Giám đốc ĐH Thái Nguyên: Không có chuyện “lọt cửa” lấy được bằng tiến sĩ

Giám đốc ĐH Thái Nguyên: Không có chuyện “lọt cửa” lấy được bằng tiến sĩ
Đây là khẳng định của GS.TS Đặng Kim Vui - Giám đốc ĐH Thái Nguyên sau khi công bố kết quả xác minh vụ việc “200 triệu lấy bằng tiến sĩ” khi trao đổi với phóng viên về quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay của Đại học Thái Nguyên.

Ông Đặng Kim Vui khẳng định, quá trình đào tạo Tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên được tuân thủ quy trình chặt chẽ và thường xuyên báo cáo Bộ GD&ĐT. Trong quá trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp nào khiếu nại, khiếu kiện và cũng chưa có trường hợp tiến sĩ nào phải bảo vệ lại luận án của mình.

- Xin ông cho biết những thông tin cơ bản về quy trình tổ chức đào tạo trình độ tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên trong những năm vừa qua.

GS.TS Đặng Kim Vui: Đại học Thái Nguyên được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ từ năm 1998 với 2 chuyên ngành đầu tiên là Trồng trọt và Chăn nuôi động vật. Đến nay, toàn Đại học đang đào tạo 28 chuyên ngành trình độ tiến sĩ với các lĩnh vực: khoa học giáo dục, xã hội - nhân văn, kinh tế, kĩ thuật công nghiệp, kĩ thuật nông nghiệp và y học.

Từ năm 2005, Bộ GD&ĐT ban hành quy định phân cấp quản lý cho Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. Theo quy định này, Đại học Thái Nguyên được quyền tự chủ từ khâu tuyển sinh đến việc tổ chức đánh giá luận án tiến sĩ cấp Đại học (trước đây là cấp Nhà nước), quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ.

Chính vì cậy, công tác quản lý và đào tạo tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên trong những năm gần đây đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Nhằm cụ thể hóa “Quy chế đào tạo tiến sĩ” của Bộ GD&ĐT, Đại học Thái Nguyên đã ban hành nhiều quy định và văn bản hướng dẫn thực hiện cho các cơ sở giáo dục đại học thành viên.

Hệ thống văn bản quy định về đào tạo trình độ tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên là khá đầy đủ và chặt chẽ, được công bố công khai trên trang web của Đại học Thái Nguyên và các trường đại học thành viên.

Giám đốc ĐH Thái Nguyên: Không có chuyện “lọt cửa” lấy được bằng tiến sĩ ảnh 1

GS.TS Đặng Kim Vui 

Từ vụ việc của ông Đàm Khải Hoàn, dư luận có nhận định không tốt về quy trình đào tạo tiến sĩ hiện nay. Ông đánh giá thế nào về công tác tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo tiến sĩ của Đại học Thái Nguyên trong những năm vừa qua?

GS.TS Đặng Kim Vui: Từ năm 2009 đến nay, Đại học Thái Nguyên tổ chức xét tuyển đào tạo tiến sĩ, việc xét tuyển theo quy chế, đúng chỉ tiêu mà Bộ GD&ĐT đã phê duyệt hàng năm.

Đại học Thái Nguyên chỉ đạo sát sao các cơ sở giáo dục đại học thành viên, đơn vị quản lý chuyên môn thực hiện đúng quy chế đào tạo và yêu cầu nghiên cứu sinh, người hướng dẫn thực hiện đúng kế hoạch học tập và nghiên cứu.

Cụ thể: Sau khi NCS và thầy hướng dẫn được công nhận, Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành viên ra quyết định giao NCS về sinh hoạt chuyên môn tại khoa/ bộ môn quản lý chuyên môn.

Trong thời hạn 24 tháng đầu của thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, NCS phải hoàn thành các học phần trình độ thạc sĩ (đối với NCS xét tuyển có bằng đại học); 8-12 tín chỉ các học phần ở trình độ đào tạo tiến sĩ (3-4 học phần); 3 chuyên đề tiến sĩ (6 tín chỉ); Bài tiểu luận tổng quan.

Ngoài ra, NCS phải học bổ sung một số môn học ở bậc đại học, thạc sĩ nếu người hướng dẫn yêu cầu.

NCS có ít nhất 5 báo cáo khoa học trình bày ở bộ môn về kết quả nghiên cứu, trong đó có 1 báo cáo trình bày tổng thể kết quả nghiên cứu đề tài luận án. NCS phải tham dự và báo cáo seminar theo kế hoạch của khoa/ bộ môn, kế hoạch học tập của NCS.

Tiến hành đề tài luận án tiến sĩ theo kế hoạch đề cương NCS xây dựng có sự giám sát, kiểm tra của bộ môn/ khoa và nhà trường. Các thủ tục gia hạn thời gian nghiên cứu và bảo vệ luận án, trả nghiên cứu sinh về cơ quan công tác và cho phép quay trở lại bảo vệ luận án.. đều thực hiện đúng theo quy định.

Tất cả các NCS phải đảm bảo các điều kiện để được phép trình luận án tiến sĩ ra bảo vệ cấp cơ sở.

Trong quá trình đào tạo, Đại học Thái Nguyên thường xuyên thanh tra, kiểm tra, rà soát tiến độ thực hiện đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ, xử lý kịp thời những vấn đề thuộc quy chế quy định như: Gia hạn thời gian học tập, không hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và học tập, thể hiện sự sàng lọc tự nhiên trong quá trình đào tạo.

