Giảm đường, liệu có giảm được béo phì không?

Đường đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người.
Đường đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe mỗi người.
Nhiều người nghĩ đơn giản muốn chống béo phì chỉ cần bỏ hẳn đường ra khỏi các khẩu phần ăn hàng ngày. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy vấn đề không đơn giản như vậy, việc bỏ hẳn đường có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Ngạc nhiên với giá trị dinh dưỡng của đường

Theo lời khuyên từ Bệnh viện Đại học Michigan đường đóng vai trò quan trọng trong cơ thể người. Carbohydrate và đường chuyển hóa thành đường glucose. Glucose di chuyển đến các tế bào trong cơ thể, và từ đây chuyển biến thành năng lượng, để giúp cơ vận động và điều hòa nhiệt độ trong cơ thể. Dù một số bộ phận trong cơ thể có thể dùng chất béo và protein làm năng lượng để hoạt động, thì các tế bào hồng cầu và não đặc biệt chỉ sử dụng năng lượng từ glucose cung cấp. Chính vì vậy, để não hoạt động tốt và cơ thể vận động ổn định, mỗi người đều cần một lượng đường và carbohydrate nhất định hàng ngày.

Một nghiên cứu gần đây được đăng tải trên tạp chí của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ phát hiện ra rằng đường thậm chí còn có thể giúp tăng cường trí nhớ của người lớn tuổi.

Theo nghiên cứu, những người già tham gia vào cuộc nghiên cứu được cho uống một ly thức uống có hàm lượng đường glucose và yêu cầu họ thử làm các bài tập về trí nhớ. Một nhóm khác được cho uống loại thức uống có chất làm ngọt nhân tạo và cũng làm bài tập tương tự. Kết quả cho thấy nhóm được uống thức uống có hàm lượng đường glucose có thể phát huy hết sức khi thực hiện những việc khó mà không làm họ cảm thấy phải nỗ lực quá mức. Lượng đường trong máu tăng lên cũng khiến họ thấy vui vẻ hơn khi làm việc.

Vì đường thực sự là “nhiên liệu” hàng đầu cho não bộ, nên các nhà nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa ra lời khuyên, lượng đường tối đa mà cơ thể nên tiêu thụ mỗi ngày là 150 calories (tương đương 37,5g đường hoặc 9 muỗng cà phê đường) cho nam giới. Nữ giới cần 100 calories đường (tương đương 25g hoặc 6 muỗng cà phê đường) mỗi ngày.

Thậm chí, một số bài báo khoa học chỉ ra nếu loại bỏ hẳn đường khỏi bữa ăn hàng ngày, cơ thể có thể rơi vào tình trạng rối loạn ăn uống, não thiếu dưỡng chất hoạt động và cơ thể luôn lơ mơ như trong “màn sương mờ”.

Đường có gây béo phì không?

Trái với quan niệm “tội lỗi" về đường, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, ở một số quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Úc và nhiều nước Châu Âu, dù lượng đường tiêu thụ trên đầu người và tổng số đường tiêu thụ đã giảm trong 10 năm liên tiếp, thì tỷ lệ béo phì và tiểu đường vẫn tiếp tục gia tăng.

Luc Tappy, giáo sư ngành sinh lý học tại Đại học Lausanne, là một trong nhiều nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính gây ra tiểu đường, béo phì và bệnh cao huyết áp chính là do nạp nhiều calorie dư thừa, và đường chỉ đơn giản là một thành phần trong đó.

"Về lâu về dài thì việc nạp năng lượng vào nhiều hơn năng lượng tiêu hao sẽ dẫn đến tình trạng tích trữ mỡ, kháng insulin và gan nhiễm mỡ, bất kể thành phần bữa ăn có thế nào," Giáo sư Luc Tappy nhận định. “Còn với những người tiêu hao nhiều năng lượng và có chế độ nạp năng lượng cân bằng thì ngay cả chế độ ăn giàu fructose/nhiều đường vẫn chấp nhận được.”.

Béo phì vì đủ nguyên nhân

Giảm đường, liệu có giảm được béo phì không? ảnh 1 Lười vận động chính là nguyên nhân chính gây ra béo phì. Ảnh minh hoạ: Internet
Theo báo cáo của WHO trong năm 2018, thì các nguyên nhân gây béo phì là việc tiêu thụ quá mức các loại thực phẩm có nhiều chất béo, và lối sống thiếu hoạt động thể chất (do đặc thù công việc, phương tiện di chuyển và tình trạng đô thị hóa).

Lối sống ở các đô thị lớn thường khiến mọi người khu biệt vào các hoạt động cần rất ít vận động thể chất như tình trạng ngồi xe hơi, tàu điện hoặc xe máy trên đường nhiều giờ mỗi ngày. Trong khu vực văn phòng, nhân viên thường chỉ ngồi một chỗ từ 8 -12 giờ mỗi ngày và gần như không có các hoạt động thể chất. Với trẻ em, môi trường đô thị ngày càng chật hẹp khiến trẻ em ít vận động hơn, tương tác nhiều hơn với máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử. Sân chơi ở trường học và gia đình thu hẹp cũng khiến trẻ ngày càng ít vận động.

Ngoài các nguyên nhân nêu trên, với một số người, việc ăn uống có liên quan đến cảm xúc. Ăn uống quá mức kiểm soát theo cơn giận, buồn, lo lắng chính là nguyên nhân gây béo phì. Theo tạp chí MedicineNet của Mỹ, 30% những người phải chữa trị vì tình trạng tăng cân nghiêm trọng liên quan đến việc ăn uống quá độ do căng thẳng, lo âu.

“Tiêu diệt” béo phì

Để giải quyết tình trạng thừa cân, béo phì, một số quốc gia thường tập trung vào các chương trình giáo dục về dinh dưỡng cho phụ huynh và trẻ nhỏ. Tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, các khóa học để “đọc hiểu” sản phẩm dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng của thực phẩm được tổ chức rất thường xuyên trong cộng đồng, tại trường học và ngay cả trong những ấn phẩm phát miễn phí tại bệnh viện, nơi sinh hoạt cộng đồng.

Giảm đường, liệu có giảm được béo phì không? ảnh 2 Vận động thường xuyên sẽ giảm thiểu nguy cơ béo phì cho trẻ.

Ngoài ra, giáo dục về dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ tránh béo phì ngay từ nhỏ. Một quốc gia điển hình có những chính sách quan trọng trong việc giảm tình trạng béo phì là New Zealand. Quốc gia này thực hiện chương trình “Active Family” để cả gia đình cùng tham gia vào hoạt động thể chất, tăng cường chơi thể thao, vận động ngoài trời cùng với con, hướng dẫn trẻ ăn uống lành mạnh, giúp con vượt qua tình trạng thừa cân… 

Tại Việt Nam, Chương trình Sức khỏe Việt Nam của Bộ Y Tế trong năm 2019 đã phát động phong trào “10.000 bước chân mỗi ngày” để khuyến khích người dân đi bộ nhiều hơn, tăng cường các hoạt động thể lực vì sức khỏe và chống béo phì.

Giải quyết tình trạng béo phì triệt để là bài toán lâu dài và sâu sắc, mà ở đó người dân phải hiểu biết triệt để về việc thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất và tăng cường vận động, chứ không phải cực đoan tìm “mẹo” giảm cân dễ dàng qua truyền miệng.

MỚI - NÓNG