Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Xử nghiêm trường hợp ép học sinh không thi vào lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 21/4 tại Hội nghị hướng dẫn tuyển sinh đầu cấp, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương yêu cầu các Phòng GD&ĐT quán triệt các trường THCS tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tư vấn học sinh không thi vào lớp 10.

Theo hướng dẫn tuyển sinh lớp 10 THPT 2022-2023, thực hiện Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tổ chức đảm bảo công bằng, chính xác, khách quan đảm bảo 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường THPT, các trung tâm GDNN- GDTX… Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Hà Nội năm nay diễn ra trong 2 ngày từ 18-19/6 với 3 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Xử nghiêm trường hợp ép học sinh không thi vào lớp 10 ảnh 1

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương

Ông Trần Thế Cương yêu cầu, các trường chuẩn bị tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 phải thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Thời điểm này, các trường THCS hướng dẫn học sinh thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng, thuận lợi cho học sinh, phụ huynh.

“Đã có dư luận về việc giáo viên, nhà trường ép học sinh không đăng ký thi vào lớp 10. Tôi đề nghị các Phòng GD&ĐT quán triệt trường THCS chấm dứt ngay tình trạng vận động học sinh không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay cũng như các năm tiếp theo (nếu có)”, ông Cương nói.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, việc học tập và đăng ký nguyện vọng tuyển sinh vào các trường THPT là quyền, nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh. Công tác phân luồng sau THCS, nhà trường phải định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn đúng, không có tính ép buộc.

Cũng theo ông Cương, phân luồng là chủ trương đúng đắn nhiều năm nay, trong đó học sinh cần được tư vấn, hướng nghiệp sớm. “Ví dụ, sức học của con như thế này và có những lựa chọn như thế này… nhưng con chọn phương án nào là quyền của con, tuyệt đối không được tư vấn, “ép” như các báo đã nêu. Đề nghị các hiệu trưởng, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Sở GD&ĐT, UBND thành phố nếu để xảy ra sự việc. Đồng thời, nếu phát hiện trường, đơn vị nào có hiện tượng đó phải xử lý nghiêm”, ông Cương nói.

Hôm qua, trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện, 1 học sinh lớp 9, Trường THCS Dịch Vọng có điểm tổng kết học kỳ I đạt loại Khá (7,2 điểm) nhưng cách đây ít hôm giáo viên chủ nhiệm, giáo viên 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh cùng đại diện Ban giám hiệu gọi phụ huynh đến trao đổi, đưa ra phương án học tập cho con.

Cụ thể, giáo viên đề nghị cho con học trường tư, phụ huynh ký giấy cam kết không thi tuyển vào lớp 10 vì sợ ảnh hưởng thành tích của trường.

Thông tin lập tức gây bão dư luận, nhận được sự đồng cảm của nhiều phụ huynh học sinh khác.

Tuy nhiên, đại diện nhà trường, Phòng GD&ĐT đã phủ nhận thông tin kể trên.

Dẫu vậy, không ít phụ huynh cho biết, đã từng rơi vào tình cảnh “ép buộc” phải "nuốt nước mắt" ký vào đơn “tự nguyện” cho con không thi tuyển vào lớp 10.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.