Dừng ngay nếu có thông số vượt quy chuẩn
Bộ TN&MT cho biết, trong giấy phép nhận chìm quy định chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện nhằm quan trắc, giám sát nguồn gây tác động, đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm, kịp thời phát hiện và xử lý các tác động tiêu cực đến môi trường.
Nội dung quan trắc, giám sát gồm hành trình vận chuyển, khối lượng vật, chất nhận chìm trong quá trình chuyên chở từ khu nạo vét đến khu vực nhận chìm, các thông số về chất lượng nước biển (độ pH, ôxy hòa tan, tổng chất rắn lơ lửng, độ đục), độ lắng trầm tích, thông số hệ sinh thái và thông số chất lượng hệ sinh thái. Việc quan trắc, giám sát chất lượng nước biển tại mỗi điểm thực hiện 3 lần/ngày tại 3 tầng (tầng mặt, tầng giữa và tầng đáy) trong suốt quá trình nhận chìm.
Giấy phép nhận chìm cũng quy định, khi một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào vượt Quy chuẩn thì Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm; và chỉ được phép thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ TN&MT chấp thuận.
Trước đó, Bộ TN&MT đã cấp Giấy phép số 1517/GP-BTNMT ngày 23/6/2017 cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm vật liệu nạo vét từ vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (có khối lượng 918.533 m3 ), bao gồm 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát phong hóa, cát pha, sét, đá phong. Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân, huyên Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn Hòn Cau 8 km.
Thời gian nhận chìm từ tháng 6 -10/2017. Theo Bộ TN&MT, đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ. Độ sâu lớn nhất khu vực nhận chìm là -36,1m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5m đến -10m nên khó có khả năng ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Lo ngại ô nhiễm biển…
Theo TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường, đổ chất thải ra biển là hoạt động không được khuyến khích theo thông lệ quốc tế. Vấn đề là bùn thải này có đảm bảo tuân thủ quy định của Điều 58 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo không? Bùn nạo vét ven bờ chứa nhiều trầm tích từ lục địa vận chuyển ra, vì vậy có tiềm năng chứa nhiều chất ô nhiễm độc hại.
TS Trường nhấn mạnh, khu vực đổ chất thải ở Bình Thuận có rất nhiều hệ sinh thái biển và ven bờ nhạy cảm, nhất là Khu bảo tồn biển Hòn Cau (12.500 ha) là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển, thủy sinh vật quý hiếm. Cho nên việc tính bài toán lan truyền chất thải phải mang tính định lượng tương đối chính xác, không thể được định tính, nội suy.
Vì vậy cần đối thoại, tham vấn với dân, các chuyên gia khoa học, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Cảnh sát biển, các cơ quan Môi trường quốc tế như IUCN, WWF...
PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, các đánh giá sơ bộ cho thấy phương án nhận chìm chất nạo vét ở biển có lợi về mặt kinh tế - xã hội và môi trường hơn phương án đổ chất nạo vét ở trên bờ. Tuy nhiên, cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp kiểm tra, giám sát. Phải dừng ngay hoạt động nhận chìm nếu ảnh hưởng tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda.