Thủ khoa nghèo 30 điểm :

Gian khó chính là động lực lớn !

Gian khó chính là động lực lớn !
TPO - Tham gia buổi giao lưu trực tuyến trên Tiền phong Online sáng nay, cả bốn thủ khoa đạt 30 điểm đều khẳng định: Hoàn cảnh khó khăn chính là động lực lớn, thôi thúc các em vươn lên trong học tập để giúp đỡ gia đình thoát khỏi cảnh nghèo.

>> Xem toàn văn buổi giao lưu trực tuyến tại đây

Video Clip :
>> Phát biểu của Phạm Văn Huy
>> Phát biểu của Chu Thị Kim Liên
>> Phát biểu của Nguyễn Quốc Đạt
>> Toàn cảnh buổi giao lưu

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 1
Ba thủ khoa (từ trái sang) Chu Thị Kim Liên, Phạm Văn Huy, Nguyễn Quốc Đạt giao lưu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Phan Kiền.

Vợ chồng một Việt kiều Mỹ sẽ hỗ trợ tiền ăn học cho 4 thủ khoa trong năm đầu ĐH

Các cháu Liên, Huy, Hưng , Đạt mến. Cô chú là những độc giả của báo Tiền phong online, rất xúc động trước hoàn cảnh và ý chí quyết tâm học tập của các cháu. Cô chú muốn tài trợ một phần cho cả 4 cháu trong năm học đầu tiên với số tiền trợ cấp nhỏ bé là 50 USD/tháng/cháu cho năm học đầu tiên. Vậy cách nào để có thể chuyển số tiền này đến tay các cháu?

Mong rằng khoản trợ cấp khiếm tốn trích từ thu nhập hàng tháng của gia đình có thể hỗ trợ các cháu trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc đời sinh viên.

Cô chú cũng mong các cháu sẽ nhận được thêm những sự giúp đỡ nữa. Cô chú cũng có 2 con đang đi học và mong muốn các em sẽ noi gương vượt khó của các cháu.

Chúc các cháu thành công và cũng xin cám ơn báo Tiền Phong đã cho chúng tôi cơ hội được biết tới những thanh niên đáng quí như thế này.

(Ái Vân & Lê Tiến USA email lien lạc: AiVan: vananhvu2003@yahoo.com Tien: nguyen_letien@yahoo.com(Ai Van, 53 tuổi, 10105 STERN AVE, CUPẺTINO, CA 95014)

Báo Tiền phong xin trân trọng cám ơn tấm lòng vàng của ông bà Ái Vân và Lê Tiến từ Mỹ. Đây là sự trợ giúp vô cùng quý giá cho những thủ khoa nghèo.

Hiện do các em đều ở nông thôn nên trước mắt việc chuyển tiền trực tiếp cho các em không thuận tiện và nhanh chóng. Xin ông bà hãy chuyển tiền vào tài khoản của báo Tiền phong, sau đó chúng tôi sẽ chuyển ngay cho các em. (xin ghi rõ tiền hỗ trợ 4 thủ khoa nghèo)

+ Beneficiary's name: Bao Tien Phong, 15 Ho Xuan Huong street, Hai Ba Trung distric, Ha Noi, Viet Nam

+Beneficiary's account: 123.1000006217.5

+Banking name: Bank for investment and development of Viet Nam, Quang Trung Branch, Address: 53 Quang Trung street, Ha Noi, Viet Nam.

+Swift code: BIDV VNVX 123

Tôi là giáo viên dạy Toán cấp 3. Tôi rất khâm phục ý chí và nghị lực của các em. Rất mong các em chia sẻ kinh nghiệm học tập trong 3 năm cấp 3 để các giáo viên và học sinh vận dụng. Mặc dù nghèo nhưng các em vẫn không bỏ học như một số em khác, trái lại, học rất giỏi.

Vậy động cơ học tập của các em là gì? Có bao giờ các em nghĩ mình sẽ đậu thủ khoa? (Phạm văn Mạnh, 33 tuổi, GV Trường THPT Trần Bình Trọng, Cam Lâm, Khánh hòa.)

Phạm Văn Huy: Về bí quyết học tập, em đã trả lời. Sự tự tin đã khiến em đỗ thủ khoa. Động cơ học tập của mình chính là mong muốn có thể học tập thật giỏi để có thể thoát nghèo, đổi đời và thành đạt.

Chu Thị Kim Liên: Động cơ của em là sự quyết tâm của bản thân. Hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng thúc đẩy em phải cố gắng vươn lên.

Đầu năm lớp 12, bố em mất, gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng lúc đó em cũng không có ý định bỏ học mà chỉ muốn chuyển trường về gần nhà để giúp đỡ mẹ. Em luôn nhắc nhở mình phải là người đầu tiên mang lại tiếng cười và niềm tin sống cho mẹ.

Lê Đình Hưng: Vì hoàn cảnh của gia đình, em đã cố gắng học tập để làm vui lòng bố, bà nội, người thân và đặc biệt là người mẹ đã qua đời của em.

Đối với kinh nghiệm học tập, mỗi người có một phương pháp. Riêng phương pháp của em như sau:

Về môn Toán, em học kỹ lý thuyết rồi làm nhiều bài tập. Đối với các môn trắc nghiệm thì làm thử một số đề trắc nghiệm để xác định các dạng đề toán có thể ra, rồi học tự luận.

Nguyễn Quốc Đạt: Gia đình chính là động lực mạnh để em phấn đấu. Em muốn trở thành một người thành đạt để giúp gia đình vượt qua cảnh nghèo.

Muốn làm được điều này, em nghĩ cách tốt nhất là học thật giỏi. Thầy cô, bạn bè ở trường THPT Xuân Trường B - Nam Định đã giúp em cũng như các bạn có điều kiện thuận lợi, tập trung hoàn toàn cho việc học và ôn tập.

