Giám đốc Sở KH&ĐT nêu con số 'giật mình': Có tiền, vì sao không tiêu được?

Dự án cầu vượt An Dương chậm tiến độ vì sự thiếu đồng bộ giữa các bên liên quan
Dự án cầu vượt An Dương chậm tiến độ vì sự thiếu đồng bộ giữa các bên liên quan
TP - Qua nửa năm 2019, cả 6 Ban quản lý dự án của thành phố Hà Nội đều có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức bình quân, đáng chú ý còn có những quận huyện giải ngân 0%.

Mới đây, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội nêu con số “giật mình” về tiến độ giải ngân vốn đầu tư cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố. Theo đó, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố chậm, nhất là ở cấp thành phố.

Đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, tính đến hết ngày 31/5/2019, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%), như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Cả 6 Ban quản lý dự án (BQLDA) của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân ở mức thấp dưới mức bình quân.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một số BQLDA các quận nội thành đều thừa nhận  có việc chậm giải ngân vốn dưới mức trung bình trong 6 tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân do nhiều vướng mắc về cơ chế, trong đó có thẩm duyệt về PCCC. Một vị đại diện nêu ví dụ về các dự án cải tạo, nâng tầng ở các trường học nội đô để đáp ứng số lượng học sinh ngày càng tăng. Tuy nhiên, cơ quan PCCC yêu cầu một số tiêu chí PCCC mà trước đây thời điểm xây trường cũ không có nhưng không có khả năng khắc phục.

Ví dụ, cơ quan PCCC yêu cầu đường chạy xung quanh tòa nhà rộng 3,5m. Trong khi khối nhà trước đây có 1 mặt sát với tường rào nên không thể bổ sung đường. Bên cạnh đó, nhóm dự án cải tạo chỉnh trang vỉa hè sau thanh tra các BQLDA quận, huyện cũng phải rà soát lại kỹ càng hơn nên cũng bị chậm hàng chục tỷ đồng…

Thêm tương tác, gỡ khó cho các dự án

Phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định nếu thành phố để lại một nguồn tiền không tiêu hết trong nguồn lực đầu tư công, dự án không được vận hành là có lỗi với người dân.

Theo ông Chung trong 4 năm vừa qua, một trong những nguyên nhân khách quan đó là việc Luật Đầu tư công có hiệu lực, tác động đến toàn bộ quá trình điều hành cũng như việc đầu tư công của thành phố, các tỉnh thành và các bộ, ban, ngành. Ngoài ra, ở nhiệm kỳ trước, danh mục đầu tư công trung hạn được Quốc hội phê duyệt vào tháng 10 năm 2015, HĐND thành phố thông qua danh mục này vào tháng 12/2015. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ này, tháng 12/2017 danh mục đầu tư công của thành phố mới được phê duyệt.       

Theo lãnh đạo thành phố, sau khi sắp xếp lại BQLDA, thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công, các bộ phận thiết lập hồ sơ làm chặt chẽ hơn nên các khâu chậm hơn… Ông Chung khẳng định: “Thời gian tới tăng cường tương tác, chỉ đạo giải quyết khó khăn cho các BQLDA. Cải cách các khâu vướng mắc mà do sự phối hợp thẩm định giữa các Sở ngành với các BQLDA. Khâu này cần phải cải cách”.  

MỚI - NÓNG