rất khó phát hiện và khó xử lý”.
Có nhiều nguyên nhân khiến thí sinh và một số cán bộ gian lận thi cử.
Ngoài ra, theo luật sư Cường, nhiều cán bộ mắc phải sai phạm, gian lận thi cử còn do đạo đức và nhận thức pháp luật kém. Nếu họ biết việc gian lận khi chấm bài, lên điểm, công bố điểm, quản lý thi cử có thể bị khởi tố, bị tù tội, mất hết tất cả danh dự, sự nghiệp... thì chắc chắn rất ít người dám thực hiện. Bộ GD&ĐT cần phải kiểm tra, rà soát, chọn lọc những cán bộ đủ phẩm chất, có đạo đức tốt để tham gia chấm bài, lên điểm, giám sát, quản lý kỳ thi mới hy vọng có một kết quả công bằng.