Mục tiêu của em là đỗ đại học, em không có ước mơ trở thành thủ khoa, nhưng khi đạt được kết quả này, điều đầu tiên em nghĩ đến là niềm vui và tự hào của cha mẹ, cũng như thầy cô và các bạn - những người đã đóng góp rất lớn trong thành công hôm nay của em.

Chào Liên, vừa qua anh đọc nhiều bài báo viết về em. Anh rất khâm phục ý chí và tài năng của em. Sắp tới, em sẽ học trường nào, Đại học Y Thái Bình hay Học viện Tài chính? (Đoàn Xuân Hiền, 24 tuổi, Thái Nguyên).

Chu Thị Kim Liên: Cám ơn anh. Đỗ thủ khoa chỉ là bước đầu. Em sẽ học Học viện Tài chính, khoa Tài chính Doanh nghiệp. Lý do rất đơn giản là em thích học tài chính hơn, vì em cảm thấy phù hợp với ngành này. 

Nếu mình tốt nghiệp phổ thông đã 15 năm, đã tốt nghiệp ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, đi làm. Giờ muốn thi vào Y khoa có khả năng đậu không, bí quyết học thi đại học hiện nay của các bạn là gì? (Trần Cận, 1976, Bình Định).

Nguyễn Quốc Đạt: Theo em, thi đại học không bao giờ là muộn cả. Vấn đề là anh có quyết tâm và tự tin hay không.

Vì anh đã tốt nghiệp lâu rồi, nên có thể anh đã quên nhiều kiến thức. Muốn thi đại học, anh phải ôn lại một cách hệ thống từ đầu, từ những kiến thức cơ bản, sau đó học thêm kiến thức nâng cao.

Theo em, anh nên tìm một lớp ôn thi tốt để ôn tập. Thầy cô sẽ giúp anh có cách hệ thống lại các kiến thức một cách bài bản. Chúc anh thành công.

Phạm Văn Huy: Anh vẫn có khả năng thi đậu. Em nghĩ anh nên đọc tham khảo các loại sách phổ thông hiện nay và xem thêm các sách tham khảo.

Các bạn cho biết, để đạt được kết quả như ngày hôm nay, các bạn có bí quyết gì không hay chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là đủ? (Trần Thị thuỷ, 28 tuổi, Ban Tuyên giáo Lạng Giang, Bắc giang)

Chu Thị Kim Liên: Bí quyết của em vô cùng đơn giản, đó là sự tập trung cao độ vào công việc mình đang làm.

Nguyễn Quốc Đạt: Em cũng không có bí quyết gì đặc biệt. Nắm chắc kiến thức cơ bản chưa đủ, cần phải có thêm kiến thức nâng cao. Bởi lẽ, trong đề thi thường có những câu hỏi khó, có tính chất phân loại học sinh.

Đầu tiên, cần nắm vững lý thuyết, sau đó làm nhiều bài tập cơ bản và bài tập nâng cao trong các sách giáo khoa và sách tham khảo. Như Toán , Lý, Hóa, nên học cùng với bộ giải Toán, Lý, Hóa của NXB Giáo dục.

Cần thiết nhất là nên chuẩn bị một tâm lý vững vàng trong tất cả các kỳ thi. Vào phòng thi nên đọc kỹ đề bài, làm từ bài dễ đến bài khó. Tốt nhất là dành thời gian khoảng 30 phút cuối để kiểm tra lại kết quả bài làm.

Chào anh chị, tuy chưa gặp nhưng qua ti vi em thấy anh chị rất có nghị lực để đạt được 1 kết quả cao như thế. Vậy cho em hỏi có bao giờ anh chị nghĩ mình không đủ khả năng để vượt qua kì thi đại học? (Mai Anh, 15 tuổi, Thị trấn Gia Bình - Bắc Ninh).

Nguyễn Quốc Đạt: Anh rất tin tưởng sẽ đỗ đại học vì đã nắm chắc kiến thức và rất tự tin. Làm xong bài thi, anh tính sẽ được điểm cao nhưng không nghĩ sẽ thủ khoa.

Theo anh, để có được kết quả tốt, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như kiến thức, tâm lý và một phần may mắn.

Phạm Văn Huy: Chào Mai Anh. Anh rất vui vì nhận được câu hỏi của em. Thực ra, anh em mình còn là người cùng quê. Nhà anh ở Lương Tài, chắc cũng gần nhà em.

Về câu hỏi của em, cũng nhiều lúc anh nghĩ không thể vượt qua được kì thi này. Nhưng, dưới sự động viên của gia đình, bạn bè, anh đã cố gắng rất nhiều.

Trước kì thi đại học, sự miệt mài, cố gắng đã giúp anh tự tin hơn. Sự tự tin đó đã mang lại cho anh... 29,75 điểm. Anh chúc em có thể tự tin hơn và đạt được nhiều điều mong muốn. Hi vọng sẽ gặp em ở quê nhà, hoặc trên giảng đường đại học.

Gửi Chu Thị Kim Liên: Anh rất cảm động về nỗ lực của em và mẹ. Chỉ những ai ở vào hoàn cảnh như vậy mới hiểu được khó khăn đè nặng lên đôi vai gầy của mẹ và sự nỗ lực của những đứa con sớm mất bố. Mong em và gia đình vẫn giữ mãi sức mạnh như thế để vượt qua chặng đường sắp tới.

Anh muốn hỏi, nếu như các tổ chức, cá nhân có lòng hảo tâm hứa sẽ giúp đỡ trong những năm đại học sắp tới, em có dám hứa làm được những điều mình đã nói không? Chúc em trở thành một sinh viên xuất sắc. (P.T.K, 22 tuổi, 108 Trường Chinh, Hà Nội)

Chu Thị Kim Liên: Trước hết, em xin cảm ơn sự quan tâm, chia sẻ của anh. Em hứa sẽ cố gắng hết sức để học tập tốt ở môi trường đại học, để không phụ lòng của mẹ và rất nhiều người đã quan tâm, giúp đỡ em vào lúc khó khăn này.

