Giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên biển

Giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên biển
TP - Giám đốc Trung tâm Luật Biển & Hàng hải Quốc tế khẳng định, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc liên tục gây hấn trên biển Đông, vi phạm nghiêm trọng “hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương”.

> Sự thật về thông tin 'tàu dầu khí Việt Nam' bị chìm ở Biển Đông
> Vụ tàu Bình Minh 02 bị làm đứt cáp: Trung Quốc vu cáo Việt Nam
> Mưu đồ phi pháp nhắm vào ngư dân Việt Nam trên biển Đông

Nhân tròn 30 năm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (ký ngày 10-12-1982), PGS.TS.LS. Nguyễn Bá Diến, Giám đốc Trung tâm Luật biển&Hàng hải Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhấn mạnh, cốt lõi của văn bản này là đòi hỏi các bên giải quyết mọi tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình.

Thưa ông, tại sao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 được coi là hiến pháp của thế giới về biển?

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) xác định một cách toàn diện quy chế pháp lý của các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của các quốc gia ven biển cũng như quy chế pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy biển quốc tế.

Nó cũng quy định thành lập một loạt cơ chế quốc tế quan trọng liên quan hoạt động ở biển và đại dương như Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy Đại dương, Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa và Hội nghị các Quốc gia Thành viên Công ước. Bởi thế, người ta xem UNCLOS 1982 như hiến pháp của thế giới về các vấn đề biển và đại dương.

Đặc biệt, đề phòng tranh chấp có thể nảy sinh giữa các thành viên, UNCLOS 1982 đòi hỏi các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp liên quan việc giải thích hoặc áp dụng UNCLOS 1982 bằng các biện pháp hòa bình theo đúng quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời nêu rõ các cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính triệt để.

Từ khi trở thành thành viên của UNCLOS 1982, nước ta tham gia các hoạt động gì trên diễn đàn quốc tế liên quan đến biển?

Việt Nam (VN) đã tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế quốc tế theo UNCLOS 1982. VN đã được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Cơ quan Quyền lực Quốc tế về Đáy Đại dương và thành viên của Hội đồng Cơ quan Quyền lực tại các diễn đàn liên quan.

Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá ở Hàng Sa. Ảnh: Nam Cường
Ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt cá ở Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường.

 Chỗ dựa pháp lý chống yêu sách “đường lưỡi bò”

UNCLOS 1982 đã giúp gì cho Việt Nam bảo vệ chủ quyền biển đảo?

Là một quốc gia ven biển, VN đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng về dự thảo UNCLOS 1982. Tại hội nghị lần thứ III của LHQ về Luật Biển, VN là một trong 107 quốc gia tham gia ký UNCLOS 1982.

Như vậy, tham gia UNCLOS 1982, là quốc gia ven biển, VN được thừa nhận có vùng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý và có thể mở rộng tới 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà nước ta được hưởng theo quy định của UNCLOS 1982 là trên một triệu kilômét vuông, rộng gấp ba lần diện tích lãnh thổ đất liền.

UNCLOS 1982 là cơ sở pháp lý quốc tế để bảo vệ quyền lợi của VN trên Biển Đông. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của VN đã được xác lập liên tục, hòa bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, UNCLOS 1982 là công cụ pháp lý để phản bác yêu sách phi lý, ngang ngược là “đường lưỡi bò” chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.

UNCLOS 1982 cũng là cơ sở pháp lý chung cho việc phân định vùng biển và thềm lục địa chồng lấn giữa nước ta với các nước xung quanh Biển Đông như Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc (TQ), Indonesia, Malaysia…, góp phần tạo dựng sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo môi trường ổn định, hoà bình, hợp tác và phát triển trong Biển Đông.

Nhà nước ta đã căn cứ vào các quy định của UNCLOS 1982 để đàm phán với các nước láng giềng về các vấn đề liên quan Biển Đông.

Thời gian qua, ta và một số nước láng giềng liên quan như Thái Lan, TQ và Indonesia đã giải quyết một số tranh chấp về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa chồng lấn.

Năm 1997, ta và Thái Lan ký Hiệp định Phân định Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Thái Lan. Năm 2000, ta và TQ ký Hiệp định Phân định Lãnh hải Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ. Năm 2003, ta và Indonesia ký Hiệp định Phân định Thềm lục địa của hai nước ở phía nam Biển Đông.

Các hiệp định đó có được công bố ở Liên Hợp Quốc không?

