Trong buổi thảo luận tổ chiều 21/10 (kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13), đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc công an TP Hà Nội khẳng định tai nạn giao thông vẫn đang gây tổn thất to lớn không chỉ về con người mà còn kinh tế. Vì vậy, cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn trong xử lý vi phạm giao thông.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung, giám đốc công an TP Hà Nội. Ảnh: ĐĐK.
"Mức xử phạt vi phạm hiện nay của chúng ta còn quá nhẹ nên chưa tạo được tính răn đe. Vì vậy, việc chấp hành luật lệ giao thông chưa nghiêm túc. Tôi cho rằng cần phải có những biện pháp xử lý mạnh hơn để họ sợ không dám vi phạm", Thiếu tướng công an đề xuất.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Phạm Quang Nghị đồng tình với đề xuất tăng hình phạt vi phạm an toàn giao thông vì các chế tài hiện nay còn quá nhẹ so với hậu quả của những hành vi gây ra cho xã hội.
Đơn cử như một việc rất nhỏ là mua vé xe buýt nhưng nhiều người vẫn trốn vé, ông Nghị cho rằng, ở các nước khác nếu bị phát hiện, người trốn vé sẽ bị phạt với số tiền gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với giá vé. Nhưng ở Việt Nam lại không hề có chế tài xử lý.
Cách đây vài năm Hà Nội có tình trạng đổ phế thải ra đường vào ban đêm, nhưng mức phạt chỉ có 200-300.000 đồng. Với số tiền này không thể đủ để thuê người di chuyển phế thải ra bãi rác.
"Một lần bắt được tôi đã yêu cầu xử lý bằng pháp luật, như vậy mới đủ sức răn đe. Đối với các vi phạm khác trong đó có vi phạm về giao thông, hễ cứ nói đến phạt thì dư luận lại có thái độ bênh vực những người vi phạm, bảo họ lấy đâu ra tiền. Lấy ở đâu tôi không biết, cứ gây hậu quả nặng cho xã hội là phải chịu phạt", Bí thư thành ủy Hà Nội nói.
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, sẽ còn hai buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế, xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, diễn ra vào hai ngày 30 và 31/10.
Theo Hoàng Thùy