Em nghĩ rằng, thành công chính là chiến thắng bản thân. Em hứa sẽ cố gắng hết sức để chiến thắng bản thân trong những hoàn cảnh khó khăn nhất.

Trước hết tôi xin chúc mừng các bạn về những thành tích đã được trong kỳ thi đại học vừa qua. Nhân đây, qua Tiền Phong Online tôi xin có câu hỏi dành cho các bạn: "Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, các bạn làm gì để góp phần xây dựng đất nước?". (Gia Bảo, 30 tuổi, Vĩnh Hiệp, Rạch Giá, Kiên Giang).

Nguyễn Quốc Đạt: Vào nhập học tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, em sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, vừa học lý thuyết kết hợp với thực hành, và hy vọng sẽ trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin giỏi để thực hiện được mơ ước của mình, đồng thời dùng kiến thức đã học ở trường ứng dụng làm tốt công việc, phục vụ cho đất nước.

Phạm Văn Huy: Em cảm ơn anh. Em luôn tự hứa sẽ luôn cố gắng nỗ lực học tập trong thời gian học đại học. Em chọn ngành Công nghệ thông tin. Có thể, em sẽ trở thành một giảng viên Đại học để giúp đỡ các bạn cùng yêu thích ngành công nghệ thông tin, góp sức mình xây dựng phát triển đất nước.

Ai cũng công nhận là các bạn thông minh, nhưng thông minh cũng phải có phương pháp học tập. Các bạn có thể tiết lộ phương pháp học của mình được không? (Nguyễn Minh Thanh, 18 tuổi, Ha noi).

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 2
Phạm Văn Huy. Ảnh: Phan Kiền.

Phạm Văn Huy: Đầu tiên có được sự thành công,  cần phải cố gắng hết mình, đặc biệt là trong học tập. Ngoài ra, mình có một số mẹo rất hay:

+ Đối với môn Sinh, Huy chỉ nhớ về một số dấu hiệu chứ không cần nhớ hết về bản chất. Ví dụ như: Nhắc đến hai chữ hoàn cảnh thì nghĩ ngay đến La Mac.

+ Môn Lý: Chỉ cần nhớ công thức là đủ.

+ Môn Hóa: Hiện tại là hình thức thi trắc nghiệm thì cần phải nhớ phương pháp bảo toàn, chẳng hạn như bảo toàn electoron, bảo toàn nguyên tố và bảo toàn khối lượng.

+ Môn Toán: Không có mẹo gì cả, Huy làm thật nhiều bài tập để có một phản xạ khi gặp một bài toán nào đó.

Chu Thị Kim Liên: Dù là dân chuyên Toán, nhưng trước đây, mình cũng không giỏi các môn Toán, Lý lắm. Đến năm lớp 6, khi được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi Toán, mình bắt đầu đặc biệt yêu thích nó.

Vì học lớp chuyên Toán của trường chuyên Hưng Yên nên mình dành nhiều thời gian cho môn này. Bên cạnh đó, mình quan tâm nhiều đến Lý và Hoá. Mình học theo chuyên đề, bắt đầu là lý thuyết, sau đó đến các bài tập liên quan.

Buổi sáng, mình đến trường. Chiều, thỉnh thoảng mình học phụ đạo theo lịch của trường. Thời gian còn lại, mình lên thư viện đọc sách.

Buổi tối, mình chỉ học khi cảm thấy thoải mái, có thể tiếp thu được bài. Theo mình, học nhiều chưa chắc đã tốt, quan trọng là có tiếp thu được hay không.

Mình không đi học thêm ngoài, mà chỉ tự học. Đối với những môn thi đại học, mình tìm nhiều đề thi đại học trước đó để thử sức và tự bấm thời gian.

Mình nghĩ, quan trọng là ý thức được việc mình cần làm. 

Ngày nay, đa số các bạn trẻ có xu hướng ở lại thành thị để làm việc, không mặn mà lắm khi về địa phương công tác, sau khi tốt nghiệp. Trong khi đó, địa phương rất cần những người như các bạn ấy. Liên nghĩ sao về điều này? (Huỳnh Thị Mỹ Phương, 28 tuổi, 04/36 - Khu phố Dãy Ốc, Phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang).

Chu Thị Kim Liên: Hiện, em chưa có dự định sau khi ra trường, bởi em muốn tập trung học tập thật tốt trong 4 năm tới. Nhưng em nghĩ rằng, làm việc ở đâu mà hiệu quả, mang lại lợi ích cho xã hội, sẽ luôn được hoan nghênh, ủng hộ thôi ạ.

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 3
Anh Đỗ Minh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đòan Thanh Hóa chúc mừng và tặng thủ khoa Lê Đình Hưng 500.000 đồng tại buổi giao lưu từ đầu cầu Thanh Hóa. Ảnh : Nguyễn Lam.

Lê Đình Hưng: Có nhiều người xuất phát từ hoàn cảnh gia đinh khó khăn nên sau khi ra trường, họ muốn có một môi trường tốt để phát triển. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng có nhiều người muốn về địa phương lập nghiệp.

Với cá nhân, em cũng chưa xác định cụ thể mình sẽ làm việc ở đâu mà chỉ chú tâm vào học tập cho thật tốt. Còn việc em sẽ làm việc ở đâu còn phụ thuộc vào các điều kiện thuận lợi sau khi ra trường.