Sau khi có hiệu lực, các hiệp định này đã được lưu chiểu tại Liên Hợp Quốc theo đúng quy định của Hiến chương LHQ, phù hợp với nghĩa vụ theo UNCLOS 1982 và các cam kết theo Tuyên bố năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Nhà nước VN đã, đang và tiếp tục hành động theo chủ trương tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của UNCLOS 1982; đồng thời yêu cầu kêu gọi các quốc gia khác tuân thủ nghĩa vụ này.

Mưu đồ của Trung Quốc

Khi trở thành thành viên của UNCLOS 1982, các quốc gia có trách nhiệm chính gì?

Các nước thành viên có trách nhiệm tuân thủ đầy đủ các quy định trong UNCLOS 1982, không có ngoại lệ, và không có bảo lưu. Do đó, không thể có quốc gia nào, khi tham gia sân chơi luật pháp chung này, chỉ viện dẫn và áp dụng những quy định trong UNCLOS 1982 có lợi cho quốc gia mình, hoặc không tuân thủ, thậm chí phủ nhận những quy định không có lợi cho quốc gia mình.

Trung Quốc là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, phê chuẩn UNCLOS 1982 năm 1996. Vậy Trung Quốc có tôn trọng UNCLOS 1982?

Đáng lẽ TQ phải thật sự gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định của UNCLOS 1982 cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Nhưng TQ lại hành động ngược lại. TQ đã và đang có những thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn, với mức độ leo thang ngày một nghiêm trọng trên Biển Đông. Điều đó chứng tỏ TQ không tôn trọng UNCLOS 1982 và luật pháp quốc tế.

Đâu là các kịch bản mà Trung Quốc có thể thực hiện tiếp theo trên Biển Đông?

TQ đã và đang xây dựng cho mình những kịch bản rất tinh vi, bài bản, tổng thể với việc sử dụng nhiều mặt trận khác nhau như chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quân sự để chia rẽ các nước trong khối ASEAN, vu cáo, cô lập VN và các nước liên quan. Họ vừa răn đe Nhật Bản, vừa nhắc nhở lại vừa ve vãn Mỹ và Nga cũng như các nước lớn khác nhằm độc chiếm Biển Đông trong thời gian sớm nhất. Như vậy, âm mưu và tham vọng của TQ là không thay đổi.

Vậy vấn đề có tùy thuộc chúng ta hay UNCLOS 1982 nữa không?

Vấn đề còn lại là tùy thuộc ở chúng ta, toàn thể dân tộc VN, các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình và công lý. Để làm phá sản tham vọng phi lý của TQ trên Biển Đông, VN cần có chiến lược tổng thể, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đặc biệt dựa trên quy định của UNCLOS 1982 và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Cảm ơn ông.

Văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất

Sau hơn bốn năm chuẩn bị và chín năm đàm phán, ngày 10-12-1982, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982 hay UNCLOS 1982) được 107 quốc gia, trong đó có Việt Nam, ký tại Jamaica. Tính đến ngày 3-6-2011, đã có 162 nước phê chuẩn và tham gia UNCLOS 1982. Trong số đó, nhiều quốc gia không có biển cũng chấp nhận.

Sau Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS 1982 được đánh giá là văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. UNCLOS 1982 là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và chín phụ lục, với hơn 1.000 quy phạm pháp luật.

Nó là một văn kiện quốc tế tổng hợp toàn diện, bao quát được tất cả vấn đề quan trọng nhất về chế độ pháp lý của biển và đại dương, quy định được các quyền và nghĩa vụ về nhiều mặt của mọi quốc gia đối với các vùng biển, góp phần vào việc giữ gìn hòa bình, công lý và tiến bộ cho tất cả dân tộc trên thế giới. UNCLOS 1982 đáp ứng nguyện vọng của cộng đồng quốc tế về một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với hầu hết vấn đề về biển và đại dương.

Yêu cầu các nước tôn trọng quyền của Việt Nam

Ngày 23-6-1994, Quốc hội VN ra nghị quyết phê chuẩn UNCLOS 1982. Quốc hội khẳng định chủ quyền của VN đối với các vùng nội thủy, lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982 và các nguyên tắc của pháp luật quốc tế, yêu cầu các nước khác tôn trọng các quyền nói trên của VN.

Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền của VN đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng tuyên bố rõ lập trường giải quyết hòa bình các bất đồng liên quan Biển Đông trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Ðông đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

 

Quốc Dũng

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.