Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang: Nếu có 'góc khuất', nó phải rất tinh vi

Ông Vũ Văn Sử -Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang
Ông Vũ Văn Sử -Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang
TPO - Sáng 14/7, ông Vũ Văn Sử giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang đã có cuộc trao đổi với Tiền Phong trước khi bắt tay vào rà soát lại quy trình tổ chức thi, chấm thi theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Ông Sử cho rằng, quy trình chặt chẽ, có máy móc và con người giám sát , nhưng nếu có "góc khuất" thì nó phải rất tinh vi!

Kết quả điểm thi khối A1 của tỉnh Hà Giang trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 cao bất thường hơn so với năm trước của tỉnh, cũng như cao hơn so với phổ điểm chung của cả nước. Ông có nhận định như thế nào?

Tôi khá bận hết chỉ đạo công tác thi lại đến họp Hội đồng nhân dân. Khi anh em hoàn thành việc đối khớp thành công theo quy định, tôi ký bản cứng cho phép công bố trên hệ thống. Khi đó, tôi chưa kịp xem kết quả như thế nào vì danh sách rất nhiều, chữ rất bé và đã giao thì phải để anh em tiếp tục làm. Chưa kịp nhận ra vấn đề trong kết quả thì báo chí đã thông tin. Khi tôi xác minh thì đúng là có chuyện điểm cao hơn mọi năm, thậm chí so sánh với chỗ nọ chỗ kia có cao hơn. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến phản ánh của báo chí.

Báo chí và dư luận đang cho rằng có sự bất thường về kết quả điểm thi khối A1, đặc biệt có văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Ban chỉ đạo thi THPT Quốc gia của Hà Giang rà soát lại quy trình. Ông có cho rằng đây chuyện bình thường?

Trên cơ sở phản ánh của báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo mà chính xác là Ban chỉ đạo thi Quốc gia và Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã yêu cầu Hội đồng thi số 05 cụm Hà Giang tiến hành quá trình rà soát các khâu, quy trình việc tổ chức chấm thi, còn quá trình coi thi thì rất thành công, an toàn dù trong điều kiện mưa lũ.

Tuy nhiên, trong quá trình chấm thi, nói là tiếp thu không chỉ là tiếp thu không. Thực tế, chúng tôi đã và đang chỉ đạo tổ chức thực hiện tất cả các khâu và nội dung từ khi bắt đầu công tác chấm thi được thực hiện. Hôm nay dù ngày nghỉ nhưng chúng tôi vẫn huy động những người có liên quan để rà soát tất cả các quy trình.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang: Nếu có 'góc khuất', nó phải rất tinh vi ảnh 1  

Với phổ điểm các môn khối A1 của học sinh Hà Giang cao như năm nay, có chênh hơn nhiều so với năm ngoái không, thưa ông?

Chúng tôi đang rà soát điều này.

Vậy kết quả thi năm nay theo ông là là phản ánh từ sự đột phá trong chất lượng giáo dục hay có việc bất thường? 

Đột phá hay bất thường đến giờ tôi chưa có kết luận gì. Khi đang trong quá trình tiến hành rà soát thì không thể nói theo dư luận mà phải nói theo thực tế trên cơ sở kết quả rà soát nghiêm túc, vô tư, khách quan.

Đổi mới giáo dục cả nước làm thì Hà Giang chúng tôi cũng làm. Ví dụ trong cuộc thi toán học trẻ cả nước có 9 bạn (7 em Hà Nội, 1 em Hải Phòng và 1 em Hà Giang) được huy chương bạch kim, được sang bên Singapore thi vòng chung kết. Kết quả, có 6 em đạt huy chương trong đó có em Tuấn Dũng của Hà Giang. Đó là điều tôi cho rằng kết quả nhất định.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD&ĐT cho rằng, có sự giám sát cao, nhưng từ khâu bài thi đưa về mà máy chấm nhưng người giám sát, theo ông có kẽ hở nào dẫn đến sai sót?

Việc tổ chức thi như năm nay mới là năm hai. Lần đầu tiên còn thi cụm, em nào thi tốt nghiệp thì ở Hà Giang, em nào có nguyện vọng thi tốt nghiệp và xét đại học thì thi tại Tuyên Quang. Năm 2017-2018 thì thi như thế này chỉ tại một điểm,một lần và được sự hỗ trợ của hệ thống chính trị.

Với những gì cần làm thì chúng tôi đã làm. Nơi chấm thi chọn nơi yên tĩnh, cơ sở vật chất mới và rất tốt, cách biệt với dân cư. Thứ hai, số lượng con người làm thi thì không thiếu lực lượng công an, lực lượng phục vụ, lực lượng chấm thi. Máy móc tốt. Thứ ba, chúng tôi có nhiều biện pháp nâng cao tính bảo mật, đảm bảo an toàn khách quan. Lắp hệ thống camera giám sát giúp đồng chí công an, khi cần thiết thì trích xuất hình ảnh có ngay để bảo vệ lưu giữ bài thi và các hồ sơ theo chế độ bảo mật. Cửa chúng tôi khoá bằng hai khoá, trưởng ban chấm thi giữ một chìa, trưởng ban thư ký thì giữ một chìa. Việc đó được mở theo quy chế. Chúng tôi có giải pháp nâng cao tính bảo mật, an toàn.

Giám sát có công an, thanh tra của Sở, giám sát của Học viện Ngân hàng, thanh tra Bộ. Một hai người làm nhưng có ba bốn người ngồi bên cạnh, cùng trực tiếp nhìn màn hình. Mọi hoạt động, động thái đều có chữ ký. Tôi thấy thực hiện rất nghiêm túc.