Phạm Văn Huy: Dù ở đâu, vùng nào trên đất nước Việt Nam thì Huy vẫn đóng góp sức mình cho đất nước. Chị Mỹ Phương đừng quá coi trọng chuyện đó. Có thể sau này, khi tốt nghiệp, Huy sẽ làm việc ở Rạch Giá, Kiên Giang chỗ chị thì sao? (Cười).

Các em cho biết những ước mơ,hoài bão của mình khi các xong Đại học?Chúc các em vượt qua những khó khăn sắp đến!!! (Mây Hồng, 33 tuổi, abc_ttm@yahoo.com)

Nguyễn Quốc Đạt: Ước mơ của em là được đi du học sau khi tốt nghiệp đại học. Nước mà em muốn đến là Mỹ. Trong quá trình học đại học, em sẽ cố gắng tự tìm học bổng du học. Nếu được đi du học, em sẽ vẫn theo ngành công nghệ thông tin và học xong sẽ trở về nước để làm việc.

Các bạn đã rất nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và thành công. Mình rất khâm phục, nhưng các bạn suy nghĩ gì về kết quả này và nó có là cản trở trong con đường tiếp theo, hay là động lực??? (Hoàng Dương, 18 tuổi, Tp Bắc Giang)

Phạm Văn Huy: Đối với Huy, hoàn cảnh của mình vừa là khó khăn trở ngại nhưng cũng vừa là động lực để cố gắng vươn lên. Và em rất cảm ơn sự động viên của các bạn, thầy cô, gia đình đã tạo điều kiện giúp em học tập.

Lê Đình Hưng: Theo em, kết quả này không cản trở gì con đường tiếp theo của em mà nó là là động lực để em tiếp tục phấn đấu, bởi để đạt được kết quả này, em đã phải nỗ lực rất nhiều.

Em muốn hỏi các anh, chị về kinh nghiệm học ôn thi sao cho hiệu quả nhất? (Nhật Thuỷ, 17 tuổi, Đà Nẵng).

Lê Đình Hưng: Để ôn thi một cách hiệu quả nhất, em nên phân công thời gian học ôn các môn hợp lý. Với cá nhân, anh sử dụng phương pháp: mỗi môn học 3 ngày.

Đối với môn Lý, phải ôn lý thuyết thường xuyên. Môn Hóa nên học nhiều phương pháp giải toán Hóa học. Môn Toán cũng vậy.

Chúc em thành công trong học tập!

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 4
Nguyễn Quốc Đạt. Ảnh: Phan Kiền.

Nguyễn Quốc Đạt: Ngoài giờ học ở trường, mỗi ngày bạn nên dành 3 - 4 tiếng buổi tối (khoảng 7h - 11h) để ôn lại kiến thức và làm bài tập. Không nên tạo cho mình tâm lý quá căng thẳng trong thời gian ôn thi.

Nếu gặp bài khó, nên trao đổi với bạn bè và hỏi ý kiến thầy cô, hoặc bạn tự tìm tài liệu tham khảo có thể gặp những dạng tương tự để lần sau biết cách giải.

Vì hình thức thi trắc nghiệm, kiến thức rất rộng nhưng không quá khó nên bạn cần chăm chỉ đọc sách giáo khoa, thường xuyên ôn lại kiến thức để tránh hổng kiến thức.

Môn Hóa rất nặng lý thuyết, kiến thức liên quan từ lớp 10 đến lớp 12, vì vậy, bạn nên nắm vững kiến thức Hóa trong mỗi năm học, cụ thể như về các tính chất hóa học, các phản ứng... Sau đó, chúng ta mới làm đến bài tập. Nên làm bài từ dễ đến khó và thường xuyên đọc lại kiến thức đã học.

Em rất yêu anh, anh Huy ơi. Anh đã có người yêu chưa? Đêm qua anh có thấy mưa sao băng không? (Trung thị Duyên, 18 tuổi, Thái Bình).

Phạm Văn Huy: (cười to) Cho anh đoán nhé. Duyên là một cô gái rất xinh đẹp, thông minh, vui tính và lãng mạn. Anh chưa có bạn gái và rất muốn được kết bạn với em. Chúc em học giỏi và có nhiều niềm vui.

Cháu Kim Liên, Bác muốn tặng cháu một món quà. Cháu thích gì thì bác sẽ gửi tặng cháu. Cháu là niềm hãnh diện của bác, vì ngày xưa bác cũng nghèo như cháu vậy. (Vu Viet Hung, 63 tuổi, Seattle, Wa).

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 5
Chu Thị Kim Liên. Ảnh: Phan Kiền.

Chu Thị Kim Liên: Cháu cảm ơn bác. Sự quan tâm, động viên của bác là món quà quý giá mà cháu đã nhận được. Chúc bác sức khoẻ ạ.

Chào Liên. Em đã quyết định học trường nào chưa? Theo chị, em nên học trường Y vì đó là ước mơ tù nhỏ của em và hình như cũng là mong muốn của bố em nữa đúng không? Chị chúc em sẽ có lựa chọn sáng suốt. Chúc em và gia đình mạnh khỏe (phượng, 23 tuổi, Nam Định).

Chu Thị Kim Liên: Em cảm ơn chị. Như em đã trả lời ở câu hỏi phía trên, em sẽ học Học viện Tài chính, vì đó là mong muốn của em. Thực ra, bố mẹ em mong muốn em sẽ trở thành người có ích cho xã hội, còn sự lựa chọn ngành nghề là do em. Bố mẹ không ép buộc.

Nếu được du học, sau khi học xong, các em có quay về làm việc ở Việt Nam, nếu điều kiện làm việc và thu nhập ở nước ngoài tốt hơn? Chúc các em học giỏi. (Nguyễn Văn Thuần, 30 tuổi, TP Đồng Hới - Tỉnh Quảng Bình).

