Tại phiên thảo luận ngày 2/11, đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội quan tâm đến Quyết định 510 của Bộ Xây dựng về công bố suất vốn đầu tư xây dựng công trình và giá xây dựng tổng hợp bộ phận kết cấu công trình, bao gồm các công trình y tế.
Tuy nhiên, Quyết định này chỉ quy định suất vốn đầu tư cho các công trình bệnh viện đa khoa từ 50 - 1.000 giường bệnh và công trình bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương với 1.000 giường bệnh.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: Như Ý |
“Tại Hà Nội, đến tháng 11 có 5/10 loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không được cấp đủ để tiêm chủng cho trẻ, như: Vắc xin Sởi đơn, Bạch hầu – Ho gà - Uốn ván, Lao, Viêm gan B, Bại liệt dạng tiêm. Không có vắc xin tiêm chủng mở rộng, người dân phải tìm đến tiêm dịch vụ tốn kém; đối tượng bị ảnh hưởng nhất chính là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa”, bà Hà đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, coi đây là tình huống cấp bách, đưa ra các giải pháp đặc thù, đặc cách như tinh thần tại Nghị quyết 80 của Chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19.
Trong khi đó, nhiều địa phương đang sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh, thành phố với quy mô dưới 1.000 giường (Hà Nội đang có dự án Bệnh viện Thận- Tiết niệu và Bệnh viện Nhi Hà Nội).
Theo đại biểu, quá trình triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với các bệnh viện chuyên khoa gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do không có hướng dẫn về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm quy định về suất vốn đầu tư đối với bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh vào Quyết định 510 để làm cơ sở xác định tổng mức vốn đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công của ngành y tế.
Cảnh báo vướng mắc trong giai đoạn chuyển tiếp
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà cũng phản ánh về những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế. Theo bà Hà, năm 2023 là năm có nhiều văn bản liên quan đến công tác mua sắm trang thiết bị y tế.
Trong tháng 3, Chính phủ ban hành Nghị định 07 sửa đổi bổ sung Nghị định 98 năm 2021 về quản lý trang thiết bị y tế, đồng thời để tháo gỡ khó khăn trong bảo đảm thuốc và trang thiết bị y tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30.
Đến ngày 30/6, Bộ Y tế mới ban hành Thông tư 14, quy định trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua sắm hàng hóa và cung cấp dịch vụ thuộc lĩnh vực trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, bước đầu đưa các chủ trương quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn.
“Tuy nhiên, Thông tư 14 được xem như giải pháp có tính tình thế, tạm thời vì hiệu lực của Thông tư chỉ kéo dài cho đến hết năm 2023”, bà Hà nêu băn khoăn.
Theo đại biểu ngành y, trên thực tế, việc mua sắm trang thiết bị y tế từ giai đoạn lựa chọn danh mục đến phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng có thể kéo dài từ 3 - 8 tháng phụ thuộc vào danh mục trang thiết bị.
“Có thể thấy, thời gian có hiệu lực của Thông tư 14 quá ngắn đối với việc triển khai mua sắm trang thiết bị y tế”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nêu.
Vướng mắc cũng nằm ở thời điểm từ 1/1/2024, khi Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua có hiệu lực. Trường hợp, đến ngày này, các dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện có các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế theo Thông tư 14, nhưng các văn bản hướng dẫn Luật Đấu thầu chưa ban hành kịp, hoặc quy định hướng dẫn khác, thì các dự án triển khai sẽ rất vướng mắc và cũng tốn kém chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư trước đó.
“Tôi đề nghị, Chính phủ quan tâm tới quy định chuyển tiếp liên quan đến đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế từ Thông tư 14 sang thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn có liên quan, đảm bảo việc thực hiện đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không bị chậm trễ, không phải chờ các văn bản hướng dẫn. Lâu dài, cần ban hành các văn bản có tính căn cơ để giải quyết vấn đề mua sắm trang thiết bị y tế”, bà Hà nêu.