Trong giai đoạn 2009 - 2014, Đại học Thái Nguyên đã ra quyết định cho thôi học 28 NCS vì không hoàn thành nhiệm vụ học tập và nghiên cứu, hoặc NCS tự xét thấy không có khả năng tiếp tục học tập, chủ động xin thôi đào tạo.

Liệu có khả năng một giảng viên, một thành viên trong hội đồng có thể quyết định cho NCS bảo vệ thành công luận án hay không? Có thể dùng tiền để mua chuộc các hội đồng hay không?

GS.TS Đặng Kim Vui: Để đào tạo được một tiến sĩ, hay một thạc sĩ đều phải tuân thủ theo một quy trình với nhiều công đoạn và có sự giám sát chặt chẽ của trưởng bộ môn, khoa chuyên môn. Một cá nhân như ông Hoàn không đủ khả năng "lấy được bằng Tiến sĩ với giá 200 triệu đồng" như một số báo đã đăng tải.

Không có chuyện dùng “lọt cửa” được, vì quy chế đào tạo của Bộ GD&ĐT rất rõ ràng. Thầy hướng dẫn trực tiếp chỉ có thể hỗ trợ nghiên cứu sinh rõ vấn đề, viết nhanh hơn phần đề cương. Còn nghiên cứu không thể chỉ ngồi viết mà phải có số liệu thực tiễn qua điều tra, thí nghiệm...

Việc đăng bài báo khoa học cũng không thể chỉ nhờ thầy là xong. Nếu cứ nói mua thì phải mua cả phản biện, mà các phản biện đều được bảo mật danh tính rất kĩ lưỡng. Chưa kể bài đăng trên tạp chí, các nhà khoa học đọc và sẽ ý kiến. Không tạp chí uy tín nào làm như vậy.

Trong Hội đồng, có 2 phản biện độc lập là những người được bảo mật tuyệt đối về danh tính, không thể có chuyện NCS có thể dùng tiền

Trước khi thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp đại học, Giám đốc Đại học Thái Nguyên xin ý kiến của 2 phản biện độc lập về luận án. Ý kiến của phản biện độc lập có vai trò tư vấn cho Giám đốc Đại học Thái Nguyên trong việc xem xét đánh giá chất lượng của luận án tiến sĩ và quyết định cho NCS bảo vệ luận án.

Danh sách phản biện độc lập là tài liệu mật của Đại học Thái Nguyên, chỉ có Giám đốc Đại học và Trưởng ban Sau đại học được biết. Đơn vị đào tạo, khoa/ bộ môn quản lý chuyên môn, người hướng dẫn và NCS không được tìm hiểu về phản biện độc lập.

Thời gian, địa điểm bảo vệ luận án, tên đề tài luận án của NCS được công bố công khai, rộng rãi trên trang web của Bộ GD&ĐT, trang web của Đại học Thái Nguyên, bản tin của Đại học Thái Nguyên, trang web của đơn vị đào tạo, trên Báo Nhân dân trước ngày bảo vệ ít nhất 10 ngày để những người quan tâm có thời gian tìm hiểu luận án và tham dự phiên bảo vệ.

Luận án, tóm tắt luận án được gửi đến các thành viên Hội đồng, các nhà khoa học, các tổ chức khoa học theo danh sách được Hội đồng đánh giá cấp cơ sở quyết định và được trưng bày ở phòng đọc Trung tâm học liệu (Đại học Thái Nguyên), thư viện của đơn vị đào tạo ít nhất 30 ngày trước ngày bảo vệ.

Toàn văn luận án, tóm tắt luận án và trang thông tin những đóng góp mới về mặt học thuật, lí luận, điểm mới về khoa học và thực tiễn của luận án được đăng tải trên trang web của Đại học Thái Nguyên, trang web của Bộ GD&ĐT trước bảo vệ ít nhất 30 ngày.

Việc kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT diễn ra như thế nào?

GS.TS Đặng Kim Vui: Quy trình bảo vệ luận án cấp cơ sở và cấp Đại học Thái Nguyên được tổ chức chặt chẽ. Giám đốc Đại học Thái Nguyên quyết định thành lập Hội đồng đánh giá luận án cấp cơ sở và cấp Đại học.

Thành viên Hội đồng đánh giá luận án được lựa chọn chủ yếu từ danh sách các nhà khoa học do cơ sở giáo dục đại học thành viên giới thiệu. Tất cả các nhà khoa học làm nhiệm vụ phản biện luận án trong Hội đồng là cán bộ khoa học ngoài cơ sở đào tạo. Các hội đồng đảm bảo quy định tỉ lệ thành viên là các nhà khoa học ngoài Đại học Thái Nguyên.

Vào các tháng chẵn trong năm, Đại học Thái Nguyên báo cáo Bộ GD&ĐT danh sách NCS đã bảo vệ luận án tiến sĩ trong thời gian 2 tháng. Trên cơ sở báo cáo của Đại học Thái Nguyên, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thẩm định 19 hồ sơ và luận án tiến sĩ. Các hồ sơ liên quan đến quá trình đào tạo trình độ tiến sĩ được thẩm định thuộc tất cả các lĩnh vực đào tạo hiện có của Đại học Thái Nguyên, rải đều ở 5 trường thành viên.

Các kết quả thẩm định hồ sơ quá trình đào tạo đạt yêu cầu 100%. Kết quả thẩm định nội dung chất lượng luận án tiến sĩ đạt yêu cầu 100%.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Theo Giáo Dục & Thời Đại
MỚI - NÓNG