Phạm Văn Huy: Huy xin cảm ơn lời chúc của anh Thuần. Đã có nhiều người hỏi Huy như vậy. Nếu có điều kiện để du học ở nước ngoài, Huy sẽ học hết mình và sẽ quay lại Việt Nam để đem những kiến thức, kinh nghiệm và tài năng thu thập được làm việc tại quê hương.

Dĩ nhiên, điều kiện làm việc và thu nhập ở nước ngoài hiện nay chênh lệch hẳn so với ở nước ta, nhưng cho tới khi em tốt nghiệp và đi làm, biết đâu, sự chênh lệch đó sẽ không còn. (Cười)

Chào Đạt, chị cũng quê ở Xuân Trường, Nam Định. Em ở xã nào thế? Trước tiên là chúc mừng em vì quê mình được vinh dự có mặt em giao lưu trên báo Tiền Phong với thành tích đạt Thủ khoa. Em có cảm xúc gì khi ngồi trả lời những câu hỏi của độc giả giao lưu trực tuyến?

Khi nhập trường, em có ý định làm thêm để trang trải cho cuộc sống và gánh bớt lo toan cho bố mẹ? Chúc em luôn vui và cố gắng thật nhiều để không phụ công bố mẹ nha.

Quê mình còn nghèo lắm, hi vọng sau này em sẽ góp phần không nhỏ cho mảnh đất thân yêu của chị em mình nhé! (Phạm Minh Hương, 26 tuổi, Xuân Trường Nam Định).

Nguyễn Quốc Đạt: Em xin cảm ơn chị. Em ở xóm 7, xã Xuân Bắc. Khi tham gia giao lưu trực tuyến trên báo Tiền phong, em cảm thấy rất vinh dự, vui sướng, có phần hồi hộp và rất tự hào về quê hương Xuân Trường.

Nhập trường, năm đầu tiên, em sẽ tập trung vào học để có kết quả tốt, thuận lợi cho việc phân khoa, phân lớp chuyên ngành. Từ năm thứ hai, em sẽ tìm việc làm thêm như gia sư. Em sẽ cố gắng thật nhiều để không phụ công bố mẹ và những người đã giúp em có thành công hôm nay.

Một thực tế hiện nay là con em nhà có kinh tế khá giả thường lơ là học hành, ham chơi hay ỷ lại vào bố mẹ, còn con em nhà có hoàn cảnh khó khăn thường ham học, cần cù chịu khó và đạt kết quả cao. Vậy, các bạn nghĩ gì về vần đề này? (Nguyễn Minh Ngọc, 25 tuổi, Đà Nẵng).

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 6
Nguyễn Quốc Đạt. Ảnh: Phan Kiền.

Nguyễn Quốc Đạt: Em thấy có rất nhiều bạn nhà có điều kiện và học rất giỏi, cũng có nhiều bạn có hoài bão và khát vọng khẳng định mình.

Theo em không nên có ý nghĩ học giỏi hay không là do hoàn cảnh gia đình mà quan trọng nhất là ý thức học tập và phấn đấu của bản thân. Các bạn có hoàn cảnh khó khăn thường có ý chí vươn lên mạnh mẽ, và đó cũng là lí do khiến các bạn đạt được kết quả học tập tốt.

Phạm Văn Huy: Theo em, không phải các bạn có điều kiện học hành ỉ lại và dựa vào bố mẹ, mà chính ra các bạn thiếu sự quan tâm thực sự của cha mẹ. Mặc dù gia đình nhà em có khó khăn, nhưng lúc nào bố cũng động viên em.

Bố đồng thời là một người bạn, luôn chia sẻ cảm xúc vui buồn. Nhờ bố, em có thêm nghị lực để vươn lên. Em nghĩ, ngoài việc cung cấp đầy đủ về vật chất, các bạn ấy cũng giống như em, cần những lời động viên và sự quan tâm từ chính bố mẹ.

Chu Thị Kim Liên: Đó chỉ là một mặt, thực ra nhiều bạn nhà có kinh tế khá giả vẫn học giỏi, vì các bạn có điều kiện đầu tư hơn cho học tập.

Nguyên nhân chính của vấn đề này không phải hoàn toàn do hoàn cảnh gia đình mà chủ yếu là ở ý thức và nỗ lực vươn lên của bản thân.

Tại sao Liên không học ngành Y để trị bệnh cứu người? Dẫu biết rằng học tài chính là góp phần làm cho kinh tế đất nước phát triển nhưng Liên ạ,  người dân ở vùng sâu, xa rất cần những bác sĩ có tay nghề đem hạnh phúc đến cho các gia đình nghèo. (Thu Ngọc, 28 tuổi, Lào Cai)

Chu Thị Kim Liên: Em nghĩ rằng, học tài chính sẽ hợp với mình hơn. Thêm nữa, để trở thành một bác sĩ giỏi, theo em tính, phải học 11 năm. Mà hoàn cảnh gia đình em như vậy, em nghĩ thời gian học như thế hơi dài. Em muốn nhanh chóng ra trường để đi làm phụ giúp mẹ, lo cho em trai đi học.

Các bạn có lời khuyên gì cho những bạn có cùng hoàn cảnh? (Trần Thị Tuyết, 18 tuổi, Hà Nội).

Nguyễn Quốc Đạt: Các bạn hãy luôn giữ những ước mơ và hoài bão của mình. Mình nghĩ các bạn không nên tự ti với hoàn cảnh, mà coi hoàn cảnh là động lực để phấn đấu cố gắng. Luôn tự tin vào bản thân và nghĩ tới những người thân yêu nhất của mình để vươn lên.

Ở Bắc Ninh nhưng Huy ở địa chỉ cụ thể nào mà học giỏi vậy? (Băng Sao Mai, 19 tuổi, Bắc Giang).

