> Thông 'liều' và cú đột phá với đèn cao áp tiết kiệm điện
> Nông dân 'vắt óc' cải tiến công nghệ sản xuất nước đá để tiết kiệm điện
Những năm trước, dù đầu tư chăm bón nhưng cây tiêu chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do việc cung cấp nước chưa đảm bảo nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây tiêu.
Để khắc phục tình trạng trên, được sự hướng dẫn của Phòng khuyến nông huyện, CLB đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt cho cây tiêu.
Chi phí đầu tư tưới nhỏ giọt cho 1 hecta khoảng 60 triệu đồng, bao gồm hệ thống đường ống, hệ thống bình áp lực, máy bơm… Tuy nhiên hiệu quả mang lại rất lớn.
Tiết kiệm đủ thứ
Đến thăm vườn tiêu của ông Vương Đoàn Ngoãn - Chủ nhiệm CLB, được tận mắt thấy vườn tiêu xanh non cho dù thời gian qua nắng nóng kéo dài. Ông Ngoãn cho biết từ khi áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, ông cảm thấy an tâm hơn khi phải đối mặt với những đợt nắng gay gắt.
Trước kia, với cách tưới tràn trên bề mặt, người lao động phải vác vòi nước chạy cật lực khắp vườn dưới trời nắng gắt vô cùng vất vả nhưng hiệu quả vẫn thấp bởi nước chỉ tràn trên bề mặt chứ chưa đủ thấm vào gốc tiêu. Bây giờ, hệ thống tưới nước nhỏ giọt đã giải phóng sức lao động, tiết kiệm tối đa chi phí nhân công và nhiên liệu.
“Trước đây với cách tưới tay, tôi phải mất gần như cả ngày để tưới nước cho 1 sào tiêu, và cứ 3 ngày lại phải tưới một lần. Từ khi áp dụng tưới nhỏ giọt thì 5 đến 6 ngày mới tưới một lần. Vì có thời gian rỗi, tôi quay sang làm chậu cảnh kiếm thêm thu nhập”- ông Ngoãn chia sẻ.
Không chỉ tiết kiệm được công lao động, theo các hộ trồng tiêu, việc tưới nhỏ giọt còn tiết giảm đáng kể điện năng tiêu thụ. Nếu trước tưới bằng tay, để kịp thời gian, hầu như nhà nào cũng đồng loạt tưới vào ban ngày, nhiều nhà cùng tưới nên nguồn điện không những không đảm bảo mà chi phí lại cao vì tưới vào giờ cao điểm. Nhưng với hệ thống tưới nhỏ giọt, hầu hết được thực hiện vào ban đêm, giờ thấp điểm, nên chi phí tiền điện giảm đáng kể.
Anh Trần Minh Nhỏ, một thành viên CLB cho biết: “Khoảng 10 giờ đêm tôi ra bật máy bơm để hệ thống tự vận hành, khoảng ba tiếng sau thì tắt máy đi ngủ. Nhờ tưới vào giờ thấp điểm nên tiền điện giảm rất nhiều. Gia đình tôi trước đây mỗi tháng mất từ 1 đến 1,5 triệu đồng tiền điện, nay chỉ còn khoảng 600 đến 700 ngàn đồng”.
Tăng năng suất, chất lượng
Hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp người trồng tiêu giảm được chi phí cũng như tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Trước đây thường rắc phân trên bề mặt gốc tiêu sau đó dùng vòi tưới nên phân không ngấm sâu, một lượng lớn phân theo nước thất thoát.
Mặt khác, việc tưới nước bằng tay dễ làm sói mòn bộ rễ khiến cây tiêu mất sức, năng suất giảm. Với tưới nhỏ giọt, phân bón sau khi được hòa tan vào nước và theo hệ thống đường ống đến từng gốc tiêu. Nhờ đó tận dụng được tối đa lượng phân bón, hiệu quả cũng được nâng cao.
“Với hệ thống này không những tránh thất thoát phân bón, không gây ảnh hưởng đến bộ rễ cây mà chi phí phân bón cũng giảm hẳn. So với trước thì khi áp dụng tưới nhỏ giọt chi phí phân bón giảm đến 50%”- Anh Nguyễn Văn Nam, thành viên CLB tính toán.
Anh Nam còn cho biết, cũng nhờ đó mà năng suất tiêu trong những năm gần đây của hội viên CLB tăng đáng kể. Hiện nay với việc áp dụng công nghệ mới năng suất tiêu đạt khoảng 8 tấn trên 1 hecta, cao gấp đôi so với trước, bên cạnh đó chất lượng tiêu cũng được nâng cao, giá bán luôn cao hơn so với mặt bằng chung từ 10.000 đến 20.000đ/ kg.
Chính từ hiệu quả thiết thực đó mà theo ông Vương Đoàn Ngoãn, từ chỗ chỉ có 6 hộ tham gia ban đầu, đến nay đã có đến 70% trong tổng số 50 hội viên CLB tham gia thực hiện mô hình nước tưới nhỏ giọt.