Giảm điện năng, tăng hiệu quả ở “Vương quốc hoa cúc”

Giảm điện năng, tăng hiệu quả ở “Vương quốc hoa cúc”
TP - Làng hoa Trại Mát được mệnh danh là “vương quốc hoa cúc” bởi nơi đây hội tụ đủ loài hoa cúc và cũng là nguồn sản xuất hoa cúc lớn nhất tại thành phố hoa Đà Lạt (Lâm Đồng). Những chủ nhân của “Vương quốc hoa cúc” không ngừng tìm nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời tiết giảm lượng điện tiêu thụ ở mức thấp nhất.

> Xứ dừa 'đồng khởi' tiết kiệm điện
> Phụ nữ thành phố ngàn hoa 'vào cuộc' tiết kiệm điện

Giảm điện, tăng ánh sáng

Từ trên cao nhìn xuống, làng hoa Trại Mát trườn theo thung lũng với những ngôi nhà kính hiện đại. Về đêm, những căn nhà kính sáng rực rỡ một góc trời bởi hệ thống chiếu sáng cho hoa.

Theo các hộ dân trồng hoa tại Trại Mát, muốn cho cây hoa đẹp, đạt chiều cao tối đa, hoa to và nở được lâu thì phải trồng trong nhà kính và phải sử dụng điện để chiếu sáng cho hoa. Trước đây, đèn chiếu sáng trong nhà kính đều sử dụng bóng đèn sợi đốt, nên chi phí điện năng rất lớn. Sau khi được Hội nông dân và ngành điện phổ biến, hướng dẫn về việc tiết kiệm điện, người dân đã nhận thấy lợi ích của bóng đèn compact nên chuyển sang sử dụng loại bóng này thay cho đèn sợi đốt.

Không những dùng đèn compact để chiếu sáng, người nông dân còn thử nghiệm dùng thêm chóa đèn phản quang. Kết quả là giúp tăng độ sáng của đèn lên gấp hai lần. Do đó mật độ bố trí các đèn giảm xuống so với hệ thống cũ. Độ cao của các bóng đèn cũng được nâng lên trên 2,5m, thay vì 1,6m như trước đây, nên mức độ lan tỏa của ánh cũng rộng hơn. Với mô hình mới này, người nông dân ở làng hoa Trại Mát hàng tháng tiết kiệm một lượng điện rất lớn từ đó giảm tiền điện hàng tháng.

Anh Đặng Công Hiếu (phải) đầu tư cải tiến hệ thống chiếu sáng giúp tiết giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ.
Anh Đặng Công Hiếu (phải) đầu tư cải tiến hệ thống chiếu sáng giúp tiết giảm đáng kể lượng điện tiêu thụ.

Anh Đặng Công Hiếu, một chủ trang trại hoa ở Trại Mát cho biết với 8.000m2, anh đã dùng 500 bóng đèn compact và 500 chóa để chiếu sáng cho hoa. Anh Hiếu chia trang trại thành 14 dãy đèn đặt so le nhau, mỗi dãy 8 bóng. Khoảng cách giữa hai đèn gần nhất trong mỗi dãy là 2,5m và giữa hai dãy gần nhất là 2,4m. Sau khi đo đạc các giá trị độ rọi cho thấy hệ thống chiếu sáng cho hoa cúc như vậy rất đạt yêu cầu, giúp cho hoa phát triển và tăng trưởng rất nhanh. Anh Hiếu cho biết thêm, trước đây dùng hệ thống chiếu sáng cũ không có chóa đèn anh phải đặt khoảng cách giữa các bóng đèn là 2m mới đủ chiếu sáng cho hoa. Đối với hệ thống chiếu sáng cũ, thời gian cần thiết để chiếu sáng cho hoa trong 12 giờ/đêm và tổng số ngày phải chiếu sáng cho hoa trong một năm là 120 ngày. Trong khi đó đối với hệ thống chiếu sáng được thiết kế mới có độ rọi cao gấp đôi và độ đồng đều gần như tuyệt đối thì thời gian cần thiết để chiếu sáng cho hoa trong chỉ còn 7 giờ/ đêm.

Ông Nguyễn Văn Lợi, một chủ nhân trang trại hoa rộng trên 10 nghìn mét vuông ở Trại Mát giãi bày: “Lúc trước chưa biết tiết kiệm điện là gì nên cứ dùng “thả ga” và hàng tháng thấy “chóng mặt” khi phải trả tiền điện”. Ông cho biết, sau khi được hướng dẫn về việc thực hành tiết kiệm điện, gia đình ông đã biết sử dụng điện một cách tiết kiệm và hiệu quả. Ông chia sẻ: “Thay vì phải chiếu sáng cho hoa trong một tháng rưỡi, với hệ thống chiếu sáng mới hiện nay, tôi chỉ chiếu sáng trong 28 ngày đã đủ cho hoa tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, tôi còn dùng rơle tự động, cứ 40 phút chiếu sáng, rơle lại tự động ngắt hệ thống điện và nghỉ 20 phút, sau đó tự động đóng điện trở lại”. Ông Lợi còn biết hạn chế bật điện vào giờ cao điểm từ 17 đến 21 giờ. Với việc sử dụng điện khôn khéo đã giúp gia đình ông Lợi đỡ “chóng mặt” khi nhân viên điện lực đến thu tiền.

