Trước đó, bà Mạnh - được mệnh danh là "Công chúa Huawei" - bị bắt tại sân bay quốc tế Vancouver (Canada) vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ. Bà bị chính quyền Mỹ cáo buộc gian lận khiến ngân hàng HSBC hiểu lầm về các giao dịch của Huawei tại Iran.
Theo Hoàn cầu Thời báo, bà Mạnh được trả tự do ngày 24/9 (giờ địa phương) sau khi đạt được một thỏa thuận với các công tố viên Mỹ. Với thoả thuận này, bà Mạnh sẽ không bị truy tố thêm ở Mỹ, và thủ tục dẫn độ sang Mỹ cũng sẽ chấm dứt.
Phó công tố viên liên bang Mỹ David Kessler cho biết thỏa thuận giữa hai bên sẽ chấm dứt vào tháng 12/2022. Nếu cho tới thời điểm ấy bà Mạnh không có thêm hành vi phạm pháp, các cáo trạng sẽ được hủy bỏ.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 7 của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong từng kiên quyết yêu cầu Mỹ hủy vụ dẫn độ đối với bà Mạnh
Tờ Wall Street Journal cho biết, bà Mạnh được cho là sẽ chỉ nhận tội với một số cáo buộc ít nghiêm trọng. Trong khi đó, cáo buộc chính nhằm vào bà sẽ bị hủy.
Tuy nhiên, William Taylor, một trong những luật sư đại diện cho bà Mạnh, khẳng định bà Mạnh "không nhận bất cứ tội danh nào".
Một nguồn thạo tin cho biết, bà Mạnh đã rời Canada trên một chuyến bay Air China 777 cất cánh từ sân bay quốc tế Vancouver lúc 16h30 (giờ địa phương), điểm đến là Thâm Quyến (Trung Quốc) vào tối thứ Bảy, 25/9.
Trong một đoạn video được công bố công khai, thiết bị theo dõi GPS mà bà Mạnh phải đeo quanh mắt cá chân suốt hơn hai năm qua đã được tháo bỏ. "Công chúa Huawei" có bài phát biểu ngắn, trong đó bà cám ơn thẩm phán và toà án Canada đã tôn trọng pháp quyền. Bà cũng gửi lời cám ơn đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Canada, đội ngũ bào chữa và các đồng nghiệp.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tập đoàn Huawei chưa đưa ra bình luận về việc bà Mạnh được trả tự do.
Theo các nhà phân tích, việc bà Mạnh được tự do để trở lại Trung Quốc là tín hiệu tích cực, có thể giúp xoa dịu căng thẳng quan hệ Trung - Mỹ.