Phạm Văn Huy: Mình ở Lương Tài, một vùng quê hiếu học. Vị trạng nguyên Lê Văn Thịnh, trạng nguyên đầu tiên của nước Việt Nam cùng quê mình đấy. Và vùng đất này cũng có nhiều lễ hội hay lắm, Sao Mai ở Bắc Giang cũng gần, có thể qua quê mình chơi nhé. Mình nhất định sẽ đến đón và dẫn Sao Mai đi chơi.

Chi phí học ở Hà Nội lớn hơn so với các tỉnh khác. Các em đã có kế hoạch gì để vượt qua khó khăn đó, ví dụ như đi làm thêm?... (Nguyễn Văn Thuần, 30 tuổi, TP Đồng Hới - Quảng Bình).

Chu Thị Kim Liên: Ngay khi thi xong đại học, em đã đi làm thêm. Em làm công nhân của một công ty may, sau đó, làm gia sư cho một em học lớp 6 ở gần nhà.

Mặc dù nhận được nhiều sự giúp đỡ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, nhưng em luôn xác định phải tự cố gắng hơn nữa. Em dự định sẽ đi làm gia sư trong quá trình đại học. Có lẽ, công việc đó phù hợp với em hơn.

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 7
Lê Đình Hưng giao lưu từ đầu cầu Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam.

Lê Đình Hưng: Đúng là chi phí học ở Hà Nội, nhất là chi phí học đại học trong thời gian xa gia đình là rất lớn đối với em, cũng như gia đình. Vì vậy, nếu phân bổ được thời gian, em sẽ kiếm một công việc hợp lý để làm thêm. Tuy nhiên em vẫn đặt ra các kế hoạch để có thể học tốt trong giai đoạn tiếp theo.

Trước hết, tôi xin chúc mùng các em đã đạt điểm cao trong kỳ thi đại học vừa rồi. Tôi có một câu hỏi dành cho em Lê Đình Hưng. Tôi được biết, em sinh ra và lớn lên ở một vùng quê và gia đình nghèo khó. Động lực lớn nhất giúp em đạt được thành tích cao trong kỳ thi vừa rồi là gì? Xin cảm ơn em. (Lê Thị Hiền, 27 tuổi, Thanh Hoá).

Lê Đình Hưng: Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá khó khăn nhưng em vẫn muốn học thật tốt và đạt những thành tích cao để vui lòng bố mẹ.

Sau nữa, quan trọng không kém, em xác định việc học là con đường có nhiều cơ hội để em thể hiện mình, nên em đã cố gắng học thật tốt. Cảm ơn chị nhiều vì đã động viên em!

Kiến thức để thi đại học không chỉ nằm trong chương trình học phổ thông. Em đọc các bài về các anh/chị, thấy các anh/ chị đều không đi ôn thi đại học. Anh chị làm thế nào để có kiến thức như vậy? Thời gian học trong 1 ngày của các anh/ chị là bao nhiêu và cách học của các anh/chị như thế nào? (Nguyễn Tùng Dương, 15 tuổi tuổi, 31C Lâm Tường - Hồ Nam - Lê Chân - Hải Phòng).

Lê Đình Hưng: Kiến thức thi đại học nằm chủ yếu trong chương trình phổ thông nên em chỉ cần học tốt là làm được bài. Ngoài ra, em nên tham khảo thêm ở các tài liệu tham khảo.

Vào những ngày mùa, do phải giúp đỡ gia đình nên thời gian học của anh không được nhiều. Anh vốn không có điều kiện để ấn định thời gian học nên ngoài giờ học trên lớp và làm việc giúp gia đình, khi nào có thời gian thì anh học bài.

Ở các trường chuyên, lớp chọn, thầy cô thường cho học sinh làm những đề năm trước, đề trong quyển 150 đề của Bộ GD&ĐT, đề trong cuốn"giới thiệu đề thi các năm từ 2000 - 2007". Trong đó, có nhiều bài rất khó nhưng khi xem đáp án, chúng lại xuất phát từ kiến thức cơ bản trong SGK.Trong khi Bộ GD&ĐT lại bảo: ra đề bám sát kiến thức cơ bản trong SGK. Vậy làm sao mà học sinh biết được là khó hay dễ, từ đó gây tâm lý hoang mang. Ý kiến các bạn và mọi người thế nào? Khi các bạn làm đề các năm trước thì các bạn thấy đề năm đó so với năm nay thế nào? (Phạm Hà, 18 tuổi, Hà Nội).

Phạm Văn Huy: Việc làm đề của Bộ các năm trước cũng rất cần thiết cho các thí sinh. Các câu quá khó, Huy cũng chịu, và đã tìm hiểu được lời giải trong các bộ đề này.

Các câu khó sẽ tạo được sự hứng thú trong quá trình suy nghĩ và làm bài của Huy, cũng như học được kiến thức hay và quý. Nhưng Hà ạ, bạn cứ vẫn bám sát kiến thức trong SGK là đủ có thể thi đỗ Đại học.

Thời khoá biểu tư học ở nhà như thế nào để đạt được hiệu quả nhất (Hoàng Thị Bách, 46 tuổi, Chí Linh, Hải Dương).

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 8
Phạm Văn Huy. Ảnh: Phan Kiền.

Phạm Văn Huy: Cháu thường dành thời gian tự học vào buổi tối và tự đọc sách tới khuya. Ban ngày, cháu luyện các bài tập, vì khi gặp các bài khó có thể hỏi thêm thầy cô.

Mình cũng mồ côi ba từ sớm nên hiểu đuợc cảm giác mất mát như thế nào. Nhưng bạn hãy tin rằng ba đang ở bên cạnh, mỉm cười với kết quả nỗ lực của bạn. Mình tin với ý chí và nghị lực mạnh mẽ, bạn sẽ bước xa hơn nữa trong tương lai. (Nguyễn Ngọc Anh, 18 tuổi, ngocanh_2222@yahoo.com).