Ông có thể cho biết quy trình rà soát lại công tác coi thi, chấm thi, bảo quản bài thi sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Quy trình làm thi đi như thế nào thì bây giờ hội đồng lại lần ngược lại, tất cả các phần các khâu chi tiết tỉ mỉ. Thậm chí, chúng tôi sẽ đối chiếu xem từng biên bản từng ngày diễn ra có đúng với thực tiễn không. Tất cả những người làm còn ở đây thì phải đối chiếu lại.

Những việc không minh bạch phải rất tinh vi

Có ý kiến cho rằng, có kẽ hở trong việc bảo quản bài thi, trước khi rọc phách người làm có thể gian lận ở điểm này. Ông có tính đến không?

Thực ra đó là những tình huống mọi người có thể đặt ra, tôi nghĩ rằng mọi người có quyền đặt ra. Nhưng xin nói, sự chặt chẽ của nó cũng không thể xem thường được. Ví dụ khi mở phòng đựng bài thi thì phải có mấy người theo quy định, theo quy chế người cầm chìa khoá là tưởng ban, người thứ hai là sự chứng kiến của công an, người thứ ba ít nhất, là uỷ ban thư ký. Chuyện gì có ba người là tập thể.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội, phòng thi có 2 giám thị nhưng vẫn bị lộ đề do giáo viên tuồn ra. Vậy có nên tin tưởng hết tất cả vào một người cụ thể và có trách nhiệm cao?

Tôi cho rằng, trước hết chúng ta phải tin tưởng, nếu không tin tưởng thì không giao nhiệm vụ. Sự tin tưởng đó đến đâu thì rất khó, bây giờ chúng ta nói tin tưởng tuyệt đối ai dám nói vậy, nhưng phải tin tưởng. Tin tưởng thì chúng ta mới giao nhiệm vụ. Còn con người làm cụ thể đó còn một góc khuất nào đó, còn gì đó mà chúng ta có thể khó biết vì khi những việc không minh bạch thì bao giờ cũng phải rất tinh vi. Bởi vì nó tinh vi nên chúng ta mới không nhìn thấy, nếu dễ dàng cho chúng ta nhìn thấy thì không thể gọi tinh vi được. Và chính những điều chúng ta có thể mắc phải thì ở chỗ đó vì con người mà, con người có đủ các mối quan hệ xã hội đan xen giằng xé. Ở nhà anh có thể là người bố, người anh, người con trong gia đình, ra ngoài xã hội thì đầy đủ các mối quan hệ phức tạp.

Vậy ông nghĩ sao khi nhiều thí sinh thi thử có điểm thấp, thi thật có điểm cao như vậy?

Chuyện này không có gì quá đặc biệt. Chúng ta đều đã ngồi trên ghế nhà trường, có những phần, chương, môn nắm chắc, học thuộc nhưng hôm đi thi chỉ làm đạt mức trung bình, thậm chí yếu về tiếc mãi. Tôi nghĩ những bạn ngồi đây qua rất nhiều kỳ thi thì kỳ thi nào cũng tiếc, chẳng ai thoả mãn tuyệt đối. Ngược lại, có những bạn học bình thường nhưng có nhiều lý do mà hôm đó làm tốt hơn. Tôi cho rằng những chuyện đó mọi người có quyền suy nghĩ, tuy nhiên không có gì quá đặc biệt.

Ông có tin tưởng sau khi rà soát sẽ đem lại một kết quả khả quan nào đó để hoá giải những nghi ngờ hiện nay hay không?

Tôi nghĩ rằng, phải có kết quả thì mới bỏ công phức tạp, gian khổ như thế này.

Trong trường hợp rà soát có sự không minh bạch có tổ chức chấm lại?

Mọi sự phải có sự chỉ đạo của ban chỉ đạo thi quốc gia và ban chỉ đạo thi cấp tỉnh.

Quy trình giám sát có sự tham gia của đơn vị khác nào, thưa ông?

Trước hết, Chúng tôi - Hội đồng thi phải tổ chức rà soát.

Quy trình rà soát đã tiến hành được bước nào?

Chúng tôi đang đặt ra kế hoạch từng buổi một, ít nhất một ngày họp với anh em đang tiến hành 4 lần. Ít phát nữa lại họp triển khai xong lại xem kết quả, rồi lại họp.

Trước sự việc  này, có ý kiến trong dư luận cho rằng, chỉ còn 72 ngày nữa về nghỉ hưu nên Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Văn Sử "đánh một mẻ lớn", ông có suy nghĩ gì?

Suy nghĩ thì nhiều lắm. Mọi thứ chặt chẽ thì phải xuất phát chính bản thân con người tham gia nhận thức trách nhiệm với mình, với người với nhân dân, Đảng, Chính quyền.

Tôi không phải còn 72 ngày nữa về hưu mà phải cộng thêm 4 ngày. Quyền đánh giá, bình luận là ở quan điểm, nhận thức mỗi người. Mình như thế nào không nên tự nói về mình mà để cho tổ chức, chính quyền, nhân dân - giáo viên học trò của tôi, những người từng cộng tá về mình. Tôi ở trong nghề 37 năm, học trò của tôi, những người từng cộng tác với tôi người ta đều biết chuyện đó. Tôi khẳng định, trên đời này, không ai có thể giấu nhân dân điều gì. Tôi tin rằng, cả cuộc đời công tác gắn bó mảnh đất này, chắc chắn sẽ có sự chứng minh

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.