Hiệu quả lớn nhờ… nhỏ giọt

Với mô hình tưới nước nhỏ giọt, trang trại hoa của gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở Tự Phước (Trại Mát) không những vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm nước, lại đạt năng suất cao. Ông Tân cho biết: “Mỗi một vụ hoa kéo dài trong thời gian ba tháng, trong đó có hai tháng ngày nào cũng phải tưới. Trước đây, khi chưa sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt, chi phí tiền điện bơm nước tưới tốn kém rất nhiều. Từ khi dùng hệ thống tưới nhỏ giọt, cứ ngày tưới, ngày nghỉ. Có nghĩa là thời gian tưới giảm còn một tháng rưỡi, và một lần tưới chỉ 20 phút. Việc giảm thời gian tưới đã giúp tiết kiệm đáng kể chí phí tiền điện so với trước đây. Hơn nữa, hệ thống dây điện cũng được tôi đầu tư mới để tránh tổn thất điện, tránh rò rỉ gây nguy hiểm cho mình và tiết kiệm điện hơn”.

Làng hoa Trại Mát với nhiều nhà kính trang bị hệ thống chiếu sáng, tưới nước tiết kiệm điện
Làng hoa Trại Mát với nhiều nhà kính trang bị hệ thống chiếu sáng, tưới nước tiết kiệm điện.

Mặc dù những giải pháp, mô hình cải tiến giúp tiết kiệm điện và giảm đáng kể chi phí, song không phải ai hoặc lúc nào các chủ trang trại cũng mạnh dạn ứng dụng. Anh Đặng Công Hiếu tâm sự, khi mới đi học tập và tham quan mô hình chiếu sáng tiết kiệm điện này anh thấy rất hay và muốn về vận dụng trong sản xuất hoa cúc ở vườn nhà nhưng lúc đầu không khỏi rụt rè vì ngại phải bỏ ra một khoản chí phí không nhỏ. Anh Hiếu tính toán, với 500 chóa đèn, giá 10.000 đồng/chiếc, anh phải bỏ ra 5 triệu cùng với chi phí làm nhà kính phải đội cao lên tốn khoảng 10 triệu nữa là 15 triệu đồng. Tuy với anh đó là khoản kinh phí không nhỏ, song anh quyết tâm vay mượn để đầu tư.

Anh Hiếu cho biết thêm, với việc sử dụng đèn compact kèm chóa, mỗi tháng anh tiết kiệm được trên 500 ngàn đồng so với trước đây. Cụ thể: tháng 6/2013 gia đình anh tiêu thụ trên 1.000 kWh, tương đương trên 1,5 triệu đồng; tháng 7/2013 giảm xuống còn 812 kWh và chỉ phải trả chỉ còn 1 triệu đồng. Trong khi những tháng chưa dùng mô hình này, mỗi tháng gia đình anh phải trả trên 2 triệu đồng tiền điện. Anh Hiếu tính toán, với mức tiết kiệm tiền điện như kể trên thì không bao lâu sẽ thu hồi được số tiền đầu tư cho việc điều chỉnh, cải tiến hệ thống chiếu sáng.

Hoa cúc đến mùa thu hoạch ở làng hoa Trại Mát
Hoa cúc đến mùa thu hoạch ở làng hoa Trại Mát.

Ông Nguyễn Văn Sỹ - Chủ tịch Phường 11 (TP Đà Lạt), nơi có làng hoa Trại Mát cho biết, nhiều cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã ở Trại Mát đã nghiên cứu các mô hình trang trại tiết kiệm điện thiết thực và hiệu quả cao. Các hộ gia đình cũng đã biết ứng dụng giải pháp mới về tiết kiệm điện, tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cũng như tiết kiệm điện trong sinh hoạt hàng ngày. “Tiết kiệm điện không chỉ giúp gia đình giảm chi phí, tăng thêm thu nhập mà còn giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia” - ông Sỹ nói.

Ông Phạm Trung Kiên - Phó phòng Kiểm tra giám sát mua bán điện, Công ty Điện lực Lâm Đồng đánh giá: “Việc đưa mô hình tiết kiệm điện mới, chẳng hạn như gắn chóa với bóng đèn compact, dùng rơle tự động hay hệ thống tưới nước nhỏ giọt... của các chủ trang trại trồng hoa ở Trại Mát là những mô hình, giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tiết kiệm điện, tiết kiệm nước. Với những hiệu quả đem lại, tôi tin tưởng rằng mô hình này sẽ nhanh chóng được nhân rộng ở nhiều nơi, không chỉ trên địa bàn thành phố Đà Lạt mà còn ở rất nhiều địa phương khác”.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Lâm Đồng, lượng điện năng tiêu thụ trong nông nghiệp chiếm gần 60% tổng lượng điện tiêu thụ của toàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, 25-30% dùng trong chiếu sáng cho các vườn hoa cúc. Năm 2012 tiết kiệm được 2.267.530kWh đạt 4.01%. Riêng làng hoa Trại Mát, thành phố Đà Lạt với các mô hình tiết kiệm điện đã góp một phần không nhỏ trong sản lượng điện tiết kiệm năm 2013 của Công ty Điện lực Lâm Đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.