'Giải vây' cầu Thanh Trì, cần đẩy tiến độ các dự án vành đai

0:00 / 0:00
0:00
Cầu Thanh Trì vẫn ùn tắc kéo dài trong ngày đầu hạ tốc độ xuống 60km. Ảnh: Anh Trọng
Cầu Thanh Trì vẫn ùn tắc kéo dài trong ngày đầu hạ tốc độ xuống 60km. Ảnh: Anh Trọng
TP - Ngày 16/3, Sở GTVT Hà Nội thực hiện hạ tốc độ trên cầu Thanh Trì để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT). Việc này được đưa ra sau khi Cục CSGT đề nghị và báo Tiền Phong có các bài phản ánh những bất cập giao thông trước đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ùn tắc - TNGT trên cầu Thanh Trì sẽ khó “xóa” nếu các dự án cầu bắc qua sông Hồng tiếp tục chậm trễ.

Có mặt tại cầu Thanh Trì sáng qua, phóng viên ghi nhận, hai biển báo tốc độ (hình tròn) được gắn ở hai đầu cầu Thanh Trì đã ghi tốc độ ô tô được phép di chuyển là 60km/h, tại làn xe hỗn hợp biển báo tốc độ vẫn để nguyên 50km/h. Tuy đã hạ tốc độ, nhưng do lượng phương tiện ô tô đông, nên từ 7h đến 10h sáng qua, cầu Thanh Trì ùn tắc cả 2 chiều đường, riêng làn xe hỗn hợp (có mặt cắt chiều rộng gần bằng 2 làn ô tô kế bên) nhiều lúc chỉ lác đác xe qua lại.

“Vì ùn tắc nên lưu thông qua cầu Thanh Trì giờ cao điểm để đạt được tốc độ 60km/h là quá khó. Việc hạ tốc độ tại đây không có nhiều tác dụng”, anh Linh, trú tại Khu đô thị Gamuda (Hoàng Mai), tham gia giao thông trên cầu Thanh Trì sáng 16/3, nói.

Cho ý kiến về phương án tổ chức giao thông mới trên cầu Thanh Trì, lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (PMU Thăng Long), Bộ GTVT cho biết: Vừa sai thiết kế, vừa rất khó hiểu. Theo lãnh đạo PMU Thăng Long, tốc độ hiện nay toàn tuyến đường Vành đai 3 là 80km/h, nay hạ tốc độ tại đoạn qua cầu Thanh Trì xuống 60km/h là “rất buồn cười”. Hơn nữa, trong thiết kế dự án, làn đường ngoài cùng (bên phải cầu) là dành cho xe cho mô tô, xe máy, nay Sở GTVT Hà Nội cho cả ô tô đi vào là không đúng phương án tổ chức giao thông.

“Ðến nay, năm 2020 đã qua nhưng hiện 5 cây cầu này chưa có dự án nào hoàn thành. Ðây là lý do dẫn đến cầu Thanh Trì trở nên quá tải, ùn tắc, TNGT thường xuyên”.

 TS. Ðào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch

và phát triển đô thị Hà Nội

Đề cập đến giải pháp giải quyết hiệu quả ùn tắc, TNGT cho cầu Thanh Trì, đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, trước mắt Sở GTVT nên thu hẹp làn xe hai bánh từ 7 mét mặt cắt ngang xuống còn 3 mét để mở thêm một làn ô tô, sau đó tách ô tô ra khỏi làn xe máy. Việc này giúp tránh xung đột, va chạm dẫn đến TNGT trên cầu Thanh Trì. “Đây mới là giải pháp cần làm, giúp cầu vừa khai thác đúng thiết kế vừa giảm được xung đột, ùn tắc giao thông”, ông Bình nói.

Về lâu dài, ông Bình cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến ùn tắc trên cầu Thanh Trì hiện nay là lượng xe đã vượt 8,1 lần thiết kế, do vậy cần phải đẩy nhanh tiến độ các dự án đường vành đai, trong đó có 4 cây cầu bắc qua sông Hồng đoạn qua Hà Nội để giảm tải lưu lượng xe cho cầu Thanh Trì.

Năm 2022 có thêm cầu bắc qua sông Hồng

Trong giai đoạn từ 2015 đến 2030 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để thành phố Hà Nội và Bộ GTVT xây dựng thêm 3 tuyến đường vành đai để giảm tải lưu lượng xe cho khu vực nội thành Hà Nội. Các tuyến đường Vành đai này bao gồm: Vành đai 3,5; Vành đai 4; Vành đai 5. Cùng với xây đường, 3 dự án đường vành đai này còn có 3 cây cầu bắc qua sông Hồng ở phía Nam cầu Thanh Trì, gồm: cầu Ngọc Hồi (Vành đai 3,5), cầu Mễ Sở (Vành đai 4), cầu Thái Hà (Vành đai 5). Ngoài ra trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, thành phố Hà Nội còn được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho xây dựng thêm 2 cầu bắc qua sông Hồng trong khu vực nội đô, gồm cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo.

Cho ý kiến về tiến độ các dự án đường vành đai trong đó có các cầu bắc qua sông Hồng, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong 3 dự án đường vành đai trên thì thành phố Hà Nội được giao triển khai đường Vành đai 3,5; các dự án đường Vành đai 4, Vành đai 5 do Bộ GTVT triển khai. “Từ nay đến năm 2030, thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GTVT tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống vành đai theo quy hoạch”, ông Viện nói.

Với dự án đường Vành đai 3,5, ông Viện cho biết, thành phố Hà Nội đã khởi công và đã hoàn thiện cơ bản một số đoạn, trong đó có đoạn từ cầu Đông Trù đến đường trục khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh); đoạn từ đại lộ Thăng Long đến đường trục phía nam (đường Lê Trọng Tấn và Lê Trọng Tấn kéo dài, thuộc quận Hà Đông) đã được hoàn thành. Đoạn từ khu đô thị Thanh Hà đến dự án cầu Mễ Sở đang lập hồ sơ để kêu gọi nhà đầu tư.

Với dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, ông Viện cho biết, hiện đã được khởi công và theo tiến độ yêu cầu, công trình sẽ được hoàn thành trong năm 2022. Khi cầu Vĩnh Tuy 2 hoàn thành, Sở GTVT sẽ tổ chức lại giao thông theo hướng giảm lưu lượng phương tiện cho cầu Vĩnh Tuy và cầu Thanh Trì.

MỚI - NÓNG