Giảm phụ thuộc nhập khẩu: Đột phá từ công nghệ sinh học

Nông dân Vi Thị Hắc trên ruộng ngô biến đổi gen cho năng suất cao và tăng hiệu quả kinh tế.
Nông dân Vi Thị Hắc trên ruộng ngô biến đổi gen cho năng suất cao và tăng hiệu quả kinh tế.
TP - Là một nước nông nghiệp, thế nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải chi hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô. Để giải bài toán lệ thuộc vào ngô nhập khẩu, cần gia tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng, thông qua việc đẩy mạnh giống ngô công nghệ mới.

Lãi hơn ngô thường 10 triệu đồng/ha

Với diện tích trồng ngô chiếm trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, ngô được xác định là cây trồng chủ lực tại địa bàn Sơn La. Mặc dù là cây trồng quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều bà con nông dân nhưng những năm gần đây, giá ngô nhập khẩu quá rẻ khiến việc trồng ngô của bà con nông dân gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, cho biết, ngô là cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La và là nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Tuy nhiên, thời gian qua, năng suất ngô đạt thấp do gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất và sự không đồng đều giữa các vùng. Tính trung bình, năng suất ngô tại các địa phương trong tỉnh đạt mức 3,89 tấn/ha, gần như thấp nhất cả nước. Do đó, việc áp dụng các giống ngô mới là một trong các trọng tâm phát triển của tỉnh, trong đó có mở rộng, khuyến khích sản xuất ngô biến đổi gen.

Tại vùng trồng ngô ở huyện Mai Sơn - thủ phủ ngô của tỉnh Sơn La, chị Quàng Thị Thân (bản Chậm Cẳng, xã Chiềng Sung) cho biết, hơn 1 năm qua nhiều hộ trong và ngoài xã mạnh dạn chuyển sang trồng ngô biến đổi gen mới đem lại hiệu quả thấy rõ. “Tôi trồng ngô hơn 10 năm nay, nhưng chỉ vụ này mới thấy ngô không có sâu mặc dù mình không phun thuốc”, chị Thân nói và cho biết thêm, năm nay gia đình trồng ngô biến đổi gen với mật độ gấp 1,5 lần so với bình thường, mà không lo sợ sâu phá hoại. “Tôi trồng 3 giống ngô DK6818S, DK6919S và DK9955S, qua thu hoạch thử ở một số ruộng cho thấy, năng suất ngô vụ này có thể đạt tới 10 tấn hạt/ha, cao hơn nhiều so với ngô lai thường”, chị Thân chia sẻ. Với năng suất như trên, giống ngô biến đổi gen đạt lợi nhuận cao hơn giống ngô thường khoảng trên dưới 10 triệu đồng/ha.

Năm 2016, diện tích ngô biến đổi gen của tỉnh Sơn La đạt khoảng 6.000 ha. Năm 2017, tính đến tháng 6 đã có khoảng 3.500 ha được trồng. Qua đánh giá, các giống chuyển gen rất có triển vọng và phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh và cho năng suất cao như tại Cò Nòi, năng suất có thể lên tới 12 tấn/ha.

Công nghệ sinh học thay đổi bộ mặt nông nghiệp

Thực tế, những năm gần đây, việc chi hàng tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu ngô đã không còn là chuyện lạ. Riêng trong năm 2016, Việt Nam bỏ ra hơn 1,6 tỷ USD để nhập 8,3 triệu tấn ngô về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước.

Một số chuyên gia đánh giá, với điều kiện hiện tại, nếu không nhanh chóng giải quyết vấn đề thiếu hụt ngô nội tại, thì ngoài việc thất thoát ngoại tệ, về lâu dài Việt Nam có thể rơi vào tình trạng “có tiền cũng khó mua nổi ngô”. Giải pháp quan trọng lúc này là gia tăng năng suất trên diện tích sẵn có để gia tăng sản lượng, thông qua việc đẩy mạnh giống ngô biến đổi gen. Các giống này sẽ hạn chế tối đa hư hại năng suất do sâu hại, cỏ dại, đồng thời giảm chi phí đầu vào cũng như các tác động tiêu cực lên môi trường.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho rằng, là nước nông nghiệp mà Việt Nam phải nhập khẩu không chỉ ngô mà nhiều mặt hàng khác như khô dầu đậu tương, phụ gia, kháng sinh, vitamin... về để sản xuất thức ăn chăn nuôi là điều khá bức xúc. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đơn giản nhưng nghiên cứu trong nước cũng chưa đáp ứng nổi. Với riêng cây ngô, nên thúc đẩy phát triển nhiều hình thức, đặc biệt là loại ngô biến đổi gen. Đây là cách mà nhiều quốc gia như Mỹ, Argentina… đã làm. Các quốc gia đó không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu ngô trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

Đánh giá về tình hình đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam thời gian qua, GS.TS Bùi Chí Bửu nhận định, trước những biến đổi của khí hậu, phương pháp tiếp cận những công nghệ sinh học mang lại rất nhiều lợi ích. Ví dụ như dùng phương pháp lai tạo giống lúa phải mất 10 năm hay thậm chí 20 năm mới có thể tìm được giải pháp về xâm nhập mặn hay khô hạn.

Còn với công nghệ sinh học, chúng ta có thể rút ngắn thời gian rất nhiều. Gần đây thế giới đã dùng phương pháp chỉnh sửa gen trong cây, về nguyên tắc cũng giống như phương pháp chuyển đổi gen. Nước ta cũng mới chỉ tiếp cận với công nghệ này chứ chưa có thành tựu nào. “Công nghệ sinh học đang thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp. Để có nền nông nghiệp phát triển bền vững, thích ứng với những biến đổi khí hậu trong tương lai”, GS.TS Bùi Chí Bửu nói.  

Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), để cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, ngành sản xuất ngô Việt Nam cần giải bài toán làm thế nào để giảm giá thành trên mỗi cân ngô thương phẩm thông qua hai yếu tố chính là giảm chi phí canh tác và cải thiện năng suất.

MỚI - NÓNG