Chu Thị Kim Liên: Mình xin cảm ơn sự chia sẻ của bạn. Minh luôn ghi nhớ, thành công bước đầu ngày hôm nay, công lao to lớn là của bố mẹ. Chính bố mẹ đã cho mình cuộc sống và nuôi mình ăn học. Chúng ta hãy cùng cố gắng vì bố mẹ nhé! 

Các bạn có thể bỏ chút thời gian liệt kê hết những bí quyết học tập của từng môn học được không, mình thành thật xin các bạn nói thật vì nhà mình có 5 anh chị em nhưng khó khăn lắm. Hôm nay, mình phải đến nhà 1 người bạn để gửi tin nhắn này.

Các em mình học khá nhưng thật sự rất cần có phương pháp học tập. Nhà mình chẳng ai học tới nơi tới chốn nên không thể kèm được. Chỉ có cách là học hỏi 1 phần nào đấy từ những người đi trước! Mong các bạn giúp cho! (Minh Hoa, 18 tuổi, Hà Nội).

Nguyễn Quốc Đạt: Với môn Toán - môn thi tự luận, các bạn chăm chỉ làm nhiều dạng bài tập. Để đạt được điểm cao còn phụ thuộc vào khả năng của chính bạn vì đây là môn rất khó, đòi hỏi rất nhiều trí thông minh, không chỉ đơn thuần là chăm chỉ học.

Với môn Lý: Kiến thức khá rộng nhưng các phần ít liên quan đến nhau, vì vậy, các bạn cần học cuốn chiếu. Nghĩa là, phần nào học hết phần ấy, tránh để lâu dễ bị quên kiến thức.

Với môn Hóa: Là môn nặng về lý thuyết và có kiến thức nặng, gồm kiến thức của cả 3 năm học. Phần kiến thức này liên quan đến nhau nên cần chăm chỉ đầu tư học ngay từ đầu và thường xuyên ôn tập lại lý thuyết.

Bác rất khâm phục tinh thần vượt khó của các cháu. Qua buổi giao lưu này, bác muốn các cháu truyền đạt lại những kinh nghiệm để khắc phục khó khăn vươn lên trong học tập. Chúc các cháu luôn mạnh khoẻ và sẽ đạt được những ước mơ của mình. (Nguyễn Văn Can, 52 tuổi, Duy Tiên - Hà Nam).

Phạm Văn Huy: Cháu thay mặt các bạn cảm ơn bác Can, cũng như sự quan tâm, động viên về tinh thần và vật chất của mọi người đối với chúng cháu. Đáp lại, chúng cháu chỉ biết cố gắng hết mình trong học tập.

Cháu gặp nhiều khó khăn, mỗi lúc khó khăn trở ngại tới, cháu cố gắng để đạt được mục tiêu của riêng mình.

Có nhiều người nghĩ rằng con đường mình chọn là đúng đắn nhưng đến khi gặp thất bại mới nhận ra đã sai lầm. Vậy, các bạn đã suy nghĩ gì trước khi lựa chọn con đường mình sẽ đi và sẽ làm gì để không chỉ được báo chí, truyền hình nhắc tới qua sự kiện này? (Đỗ Văn Duẩn, 24 tuổi, Đắc Lắc).

Phạm Văn Huy: Huy đã chọn theo ước mơ của mình là vào ĐH Bách Khoa Hà Nội. Hiện tại, đối với Huy nếu có chuyện gì vấp váp, Huy chỉ coi đó là một thử thách, chứ không phải là sai lầm, để tiếp tục cố gắng cho mục tiêu đã chọn.

Bây giờ tất cả các học sinh thi ĐH đều phải học thêm, mất rất nhiều thời gian và tiền của. Vậy mà bạn nói không đi học thêm mà có kết quả cao như vậy liệu có trung thực không? (Vũ Xuân Hải, 45 tuổi, Hàng Sắt, Nam Định).

Lê Đình Hưng: Học thêm là để nhận các kiến thức còn thiếu hụt, cũng như tạo cảm giác an tâm hơn đối với các kỳ thi. Đó chưa chắc là việc không tốt. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em không có điều kiện để tham gia các lớp học thêm. Riêng môn Toán, em có học thêm tại lớp do nhà trường tổ chức.

Chào các anh, chị! Em khâm phục ý chí và nghị lực của anh chị. em xin hỏi, năm nay học lơp 11, lực học không đến nỗi nào, nhưng có tật hay ngủ gật vào buổi tối (mới 20 giờ). Có cách gì để khắc phục điều này không? Em cảm ơn (Hồng Nhung, 16 tuổi, TP Hà Tĩnh).

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 9
Chu Thị Kim Liên. Ảnh: Phan Kiền.

Chu Thị Kim Liên: Chị có một vài mẹo nhỏ, em thử xem nhé. Em có thể đi rửa mặt cho tỉnh táo, hoặc đi dạo (không nên đi quá xa nhé), nói chuyện với người thân...Nhưng em cũng không nên học khuya quá, không tốt cho sức khoẻ. Chị chỉ học khuya lắm đến 12h đêm là đi ngủ. Chúc em thành công.

Cô thực sự thán phục các cháu. Con trai lớn của cô năm nay bằng tuổi các cháu nhưng bạn ấy thiệt thòi vì bị bệnh từ nhỏ. Gia đình cô chỉ trông mong vào cậu con trai thứ hiện đang học lớp 6, trường THCS dân lập Marie Curie Hà Nội. Năm rồi, em thi vào trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam nhưng thiếu 0,25 điểm.

Cô cũng quê Hưng Yên với Kim Liên. Cô rất mong được các cháu cho con trai thứ của cô một lời khuyên để tiếp thêm cho em sức mạnh trong học tập. Em tên là Sơn.

Gia đình cô cứ đùa (mà thực ra là thật) với em rằng: "Con đang học cho cả anh của con nữa". Rất cảm ơn các cháu. Địa chỉ email của cô: dang_anhngoc@yahoo.com (Đặng Thị Ngọc, 43 tuổi, Trung tâm Dịch thuật, NXB Thế Giới - 46 Trần Hưng Đạo - Hà Nội).

Chu Thị Kim Liên: Chị muốn nói với em Sơn rằng, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng thành công. Trước đây, chị từng mong muốn sẽ được vào đội tuyển học sinh giỏi Toán quốc gia nhưng vì lúc đầu không cố gắng nên chị đã bị loại. Sau đó, chị đặt ra mục tiêu phải đạt kết quả cao trong kỳ thi đại học.

Em mới chỉ bắt đầu, còn rất nhiều cơ hội, cũng như thử thách trước mắt. Đừng lấy thất bại trước mắt làm nhụt ý chí em nhé. Cố gắng lên nhé, em trai! Quan trọng là chúng ta quyết tâm thôi em ạ.

Chúc em học tập tốt.

Lời cảm ơn của các thủ khoa

Chu Thị Kim Liên: Khi đỗ thủ khoa, em đã nhận được rất nhiều lời chúc mừng, chia sẻ động viên của các bác, cô chú, anh chị trong và ngoài nước.

Nhiều người, tổ chức còn gửi tiền giúp đỡ em và gia đình như: Huyện uỷ Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), Đảng uỷ UBND xã Thanh Long (Yên Mỹ - Hưng Yên), Hội khuyến học tỉnh Hưng Yên, Công ty CAVICO Việt Nam...

Bác Vũ Trọng Chất (Việt kiều Mỹ), bác Bùi Hữu Ánh (Hà Nội), Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Trung Tín (Hà Nội), Chú Chinh (Sài Gòn), thầy giáo Đăng (trường THCS Đoàn Thị Điểm - Yên Mỹ - Hưng Yên), bác Phạm Nguyễn Trường An, cô Lê Thị Phương Hiệp; anh Lê Văn Nghĩa, anh Nguyễn Văn Linh...

Còn rất nhiều những lời tâm sự và chia sẻ kinh nghiệm của các anh chị đi trước. Em xin ghi nhận và chân thành cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người.

Em không dám nói trước là mình sẽ làm được nhiều nhưng em xin hứa sẽ luôn cố gắng học tập tốt hơn nữa để không phụ lòng quan tâm, chia sẻ của mọi người.

Em xin chân thành cảm ơn!

Nguyễn Quốc Đạt: Em xin chân thành cảm ơn báo Tiền phong đã tạo điều kiện cho em được tham gia buổi giao lưu trực tuyến hôm nay. Đồng thời, em cũng xin cảm ơn các độc giả đã quan tâm và cảm thông với hoàn cảnh của em.

Sau buổi giao lưu, trở về nhà, em sẽ chuẩn bị hành trang cho ngày nhập trường. Con đường học tập của em vẫn còn dài, và em sẽ cố gắng phấn đấu để có được thành công.

Phạm Văn Huy: Trên hết, em xin cảm ơn sự quan tâm của độc giả Tiền Phong online đã dành cho em những câu hỏi và những lời động viên thấu đáo.

Chúc các bạn lớp 12 năm tới sẽ đạt được kết quả tốt trong kì thi của mình. Nếu các bạn cần sự giúp đỡ thêm về kiến thức, kĩ năng trong học tập, Huy sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào.

Xin cảm ơn cô chú, các bạn một lần nữa.

Lê Đình Hưng: Cảm ơn Tiền phong Online đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa các thủ khoa với bạn đọc hôm nay. Qua Tiền Phong, cũng cho em được gửi lời cảm ơn tới các bạn đọc đã động viên, chia sẻ về cuộc sống, công việc học tập của em.

Đồng thời cho em gửi lời cảm ơn những tấm lòng bạn đọc đã có những món quà về vật chất để hỗ trợ em trong chặng đượng học tập tiếp theo.

Để không phụ lòng của những người tổ chức chương trình này và tấm lòng bạn đọc trong cả nước, em hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để khắc phục những điều kiện khó khăn của gia đình, phấn đấu tiếp tục học tập tốt thật tốt.  

Gian khó chính là động lực lớn ! ảnh 10
Các thủ khoa tại tòa soạn báo Tiền phong. Ảnh : Phan Kiền

Trong suốt hơn 2 giờ đồng hồ giao lưu trực tuyến với các thủ khoa, hàng nghìn bạn đọc trong và ngoài nước đã gửi câu hỏi đến Tiền phong Online để hỏi về kinh nghiệm học tập, chia sẻ, động viên và giúp đỡ.

Tiền phong Online xin trân trọng cám ơn những tấm lòng vàng dành cho những học sinh nghèo hiếu học, sự tham gia nhiệt tình của độc giả vào buổi giao lưu.

Địa chỉ liên hệ của 4 thủ khoa :

Phạm Văn Huy: email: snb_vh_90@yahoo.com. Hiện đang ở trọ tại số nhà 34, ngõ 545, Thụy Khuê, Hà Nội. Thường trú: Thôn Cường Tráng, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, Bắc Ninh. ĐT: 0241650250. DĐ: 0985073323.

Nguyễn Quốc Đạt (con bố Nguyễn Quốc Hiệu) : xóm 7 xã Xuân Bắc, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Số điện thoại: 0350.3.246.043

Chu Thị Kim Liên : thôn Châu Xá, xã Thanh Long, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Số điện thoại: 01696335523.  Email : lien12toan@yahoo.com. Số điện : 01696335523.

Lê Đình Hưng : xóm 2, thôn Trịnh Thôn, xã Hoằng Phú, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa (Gia đình Hưng không có số điện thoại)

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...